Quảng Nam: Hơn 530 nhà ở an toàn có khả năng phòng, tránh bão lụt cho người dân

UBND tỉnh Quảng Nam đã có Báo cáo số 6730 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc rà soát, đánh giá và đề xuất nhu cầu về nhà an toàn trước thiên tai.

Nhà ở an toàn có khả năng phòng, tránh bão lụt đảm bảo an toàn, là nơi tin cậy để người dân tránh trú bão, lũ trên địa bàn Quảng Nam.

Nhà ở an toàn có khả năng phòng, tránh bão lụt đảm bảo an toàn, là nơi tin cậy để người dân tránh trú bão, lũ trên địa bàn Quảng Nam.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà an toàn cho các xã trên địa bàn tỉnh theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn từ 2018 – 2021, hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng 436 nhà ở an toàn có khả năng phòng, tránh bão lụt trên địa bàn 45 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Đại Lộc, thành phố Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn.

Giai đoạn 2023 – 2024 đã hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng 97 nhà ở an toàn có khả năng phòng, tránh bão lụt trên địa bàn 31 xã phương, thị trấn thuộc các huyện; Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, thành phố Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Dự án GCF hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai có ý nghĩa rất lớn, góp phần thực hiện Đề án 1002 của Chính phủ về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (nay là Đề án 553); năng lực phòng, chống thiên tai của các đối tượng dễ bị tổn thương được nâng lên đáng kể, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Cụ thể là, trong các mùa mưa bão thời gian qua, các nhà ở do Dự án GCF tài trợ tại các khu vực dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều đảm bảo an toàn, là nơi tin cậy để người dân tránh trú bão, lũ.

Mặt khác, dự án hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở đã cơ bản xóa nhà tạm, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong vùng dự án. Thông qua dự án, các hộ dân được tập huấn, tư vấn về kỹ thuật chằng chống nhà cửa khi bão lụt xảy ra góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc phòng chống thiên tai.

Dự án có nhiều thuận lợi khi được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UNDP Việt Nam (Đại diện nhà tài trợ), Ban Quản lý dự án Hợp phần 1 và các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương.

Các Sở, ngành có liên quan tại địa phương đã tích cực quan tâm, hỗ trợ xử lý các vướng mắc trong quá trình phê duyệt dự án thành phần, bố trí vốn đối ứng cũng như phê duyệt danh sách các hộ dân tham gia Hợp phần 1 của dự án.

UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là UBND cấp xã nhiệt tình phối hợp, hỗ trợ, đồng hành với dự án, chỉ đạo, vận động, theo dõi, giám sát các hộ dân xây dựng nhà ở do Dự án GCF tài trợ. Mỗi xã đều cử 01 Phó Chủ tịch UBND và 01 cán bộ xã đặc trách cùng phối hợp với cán bộ của dự án bám sát cơ sở để triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cũng có nhiều khó khăn khi nguồn hỗ trợ của Dự án cho các hộ gia đình tương đối thấp, dẫn đến việc xây dựng nhà ở rất khó khăn, nhất là những hộ gia đình thật sự nghèo khó, thiếu lao động, thu nhập hằng tháng thấp… Chi phí nhân công cũng như vật liệu xây dựng khá cao, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng nhà lớn, vượt quá khả năng của người dân khi xây dựng nhà do Dự án tài trợ. Do vậy một số trường hợp tuy có tên trong danh sách phê duyệt, nhưng họ từ chối tham gia dự án. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần nguồn vốn phân bổ kịp thời cho địa phương có kế hoạch thực hiện; việc triển khai cần hạn chế vào mùa mưa bão.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng có một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến cơ chế hỗ trợ nhà an toàn như tang cường lồng ghép, đồng bộ mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà an toàn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài ra cần tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà an toàn từ ngân sách Trung ương. Mức kinh phí hỗ trợ cần được xác định dựa trên đặc trưng, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, miền như vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng lũ lụt. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc nâng mức vay ưu đãi và điều chỉnh lãi suất phù hợp đối với các trường hợp người dân vay vốn xây dựng nhà an toàn.

Tích cực huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam để triển khai các dự án với mục tiêu xây dựng nhà an toàn tại các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, số hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện miền núi trung du, vùng thường xuyên bị sạt lở, lũ lụt còn khá nhiều, nhu cầu xây dựng nhà an toàn cho các hộ nghèo, cận nghèo là rất cần thiết. Kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UNDP, các tổ chức phi chính phủ quan tâm hỗ trợ tỉnh nhiều hơn nữa trong việc hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà an toàn.

Thanh Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-nam-hon-530-nha-o-an-toan-co-kha-nang-phong-tranh-bao-lut-cho-nguoi-dan-383404.html