Nghị định số 75/2023/NĐ-CP: Những điểm mới tăng quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế
Ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (Nghị định số 75/2023/NĐ-CP). Để hiểu rõ hơn về những quy định mới, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc phỏng vấn với Bác sĩ Dương Mỹ Ngọc - Phó trưởng Phòng Giám định BHYT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh xoay quanh quy định mới của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP và công tác triển khai thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Phóng viên: Xin bác sĩ vui lòng cho biết, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có những điểm mới như thế nào so với Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ?
Bác sĩ Dương Mỹ Ngọc: So với Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung 10 nội dung, 3 biểu mẫu và bãi bỏ 4 khoản theo hướng mở rộng điều kiện tiếp cận và thụ hưởng BHYT, trong đó có một số điểm mới quan trọng, đáng chú ý như: Mở rộng nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT; tăng hỗ trợ mức đóng, mức hưởng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho một số nhóm đối tượng; thay đổi phương thức thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở KCB trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Cụ thể, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã bổ sung nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước (NSSN) đóng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT.
Đồng thời, bổ sung nhóm được NSSN hỗ trợ 70% mức đóng (trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 1/11/2023) là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Việc Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được NSSN hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT. Việc quy định NSNN tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.
Phóng viên:Theo quy định hiện nay, một số người thuộc đối tượng tham gia BHYT khác sẽ có mức hưởng khác nhau. Vậy đối tượng nào sẽ được nâng mức hưởng BHYT theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Dương Mỹ Ngọc: Tại khoản 5, Điều 1, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã thực hiện điều chỉnh các quy định về mức hưởng BHYT theo hướng bổ sung thêm đối tượng được hưởng 95 -100% chi phí KCB BHYT, cụ thể:
- 2 đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh mới được bổ sung gồm:
+ Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc;
+ Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 12, Luật Bảo hiểm y tế.
- 3 đối tượng được hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh gồm:
+ Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo trường hợp nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống;
+ Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình bao gồm: Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người phục vụ thương binh (tính cả thương binh loại B được công nhận trước 31/12/1993), người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tổn thương từ 81%;
+ Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Phóng viên:Còn về thủ tục khi đi KCB BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có gì khác so với trước đây không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Dương Mỹ Ngọc: Về thủ tục đi KCB BHYT thì nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong quá trình đi KCB BHYT, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định người tham gia BHYT khi KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.
Đồng thời Nghị định số 75/2023/NĐ-CP cũng quy định thời hạn của giấy hẹn khám lại đó là: Trường hợp quá thời gian hẹn khám lại, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày được hẹn khám lại, người bệnh liên hệ nhân viên y tế để đăng ký lịch khám phù hợp hoặc tự đến khám lại.
Đối với các trường hợp người tham gia BHYT vào cơ sở KCB để điều trị trước ngày nghị định này có hiệu lực (từ ngày 3/12/2023) nhưng ra viện từ ngày nghị định này có hiệu lực thì được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT, theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và quy định tại khoản 5 Điều 1 nghị định này.
Phóng viên:Đối với cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH, theo quy định mới sẽ có sự thay đổi như thế nào so với trước đây, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Dương Mỹ Ngọc: Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT, thực hiện thanh toán theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ 1/1/2019. Đồng thời quy định, trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH Việt Nam giao dự toán chi KCB BHYT cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân (trong phạm vi 90% số dự toán thu BHYT toàn quốc). Sau đó, cơ quan BHXH thực hiện thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB; các cơ sở KCB lập kế hoạch sử dụng kinh phí KCB BHYT trong năm theo số được thông báo. Việc giao số dự kiến chi này không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh quyết toán của cơ sở KCB trong trường hợp vượt số dự kiến chi.
Theo quy định mới, các chi phí KCB BHYT trong phạm vi quyền lợi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT đã được cơ quan BHXH giám định sẽ thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Cơ chế thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế… sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành. Các quy định này tạo điều kiện cho cơ sở KCB nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT, quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, đúng quy định.
Ngoài ra Nghị định số 75/2023/NĐ-CP cũng bổ sung quyền đối với cơ sở KCB BHYT, đó là: “Được cung cấp thông tin kịp thời khi hệ thống thông tin giám định BHYT phát hiện có gia tăng chi phí KCB BHYT cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa để kịp thời rà soát, kiểm tra, xác minh, thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp”. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ sở KCB trong việc tuân thủ các quy định về mua sắm, đấu thầu, để đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm. Nghị định cũng quy định các cơ sở KCB phải rà soát, ban hành kịp thời các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT theo thẩm quyền; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát xác minh các chi phí KCB BHYT tăng cao tại cơ sở theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan BHXH và điều chỉnh phù hợp.
Phóng viên:Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ, BHXH tỉnh đã thực hiện những công việc nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Dương Mỹ Ngọc: Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới liên quan đến quyền lợi thụ hưởng về chính sách BHYT của nhiều đối tượng, vì vậy, việc triển khai đang được BHXH tỉnh Sóc Trăng khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người dân trong tỉnh. Theo đó, BHXH tỉnh đã chủ động báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương hoàn tất công tác rà soát và sẵn sàng tổ chức thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP theo quy định.
Cụ thể, BHXH tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tỉnh ban hành Công văn số 2190/BCĐ-BHXH, ngày 24/10/2023 về việc chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và ban chỉ đạo cấp huyện rà soát, lập danh sách người tham gia BHYT được bổ sung tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP. Đồng thời chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cấp xã và UBND cấp xã xác định, rà soát, phê duyệt danh sách người dân tộc thiểu số thuộc NSNN hỗ trợ 70% mức đóng BHYT được bổ sung theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP (bao gồm cả học sinh là người dân tộc thiểu số) đảm bảo đúng đối tượng, chuẩn bị đầy đủ số liệu, dữ liệu cần thiết để tiến hành thu, cấp thẻ BHYT theo quy định; đồng thời đề nghị UBND cấp xã làm hồ sơ để cấp thẻ BHYT kịp thời cho người dân theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, tránh tình trạng bỏ sót đối tượng tham gia làm ảnh hưởng đến quyền lợi về BHYT của người dân.
Trên cơ sở đó, ngành BHXH và các tổ chức dịch vụ thu sẽ vận động từng hộ gia đình để thuyết phục bà con tham gia. BHXH tỉnh Sóc Trăng cũng đã phối hợp với các địa phương tập trung đợt tuyên truyền cao điểm đến đối tượng bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Phát sóng thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường; lồng ghép trong các cuộc hội nghị đối thoại, tuyên truyền; thành lập các tổ, nhóm vận động trực tiếp tại các hộ dân…
Hiện nay, toàn tỉnh có 240.569 người dân ở các xã an toàn khu, trong đó đã có 126.567 người đang tham gia BHYT, chưa tham gia BHYT là 114.002 người. Toàn tỉnh có 115.882 người dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có 79.433 người chưa tham gia BHYT; 36.449 người đang tham gia theo đối tượng BHYT học sinh và hộ gia đình.
Việc bổ sung đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ đóng, thay đổi mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng đã và đang được BHXH tỉnh, BHXH các huyện, các ngành, địa phương phối hợp rà soát, xác định lại đối tượng, thực hiện đổi mã hưởng và in lại thẻ BHYT. Cụ thể, UBND cấp xã đã lập danh sách đủ điều kiện cấp thẻ 294.209 người; cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt 282.932 người; đã in thẻ chuyển về địa phương cấp phát 185.898 người.
Hàng trăm ngàn người dân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hy vọng cùng với sự chủ động tích cực tham gia của người dân, tỉnh Sóc Trăng sẽ sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!