Nghĩ khác!

Trong khi còn một số hộ dân ở xã Phú Thủy (Lệ Thủy) chưa đồng thuận với phương án đền bù, giải tỏa, tái định cư (TĐC) phục vụ dự án (DA) đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ thì có các gia đình sẵn sàng hiến đất, hiến tài sản để DA bảo đảm được tiến độ. Họ suy nghĩ rất khác, rất đời, rất bình dị... như ngày xưa, một thời 'Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc công'.

Nêu gương sáng cho con cháu

Ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng ở thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy, là nơi an cư của vợ chồng ông bà Trần Thanh Hải (SN 1957), Lê Thị Gái (SN 1958). Ông bà vốn là công nhân cầu đường thuộc Đoạn quản lý đường bộ Bình Trị Thiên từ những năm 1976. Năm 1994, theo chủ trương di dân, giãn dân đi xây dựng vùng kinh tế mới phía Tây huyện Lệ Thủy, hai vợ chồng lên định cư tại thôn Phú Xuân từ đó cho đến nay.

Quá trình khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất, gia đình ông Hải, bà Gái mở rộng diện tích khoảng hơn 1ha đất trồng cao su, cây ăn quả, trồng lúa. 30 năm định cư tại Phú Xuân, điều kiện kinh tế của ông bà cũng chẳng khá giả gì, nếu không nói là nghèo. Khi DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua xã Phú Thủy, ông bà Trần Thanh Hải, Lê Thị Gái được chính quyền thông báo một phần diện tích đất của mình sẽ bị thu hồi để thi công tuyến đường vượt cao tốc Bắc-Nam chạy thẳng qua phía trước nhà.

Khu vực đất được vợ chồng ông bà Trần Thanh Hải, Lê Thị Gái hiến phía trước nhà mình.

Khu vực đất được vợ chồng ông bà Trần Thanh Hải, Lê Thị Gái hiến phía trước nhà mình.

Biết tin, ông bà họp gia đình, tranh thủ ý kiến các con. Trước mặt đông đủ các con, bà Lê Thị Gái bảo: “Gia đình mình nghèo, ba đau ốm, bệnh tật thường xuyên, mọi chi tiêu chỉ gói gọn trong đồng lương hưu của mạ, nên chi một nghìn đồng cũng là quý lắm. Giờ Nhà nước thi công đường thuộc DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nhà mình sẽ mất 245m2 đất. Ba mạ quyết định hiến đất cho Nhà nước, chỉ nhận 19 triệu đồng tiền đền bù tài sản trên đất cho “hợp lý, hợp tình”. Vì có lấy số tiền đền bù diện tích đất giải tỏa thì ba mạ cũng chẳng giàu lên.” Không ngờ ba người con của ông bà ai nấy đều đồng thuận.

Ngày chúng tôi đến thăm, hỏi chuyện hiến đất, ông bà đều vui vẻ. “Các con đều nhất trí hiến đất góp sức cho DA mang tầm quốc gia bảo đảm đúng tiến độ thì vợ chồng tôi không còn chút băn khoăn nào. Quên đi một chút quyền lợi cá nhân vì một chủ trương lớn, công trình lớn chính là trách nhiệm của mỗi một công dân. Hơn nữa, vợ chồng tôi sống cũng phải nêu gương sáng cho con cháu”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Chỉ nhường đất cho Nhà nước thôi!

Theo chỉ dẫn của Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thủy Lê Văn Diễn, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Quốc Thành (SN 1964), cựu chiến binh sinh sống tại thôn Tam Hương, người tự nguyện hiến hơn 330m2 đất rừng sản xuất phục vụ DA đường cao tốc Bắc-Nam.

Kể chuyện hiến đất, ông Thành luôn khiêm tốn, kiệm lời, chẳng muốn báo chí tuyên dương làm gì. Ông bảo đó là nghĩa vụ của mỗi một công dân đối với quê hương, đất nước. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ai cũng tiên phong hiến đất, làm đường, giúp bộ mặt nông thôn thay đổi. Giờ hiến đất cho một công trình giao thông trọng điểm quốc gia, cần phát huy tinh thần tự nguyện ấy lên.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thành nêu ý kiến: “Gọi hiến đất thấy... to tát quá! Tôi chỉ thực hiện trách nhiệm nêu gương của một cựu chiến binh, một công dân đối với Nhà nước thôi. Nên gọi là nhường đất cho Nhà nước thì hợp lý hơn”.

Cầu vượt đường bộ cao tốc Bắc-Nam tại thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy.

Cầu vượt đường bộ cao tốc Bắc-Nam tại thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy.

Từ nhà mình ở, ông Nguyễn Quốc Thành dẫn chúng tôi ra hiện trường, nơi đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang thi công, cũng là nơi có diện tích đất rừng sản xuất của ông bị ảnh hưởng. Ông Thành cho biết thêm: Tổng diện tích đất rừng sản xuất của gia đình hơn 6.500m2; nằm trong diện thu hồi, giải tỏa khoảng 1.000m2, đã chấp thuận nhận hỗ trợ; trên 330m2 đất còn lại gia đình nhất trí nhường cho Nhà nước. “Hiểu rõ về tầm quan trọng của DA, gia đình đồng thuận cao và nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công cho kịp tiến độ”, ông Nguyễn Quốc Thành tâm sự.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thủy Lê Văn Diễn chia sẻ: Đến nay, trên địa bàn xã vẫn còn 23 hộ dân chưa chấp nhận nhận tiền đền bù, di dời, TĐC. Nếu như ai cũng như vợ chồng ông bà Trần Thanh Hải, Lê Thị Gái và gia đình cựu chiến binh Nguyễn Quốc Thành “nghĩ khác” đi một chút, hy sinh quyền lợi cá nhân đi một chút, chịu thiệt thòi đi một chút đối với các công trình trọng điểm quốc gia thì chắc chắn DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua xã sẽ không bị vướng mắc, tiến độ thi công không phải bị chậm và lỡ hẹn nhiều lần.

Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy: Tổng chiều dài các DA thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn huyện gần 32km, diện tích đất thuộc DA hơn 265ha, có 926 hộ gia đình và 8 tổ chức bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất cần chuyển mục đích phục vụ DA hơn 257ha.

Huyện đã bàn giao cho Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh 30,445km/31,952km, đạt 95,28%. Các khu TĐC Trường Thủy, Phú Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh tiến độ thi công đạt 100%.

Đến tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Lệ Thủy vẫn còn 490m chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao nhà, đất do không đồng thuận với phương án đền bù giá đất, loại đất, chưa đồng ý với vị trí khu TĐC... UBND huyện tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương di dời nhường đất cho DA.

Thanh Long

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202408/nghi-khac-2220148/