Nghị định 168: Khi ý thức người dân cao sẽ tự khắc thành văn hóa giao thông

Bất cứ chính sách, quy định nào được ban hành đều nhằm mục đích hướng đến tính nhân văn, bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người dân và Nghị định 168 cũng không ngoại lệ.

Theo ghi nhận của PLO, những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, các dịch vụ nở rộ khiến cho nhu cầu đi lại của người dân nhiều, mật độ giao thông trên các con đường, tuyến phố cũng mỗi lúc một tăng cao.

Tại các một số nút giao thông trọng điểm ở Hà Nội, như: Ngã tư Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy, ngã Tư Sở - Trường Chinh, ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến… Trước đây, vào các khung giờ cao điểm (từ 7 giờ đến 9 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ hằng ngày) giao thông Hà Nội ở những nơi này cũng thường xuyên ùn tắc.

Nghị định 168 đang bảo vệ người dân

Tuy nhiên, những ngày qua dù có ùn tắc nhưng ý thức tuân thủ pháp luật của người dân được nâng cao.

Nếu như trước kia mỗi khi xảy ra ùn tắc, người dân thường có thói quen “điền vào chỗ trống” bằng việc leo lên vỉa hè hay thậm chí là vượt đèn đỏ với mong muốn sớm thoát khỏi đoạn đường tắc nhanh chóng nhất. Nhưng điều đó càng khiến cho giao thông trở nên hỗn loạn, tắc càng thêm tắc.

Từ khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP được ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt so với các chế tài xử phạt trước, nhất là đối với các hành vi lấn làn, đè vạch, vượt đèn, lùi xe, đi ngược chiều… đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông.

Đặt vào hoàn cảnh cụ thể trong tình hình mới, có thể thấy rõ ràng “vật chất quyết định ý thức”, với tâm lí sợ bị phạt cao đã dần tác động đến ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật TTATGT; đường phố Hà Nội hiện giờ rất hiếm khi còn thấy cảnh phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, vượt đèn đỏ… Thay vào đó, với mỗi nhịp đỏ, người tham gia giao thông đều dừng đỗ đúng quy định, xếp hàng chờ đợi nhịp nhàng.

 Tình hình giao thông đã có những chuyển biến tích cực sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. Ảnh PHI HÙNG

Tình hình giao thông đã có những chuyển biến tích cực sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. Ảnh PHI HÙNG

Nhiều năm về trước, quy định về việc người điều khiển xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đã có nhiều ý kiến. Có người đồng tình, nhưng cũng có người cho rằng quy định như vậy là cứng nhắc, không thuận tiện hay chỉ đơn giản đội mũ hiểm sẽ “làm hỏng đi kiểu tóc mới”… Gần đây, quy định về xử phạt đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn cũng nhận được sự quan tâm rất lớn, trong đó có cả những ý kiến tiêu cực.

Nhưng khi nhìn vào những con số “biết nói” thì thấy quy định càng chặt chẽ, chi tiết bao nhiêu thì hiệu quả của việc tuân thủ pháp luật càng cao, từ đó giảm thiểu được số vụ, số người tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Hiện giờ, người ta rất hiếm phải chứng kiến những vụ “xe điên tông liên hoàn". Nguyên nhân của những vụ tai nạn này phần lớn là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia.

Bất cứ chính sách, quy định nào được ban hành đều nhằm mục đích hướng đến tính nhân văn, bảo vệ quyền lợi, lợi ích của một quốc gia, dân tộc, người dân.

Nghị định 168 cũng vậy, đối với những người luôn ý thức chấp hành Luật TTATGT thì cho dù có mức phạt có tăng lên bao nhiêu lần thì họ cũng luôn ủng hộ; Bởi họ hiểu rằng Nghị định này đang bảo vệ bản thân tránh được những vụ tai nạn “oan ức” gây ra bởi một bộ phận người còn thiếu ý thức chấp hành.

Ngược lại, Nghị định số 168 cũng giống như “liều Vaccine” đủ mạnh, tạo sức răn đe đối với trường hợp cố tình vi phạm, coi thường luật pháp.

Khi chính sách tác động trực tiếp đến ý thức hệ của người dân, thì việc tham gia giao thông sẽ nghiễm nhiên “dễ thở”; Ý thức được nâng cao sẽ tự khắc chuyển hóa thành văn hóa, cụ thể ở đây là văn hóa khi tham gia giao thông.

An toàn giao thông có nhiều cái lợi

Theo Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết, sau gần 3 tuần thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 230.672 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 18.122 trường hợp (-7,3%).

Qua tổng hợp, đánh giá cho thấy số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt là nhóm các vi phạm dễ dẫn tới tai nạn giao thông như: Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, vi phạm nồng độ cồn giảm 13,5%, vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe giảm 34,5%.

Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) cũng đã có chuyển biến tích cực; TNGT trên đường bộ giảm trên cả 3 tiêu chí, gồm: số vụ, số người chết và số người bị thương.

 An toàn giao thông chính là một hình thức quảng cáo kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ảnh PHI HÙNG

An toàn giao thông chính là một hình thức quảng cáo kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ảnh PHI HÙNG

Sau khi Nghị định 168 đi vào thực tiễn, bộ mặt giao thông đã thay đổi với những tín hiệu đáng mừng. Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn.

Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh.

Sự thay đổi hiện hữu đó còn được đánh giá cao từ người nước ngoài. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - Bà Angela Pratt, hoan nghênh, đánh giá thành công của Việt Nam trong việc cải thiện an toàn giao thông là đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề: luật pháp, thực thi pháp luật, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn phương tiện…

Trong khi đó, báo chí trong nước và nước ngoài cũng đánh giá quyết tâm của Việt Nam trong thiết lập an toàn giao thông, khẳng định an toàn giao thông chính là một hình thức quảng cáo kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá du lịch, “giữ chân” khách du lịch và thúc đẩy khách du lịch quay trở lại Việt Nam.

PHI HÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-dinh-168-khi-y-thuc-nguoi-dan-cao-se-tu-khac-thanh-van-hoa-giao-thong-post831305.html