Nghệ thuật và du lịch: Liên kết sáng tạo

Bộ Chính trị khuyến khích gắn kết phát triển văn học - nghệ thuật với ngành du lịch và dịch vụ, từng bước tạo lập các chương trình, sản phẩm, thương hiệu mang tầm quốc gia.

Gắn kết văn học, nghệ thuật với du lịch và dịch vụ

Thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa 10 về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Theo Bộ Chính trị, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ngành văn học - nghệ thuật Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật, thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng và những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao...

Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường nguồn lực, nâng cao hiệu quả các quỹ đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật, tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực, hoàn thiện chính sách xã hội hóa.

Trong đó, chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học - nghệ thuật vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Khuyến khích gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với các ngành du lịch, dịch vụ.

Khuyến khích gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với các ngành du lịch, dịch vụ.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tăng cường nguồn lực; nâng cao hiệu quả các quỹ đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật, tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực, hoàn thiện chính sách xã hội hóa.

Trong đó, khuyến khích gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với các ngành du lịch, dịch vụ, từng bước tạo lập các chương trình, sản phẩm, thương hiệu mang tầm quốc gia; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa…

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Đặc biệt là xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Việc thực hiện đối thoại, tranh luận dân chủ, xây dựng, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình cũng như việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng là nhiệm vụ được Bộ Chính trị đề ra.

Bộ Chính trị lưu ý việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Cùng với đó là cơ chế ưu tiên và đột phá trong thu hút, đào tạo và trọng dụng các tài năng trong ngành này.

Chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ trẻ

Cũng tại Chỉ thị này, Bộ Chính trị nhấn mạnh quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ trẻ, nữ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục xây dựng chiến lược đào tạo tài năng văn học, nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài...

Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới; tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động văn học, nghệ thuật. Khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam cũng là nhiệm vụ được Bộ Chính trị đặt ra.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ trẻ.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ trẻ.

Cùng với đó là xây dựng, hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực này. Tạo bước đột phá phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn mới, tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng, khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả.

Cuối cùng, Bộ Chính trị yêu cầu phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong việc tuyên truyền và giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ tiếp cận với các xu hướng và sản phẩm mới, tiến bộ trên thế giới.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-thuat-va-du-lich-lien-ket-sang-tao-204240718102158954.htm