Nghị định 147: Góp phần giúp không gian mạng an toàn và đáng tin cậy hơn
Nhiều nội dung quan trọng của Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 sắp tới nhằm ngăn chặn vi phạm, làm sạch môi trường không gian mạng.
Báo cáo gửi tới Quốc hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ rõ, sự phát triển quá nhanh của công nghệ trong khi công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển đã khiến không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Bộ TT&TT, ý thức của người sử dụng còn hạn chế, nhiều người khi tham gia sử dụng mạng xã hội có suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”. Nhiều người dân sử dụng các tài khoản mạng xã hội ảo, nặc danh nghĩ rằng có thể phát ngôn thoải mái mà không sợ bị ai phát hiện, bị cơ quan nào xử lý.
Chính vì vậy, các chuyên gia đánh giá Nghị định 147 ra đời cùng nhiều quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng không có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội như đã đề cập. Được biết, các nền tảng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho Bộ TT&TT, Bộ Công an khi có yêu cầu đối với những tài khoản, trang kênh có dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, tại điểm khoản 3 Điều 23 của Nghị định quy định bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động nhằm đảm bảo chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng từ 100.000 lượt trở lên sẽ phải chịu một số trách nhiệm.
Cụ thể, các nền tảng xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động trong nước thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Trường hợp người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Đánh giá những tác động tới môi trường mạng xã hội mà Nghị định mới đem tới, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS) - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng chia sẻ, các quy định mới của Nghị định 147 là một trong những giải pháp mạnh của cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu thông tin xấu độc, sai sự thật, qua đó người dùng phải có trách nhiệm trước những thông tin công bố trên mạng xã hội.
Khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng.
Với việc yêu cầu định danh cá nhân, Nghị định 147 cũng góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo trực tuyến đang nở rộ trong thời gian gần đây. Trong thế giới thực thì mỗi con người trong xã hội đã được cấp một căn cước công dân gắn chip để định danh còn ở trên các mạng xã hội thì không, việc tạo 1 tài khoản hiện nay khá dễ dàng khi nhiều nền tảng chỉ yêu cầu sử dụng 1 email bất kỳ. Vì thế, khi bắt gặp một nội dung nào đó chẳng hạn như quảng cáo, thật khó một người dân bình thường có thể nhận ra, nó là quảng cáo mạo danh. Các quy định sắp tới này xuất phát từ yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến. Đồng thời, các quy định cũng tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Nghị định 147 cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, cung cấp dịch vụ Internet phải góp phần trong việc làm sạch không gian mạng. Theo đó, tại Điều 79 của Nghị định 147 về vấn đề giám sát thông tin trên mạng cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an triển khai hệ thống kỹ thuật phục vụ giám sát, thu thập thông tin trên mạng trong phạm vi cả nước. Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm triển khai các biện pháp giám sát, thu thập, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên mạng trên hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng của doanh nghiệp theo hướng dẫn, yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an (đối với các vi phạm về bản quyền, sở hữu trí tuệ thì thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định có liên quan).
Các cơ quan quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến thuê bao viễn thông, Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên mạng đảm bảo có thể tra cứu, định danh chính xác tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) hoặc của Bộ Công an (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao).
Hơn nữa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng cần nâng cao trách nhiệm hơn bảo vệ an toàn người dùng Internet, khoản 5 Điều 80 của Nghị định mới nêu rõ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm triển khai các giải pháp trên thiết bị truy cập mạng do doanh nghiệp cung cấp cho người sử dụng để bảo vệ người dùng không truy cập vào các nguồn thông tin vi phạm pháp luật, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thông tin mạng; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin và Cục A05 (Bộ Công an).
Như vậy, có thể thấy, với quy định tại Điều 80 nêu trên, các nhà mạng như Viettel, VNPT... sẽ phải sớm triển khai các giải pháp an toàn thông tin trên các thiết bị mạng cung cấp tới hộ gia đình cũng như các cơ quan, tổ chức để bảo vệ an toàn cho người dùng ở mức cơ bản. Chắc chắn đây là bước tiến lớn trước tình trạng tấn công mạng, lộ lọt thông tin nhắm tới cá nhân, tổ chức đang diễn ra ngày càng phổ biến trong vài năm gần đây.