'Nghẽn' nguồn lực viện trợ toàn cầu: Nút thắt cần sớm khai thông

Nguồn lực viện trợ toàn cầu chững lại trong năm 2025 đang tác động sâu rộng đến hoạt động nhân đạo, hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn, cũng như nỗ lực toàn cầu trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đây thật sự là phép thử đối với những cam kết đoàn kết và trách nhiệm quốc tế, là nút thắt cần sớm khai thông.

Nhiều chương trình viện trợ đã bị tạm dừng vì thiếu nguồn lực. Ảnh: UNOCHA

Nhiều chương trình viện trợ đã bị tạm dừng vì thiếu nguồn lực. Ảnh: UNOCHA

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng viện trợ phát triển chính thức toàn cầu trong quý I-2025 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hệ quả từ việc thế giới gần đây đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng lớn, khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển - những nhà tài trợ chính, phải tái cơ cấu ngân sách.

Theo Nghị viện châu Âu, Sắc lệnh 14169 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tạm dừng viện trợ phát triển nước ngoài đã khiến khoảng 83% chương trình của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tạm dừng, tạo ra một khoảng trống lên tới 60 tỷ USD mà các nhà tài trợ khác khó có thể bù đắp.

Nguồn tài trợ giảm dẫn tới sụt giảm rõ rệt về viện trợ công (ODA) cũng như các khoản hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay khối tư nhân. Thực trạng này ảnh hưởng tức thì tới các nước đang phát triển, vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ quốc tế cho các chương trình an sinh xã hội, khiến nhiều dự án phát triển bị hoãn, hủy.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm xuống 3,7% trong năm 2025, thấp hơn dự báo trước đó. Giới quan sát cũng chỉ ra, nguồn viện trợ giảm còn khiến các quốc gia thu nhập thấp đối mặt với rủi ro gia tăng khi tài trợ ưu đãi giảm và chi phí vay tăng, dẫn tới suy yếu tăng trưởng và mức sống.

Nepal, Myanmar... đã buộc phải giảm ngân sách cho y tế cộng đồng và hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa. Mất đi các nguồn viện trợ còn làm gia tăng bất ổn xã hội, thúc đẩy làn sóng di cư bất hợp pháp, khiến nhiều khu vực trở nên dễ tổn thương hơn trước các rủi ro môi trường và dịch bệnh.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Tom Fletcher nhận định, hệ thống viện trợ toàn cầu đang "ở ngưỡng sụp đổ" do thiếu hụt tài chính. Khoảng 10% nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đã phải nghỉ việc trong tháng 2-2025 do thiếu kinh phí.

Sụt giảm nguồn lực còn khiến nhiều hoạt động nhân đạo bị đình trệ hoặc thu hẹp quy mô. Tại Yemen, Syria, Sudan, Afghanistan…, tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và dịch vụ y tế ngày càng trầm trọng. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) buộc phải cắt giảm khẩu phần ăn cho hàng triệu người tị nạn. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong quý I-2025, có gần 5 triệu trẻ em không được tiếp cận với vắc xin cơ bản do thiếu tài trợ.

Một lĩnh vực quan trọng chịu ảnh hưởng khác là ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề toàn cầu, nhưng phần lớn ngân sách cho chương trình khí hậu tại các nước đang phát triển đến từ cam kết viện trợ. Khi tài trợ giảm, các dự án bảo vệ rừng, chuyển đổi năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu rơi vào tình trạng đình trệ. Tại Đông Nam Á và châu Phi, nhiều chương trình trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học bị gián đoạn do thiếu kinh phí.

Nguồn lực viện trợ chững lại đang bộc lộ tính dễ tổn thương của hệ thống viện trợ, cũng như sự phụ thuộc của nhiều quốc gia vào hệ thống này. Điều này đặt ra yêu cầu về đa dạng hóa nguồn tài trợ, tăng cường hợp tác khu vực và thúc đẩy tính bền vững trong các chương trình hỗ trợ.

Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Jennifer Chapman cho rằng, viện trợ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại thúc đẩy ổn định toàn cầu.

Theo các chuyên gia, một số giải pháp tháo gỡ khó khăn viện trợ trước mắt có thể tính đến là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình nhân đạo và phát triển bền vững thông qua mô hình đối tác công tư (PPP); tăng cường thu hút đầu tư nội địa vào các chương trình xã hội, thúc đẩy chính sách thuế ưu đãi để tạo nguồn lực trong nước; ứng dụng công nghệ số trong việc giám sát, quản lý và phân phối viện trợ để giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả; đẩy mạnh viện trợ song phương, đặc biệt giữa các nước đang phát triển, tạo nên mạng lưới hỗ trợ đa hướng.

Nguồn lực viện trợ toàn cầu đang chững lại không đơn thuần là vấn đề tài chính, mà đã trở thành thách thức lớn đối với thịnh vượng và ổn định toàn cầu, đòi hỏi giải quyết thông qua sự phối hợp chặt chẽ và sáng tạo giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương.

(Theo Liên hợp quốc, Cơ quan Đối ngoại châu Âu, NRC)

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghen-nguon-luc-vien-tro-toan-cau-nut-that-can-som-khai-thong-700151.html