Nghề vất vả mòn tay nhưng mang lại cái Tết ấm cho người dân phố núi

Vào dịp cuối năm, nghề chẻ lạt của các hộ dân phố núi lại bước vào giai đoạn nước rút để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Công việc có phần vất vả, nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những thợ lành nghề.

Mòn tay, tóe máu để mưu sinh

Giữa cái se lạnh đặc trưng của phố núi trong những ngày giáp Tết, con hẻm 21 trên đường Nguyễn An Ninh (tổ dân phố 4, phường Ea Tam, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trở nên nhộn nhịp và sôi động. Những người thợ miệt mài chẻ lạt, tiếng người nói vang vọng, tạo ra không khí rộn ràng, đầy sức sống.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu (SN 1970, trú tại hẻm 21) – người đã gắn bó với nghề chẻ lạt gần 40 năm nay. Với đôi tay thoăn thoắt, khéo léo, bà Liễu đã biến những khúc lồ ô thẳng tắp thành những sợi lạt dẻo dai, đều tăm tắp. Bà chia sẻ: "Năm 1986, tôi theo gia đình vào Buôn Ma Thuột để lập nghiệp. Cũng từ đó, nghề chẻ lạt đã trở thành một phần cuộc sống của tôi".

Những người thợ miệt mài chẻ lạt.

Những người thợ miệt mài chẻ lạt.

Bà Liễu chia sẻ thêm: "Trước đây, sau khi chẻ lạt, tôi phải mang ra chợ để bán lẻ, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng giờ đây, nghề chẻ lạt đã đỡ vất vả hơn. Chẻ lạt đến đâu, có người đến thu mua đến đó. Nhiều khách quen thậm chí còn đặt hàng trước, chờ khi lạt chẻ xong thì mang xe đến vận chuyển về. Nhờ vậy, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, ổn định cuộc sống".

Tuy nhiên, không dễ dàng để trở thành thợ chẻ lạt chuyên nghiệp. Bà Phạm Thị Nhạn (SN 1975, em dâu của bà Liễu) lý giải: "Việc chẻ lạt không chỉ kỳ công mà còn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng thao tác để đảm bảo lạt được mỏng, dẻo dai. Những ngày đầu mới vào nghề, do thiếu kinh nghiệm nên nhiều sợi lạt do tôi chẻ ra đầu dày, đầu mỏng. Chưa kể, đầu ngón tay thường xuyên bị dao cứa chảy máu".

Nói rồi, bà Nhạn chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên các ngón tay là minh chứng cho những tháng ngày lao động vất vả. "Do các thanh lồ ô rất sắc nhọn nên dù có đeo găng tay, quấn băng keo cẩn thận đến đâu, tôi vẫn không tránh khỏi tai nạn. Lâu ngày, da tay bị mòn, phỏng rát. Do đó, thời gian đầu tôi chỉ chẻ được vài ống lồ ô", bà Nhạn nói.

Những thanh lồ ô được gọt bỏ ruột.

Những thanh lồ ô được gọt bỏ ruột.

Sau hơn 30 năm gắn bó, bà Nhạn đã trở thành một người thợ dày dạn kinh nghiệm. Giờ đây, đôi tay của bà đã trở nên điêu luyện, thoăn thoắt chẻ những sợi lạt mỏng tang mà không cần nhìn vào việc di chuyển của từng đường dao. Mỗi ngày, bà có thể chẻ từ 20-30 ống lồ ô non và 15-20 ống lồ ô đã già.

"Lạt chẻ càng mỏng thì càng dẻo dai, thuận lợi trong quá trình sử dụng để gọi bánh chưng, chả giò, bánh tét...", bà Nhạn nói.

Sau khi chẻ, những thẻ lạt được xâu vào một đoạn cây ngắn và treo vào móc rồi đưa lên dây phơi. Sau khi phơi từ 4-5 nắng, lạt được bó lại thành từng bó để bán cho người tiêu dùng.

Bà Nhạn cho hay: "Thời tiết là yếu tố quyết định chất lượng lạt. Nếu phơi dưới trời nắng ráo, lạt sẽ có màu trắng sáng, hương thơm tự nhiên và dẻo dai. Còn nếu gặp trời mưa và không được bảo quản tốt, lạt sẽ bị mốc và đứt gãy".

