Nghe Văn Lâm trải lòng

Hành trình trở thành thủ môn số 1 đội tuyển Việt Nam của thủ môn Văn Lâm chưa bao giờ bằng phẳng. Ngay cả ở thời điểm này, anh cũng luôn phải đối diện với những thử thách. Vậy nhưng, Văn Lâm chưa bao giờ chùn bước.

15 phút trước thời điểm bắt đầu cho buổi ghi hình, Văn Lâm đã có mặt. Anh chỉnh lại trang phục, trao đổi với người phỏng vấn mình về chủ đề, nội dung câu hỏi. Đây không phải lần đầu Văn Lâm chỉn chu như thế. Theo lời kể của các đồng đội tại CLB Bình Định, thủ thành Việt kiều này chưa bao giờ trễ hẹn trong các buổi tập ở đội bóng đất võ.

 Văn Lâm luôn nỗ lực tập luyện hết mình.

Văn Lâm luôn nỗ lực tập luyện hết mình.

“Tôi không nghĩ một buổi tập dành cho cầu thủ chuyên nghiệp chỉ kéo dài hai tiếng trong ngày”, Văn Lâm mở lời.

“Một ngày kéo dài 24 tiếng. Và cầu thủ được coi là chuyên nghiệp phải dành hết 24 tiếng ấy cho hoạt động bóng đá. Những gì tôi đã trải qua ở Nhật Bản, trong hai năm thi đấu tại Cerezo Osaka dạy cho tôi hiểu về một sự lập trình ở đẳng cấp cao. Từ giờ giấc ngủ, nghỉ, sinh hoạt, hồi phục cho đến tập luyện... mọi hoạt động đều được lập trình như cái máy ở Cerezo Osaka. Tôi đã được tận mắt nhìn thấy những “con robot” trong phòng thay đồ, phòng gym tại đó. Điều ấy khiến tôi nổi da gà vì quá choáng ngợp lẫn thích thú. Tôi khao khát được thấy, được học, được bắt chước từ họ. Bóng đá luôn thay đổi theo từng mùa giải. Chỉ khi nào tiếp thu cái mới, cái hay mới có thể giúp tôi giữ được phong độ lâu dài. Đến nay, dù không được thi đấu nhiều cho Cerezo Osaka (Văn Lâm thi đấu đúng 2 trận) nhưng tôi vẫn cho rằng đó là hai năm chất lượng nhất sự nghiệp của mình. Từ sự chuyên nghiệp trong tác phong của cầu thủ tại Nhật Bản, tôi tin rằng mình có thể kéo dài sự nghiệp thêm nhiều năm nữa”, Văn Lâm giãi bày.

Văn Lâm từng thuê HLV thể lực hỗ trợ riêng cho mình. Anh dành rất nhiều thời gian ở phòng gym để luyện tập. Với Văn Lâm, phòng gym là người bạn của cầu thủ, giúp anh luôn giữ được một thể trạng sung mãn!

“Tôi sống ở Nga đến năm 18 tuổi. Nhưng ngần ấy thời gian, tôi luôn sống trong sự giao thoa của văn hóa Nga-Việt. Tôi nghe mẹ nói tiếng Nga đồng thời cũng được thẩm thấu từng lời tiếng Việt của bố”, Văn Lâm nói. Và rằng: “Tôi vẫn nhớ từng giai điệu thiết tha của Thu Hiền, qua những lần bật đĩa CD của bố. Tôi thích bánh chưng Việt Nam. Cứ đầu năm mới, tôi lại háo hức. Thứ bánh xanh mướt, mềm dẻo quyện với chút ngậy của thịt mỡ làm tôi không thể nào quên”.

Văn Lâm đến với bóng đá từ năm 6 tuổi, thích cảm giác đổ người và chặn trái bóng. Một vài tuần sau đó, trường của Văn Lâm thi đấu giao hữu với học viện Spartak Moscow. Anh chịu 13 bàn thua đến từ các cầu thủ thuộc học viện bóng đá trứ danh của Nga. Nhưng đó cũng là lúc anh được HLV đội nhí Spartak Moscow gửi lời đề nghị đào tạo.

Hơn chục năm được rèn giũa bởi học viện, Văn Lâm cũng đến tuổi thành niên. Một năm trước khi tốt nghiệp, Văn Lâm bỗng nhiên mặc một chiếc áo có hai từ do tự anh viết: Việt Nam! “Cả mùa giải ấy, tôi mặc chiếc áo đó. Tôi cảm thấy mình may mắn nhờ nó. Có lẽ ngay từ thời điểm đó, tôi đã có suy nghĩ sẽ thi đấu cho Việt Nam”.

“Nhưng hành trình đó chưa bao giờ dễ dàng. Tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ việc ban đầu không nói sõi tiếng Việt, chưa thích nghi với văn hóa Việt cho đến khác biệt giữa bóng đá Nga và V-League... Nhưng tôi cảm nhận mình mạnh mẽ, can trường hơn nhờ trong bản thân có dòng máu Việt. Động lực cống hiến cho Việt Nam, khao khát được chơi bóng cho đội tuyển Việt Nam khiến tôi muốn làm tất cả để hiện thực hóa giấc mơ của mình”, Văn Lâm tâm sự.

Thấm thoắt đã 8 năm trôi qua, kể từ cột mốc được lên đội tuyển Việt Nam lần đầu trong sự nghiệp, Văn Lâm vẫn đang trên con đường chinh phục những thử thách dành cho bản thân. Khó khăn chưa bao giờ... rời bỏ Văn Lâm. Đó là sự thật. Nhưng cũng từ thử thách, người ta thấy được một Văn Lâm mạnh mẽ.

Bài và ảnh: TRỊNH MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nghe-van-lam-trai-long-780171