Nghe trong tiếng nhạc có cả mùi hương...
Khi những hoa xoan, hoa gạo rụng xuống, những màn sương lạnh cuối cùng của tháng Ba tan dần trong nắng, là lúc những nụ loa kèn e ấp bừng giấc. Những cánh trắng mảnh mai như nhuộm lãng đãng màu sương mai, màu nắng non tháng Tư đòng đưa duyên dáng khoe mình trong gió nhẹ. Mùa loa kèn về.
Dường như có sự liên quan mật thiết giữa đất trời tháng Tư và những đóa hoa loa kèn. Những đóa hoa trắng tinh khiết, điểm nhụy vàng nhạt, mùi hương dịu dàng tỏa thoắt ẩn thoắt hiện trong nắng nhẹ gió mềm tháng Tư. Nào phải rực rỡ sắc màu, sực nức hương thơm như hồng, như cúc mới quyến rũ, chính sự dịu dàng lại làm nên sức hút mãnh liệt, cuốn hút của những đóa hoa loa kèn.
Phải vậy chăng mà những đóa hoa tháng Tư làm nên nhiều dấu ấn trong thơ ca, nhạc họa?
Ấn tượng đầu tiên của tôi về hoa loa kèn là những câu hát rộn ràng về hoa loa kèn của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát mà đứa trẻ mẫu giáo nào cũng thuộc lòng vì hình ảnh những đóa hoa sinh động “thổi kèn chiến thắng”. Những đóa hoa giúp người lớn kể cho trẻ nhỏ biết về ngày thống nhất non sông. Những câu hát của con trẻ hồn nhiên mà hình ảnh đẹp, thú vị đến bất ngờ “Nghe trong tiếng nhạc có cả mùi hương”, giúp những đứa trẻ thấy tâm trí mình tưởng tượng bay bổng thật đẹp về những đóa hoa biết hát.
Hoa loa kèn không nổi bật bởi màu sắc, hương thơm nhưng nói theo cách của giới trẻ ngày nay, hẳn là nhờ “khí chất”, “thần thái”. Họa sĩ Tô Ngọc Vân khi vẽ thiếu nữ bên hoa huệ (hoa loa kèn còn gọi là hoa huệ tây), có thể ông không nghĩ bức tranh của mình, hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài trắng nghiêng mình nâng niu đóa loa kèn trắng lại trở thành dấu ấn của hội họa Việt Nam, trường tồn cùng năm tháng. Người nghệ sĩ tài hoa ấy đã nắm bắt được “thần thái” của cô gái và của đóa hoa, để rồi qua bao thế hệ, bao người mẫn cảm khi đối diện, không chỉ yêu vẻ đẹp của một đóa hoa, của một nhan sắc mà còn yêu nét văn hóa chơi hoa có từ rất xa xưa.
Bức tranh thiếu nữ bên hoa huệ tôi cắt ra từ một họa báo, dán ở gác xép nhỏ xíu chưa đến 6 mét vuông của mình ngày còn là học sinh cấp hai. Vì yêu đóa hoa trong tranh, thi thoảng tôi lại để dành tiền ăn sáng, mua một nhành loa kèn thân gầy guộc, cổ vươn cao như vũ nữ duyên dáng cắm trong chiếc bình nhỏ. Tôi là người nhớ kĩ từng chi tiết. Đến bây giờ, sau mấy mươi năm, tôi vẫn nhớ những giai điệu bài hát lãng mạn từ cuộn băng casette cũ kĩ; nhớ những dáng vẻ, sắc màu dù chỉ là từ đóa hoa in trên họa báo, hay những đóa kèn nhỏ dành dụm mua từ tiền ăn sáng của con nhà nghèo... nhưng đủ thêu thêm chút lãng mạn để chắp cánh cho những năm tháng tuổi mộng mơ của mình.
Sinh nhật tôi đầu tháng Tư, là độ hoa loa kèn vào mùa đẹp nhất. Thành phố phương Nam tôi ở không có những xe đẩy hoa, gánh hoa loa kèn mỗi độ tháng Tư về. Những bó kèn đáng yêu thường khiến tôi cảm động khi được một người bạn tâm lí gửi đến vào ngày sinh với lời nhắn: “Chị đi công tác nên xách tay từ Hà Nội về đấy”; hay: “Này cô gái tháng Tư, tặng cô một bó loa kèn, anh phải lục tung chợ hoa Hồ Thị Kỷ mới tìm thấy đấy”. Và bao giờ cũng vậy, tôi thường giữ thói quen cắm hoa chuyển từ bình lớn qua bình nhỏ; nâng niu từ khi bó hoa còn sum suê cho đến khi héo dần, chỉ còn dăm ba đóa hoa nở cuối cùng. Lúc này, chiếc bình hoa chỉ còn một cành cao cao gầy gầy, dễ thương chi lạ khi gợi nhớ thói quen của một thời nhịn ăn sáng đủ mua một cành hoa khi xưa.
“Bàn tay trắng muốt em cầm
Một nhành hoa nối mùa xuân - mùa hè”
…
“Mùa hoa đi vụt qua nhanh
Mùi hoa chưa kịp cho anh được cầm”.
Sáng nay, có người phụ nữ ngoài 40 bất chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Ngô Quân Miện mà mình chép thuở đôi mươi, nhớ một mùa hoa dù đến và đi thật vội vẫn đủ làm nên dấu ấn xôn xao gọi hè về.