Việc chẻ lạt đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng thao tác.

Việc chẻ lạt đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng thao tác.

Người thợ chẻ dùng 2 ngón chân để kẹp một đầu thẻ lồ ô trong quá trình chẻ.

Người thợ chẻ dùng 2 ngón chân để kẹp một đầu thẻ lồ ô trong quá trình chẻ.

Hối hả những ngày cuối năm

Theo ghi nhận của PV, vào những tháng giáp Tết, nghề chẻ lạt của các hộ dân tại hẻm 21 đường Nguyễn An Ninh bước vào giai đoạn nước rút.

Những người thợ phải chạy đua với thời gian để đảm bảo lượng lạt phục vụ cho thị trường. Nhiều gia đình thức dậy từ lúc 4h sáng, miệt mài chẻ lạt cho đến tận 10h đêm mới có thể nghỉ ngơi.

Thế nhưng, lượng lạt chẻ ra vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài việc chẻ thủ công, nhiều hộ dân nơi đây đã đầu tư máy móc hiện đại để chẻ nan và lạt, nhằm tăng năng suất.

Các thẻ lạt sau khi chẻ được xâu vào một đoạn cây ngắn.

Các thẻ lạt sau khi chẻ được xâu vào một đoạn cây ngắn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu chia sẻ: "Cuối năm, nhu cầu dùng lạt rất lớn. Người dân không chỉ dùng để gói bánh chưng, chả giò, bánh tét mà còn để buộc rau,… Do đó, mỗi ngày, các thương lái tìm đến tận nơi để lấy lạt rồi phân phối đến nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk".

Không chỉ dừng lại ở thị trường Đắk Lắk, sản phẩm lạt lồ ô của các hộ dân nơi đây còn được tiêu thụ rộng rãi đến nhiều tỉnh thành như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Tp.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội,... với giá 100.000 đồng/kg đối với lạt bản lớn và từ 50-70.000 đồng/thẻ đối với lạt nhỏ.

Lạt sau khi chẻ được mang ra phơi nắng.

Lạt sau khi chẻ được mang ra phơi nắng.

Công việc dù vất vả nhưng mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân chẻ lạt. Mỗi ngày, gia đình bà Nhạn mang về thu nhập từ 200.000 đến 250.000 đồng.

Tương tự, gia đình bà Liễu cũng thu về hơn 20 triệu đồng trong 3 tháng cuối năm từ nghề chẻ lạt. Những tháng còn lại, gia đình bà tập trung trồng rau để mưu sinh, tạo nên nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài việc làm thủ công, người dân còn đầu tư máy móc để chẻ lạt, nan.

Ngoài việc làm thủ công, người dân còn đầu tư máy móc để chẻ lạt, nan.

Những thanh lạt trắng mỏng được phơi dọc vỉa hè.

Những thanh lạt trắng mỏng được phơi dọc vỉa hè.

Nhiều người dân đi ngang qua không khỏi thích thú trước những dây lạt trắng muốt phơi bên đường.

Nhiều người dân đi ngang qua không khỏi thích thú trước những dây lạt trắng muốt phơi bên đường.

Sau khi phơi khô, lạt được cột lại thành từng bó.

Sau khi phơi khô, lạt được cột lại thành từng bó.

Những thanh lạt được cân trước khi giao cho khách.

Những thanh lạt được cân trước khi giao cho khách.

Nhiều người đến tận lợi để mua lạt.

Nhiều người đến tận lợi để mua lạt.

Thời tiết là yếu tố quyết định chất lượng lạt.

Thời tiết là yếu tố quyết định chất lượng lạt.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Y Ser Mlô, Phó Chủ tịch UBND phường Ea Tam cho biết, nghề chẻ lạt không chỉ tạo công ăn việc làm cho một số hộ dân tại tổ dân phố 4 mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân gìn giữ các nghề truyền thống để mưu sinh và bảo tồn nét văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn phường chỉ còn 6-7 hộ dân giữ được nghề đan lát truyền thống, nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-vat-va-mon-tay-nhung-mang-lai-cai-tet-am-cho-nguoi-dan-pho-nui-20425012015182094.htm