'Nghĩ khác, làm khác' giúp nông dân ở Hà Nam ngày càng giàu lên

Sự chủ động trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị với đầu tàu là các HTX, doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ cao... là chìa khóa giúp nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam ngày càng giàu lên.

Xác định phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại. Thời gian qua, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã chủ trương thu hút sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp, tạo nền tảng thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân.

Làm nông nghiệp với tư duy mới

Điển hình, kể từ năm 2020 đến nay, dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 có tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống của người dân, huyện Kim Bảng vẫn thực hiện tốt một số mô hình, đề án có hiệu quả, tập trung xấp xỉ 400 ha đất canh tác nông nghiệp sạch.

Đơn cử, xã Đồng Hóa đang là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa ở Kim Bảng, với tổng diện tích gieo cấy đạt trên 490 ha. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp chiếm hơn 90 ha, phát triển tập trung theo chuỗi giá trị.

Sự đổi mới trong tư duy sản xuất giúp nông dân ở Hà Nam nâng cao thu nhập.

Sự đổi mới trong tư duy sản xuất giúp nông dân ở Hà Nam nâng cao thu nhập.

Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả, HTX nông nghiệp Đồng Hóa được giao tổ chức sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phát triển vùng sản xuất an toàn sinh thái, thân thiện môi trường. Đồng thời thực hiện liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho thành viên, người nông dân trên địa bàn.

Với vai trò cầu nối liên kết sản xuất, HTX đứng ra ký kết các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân và tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch với giá thỏa thuận đầu vụ.

Anh Võ Tấn Hoàng, hộ liên kết của HTX Đồng Hóa từ năm 2016, chia sẻ sau khi vào HTX, anh và các hộ trong xã được tập huấn kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất theo chuẩn hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, đảm bảo tạo ra những sản phẩm mẫu mã đẹp, thơm ngon tự nhiên.

“Kể từ khi vào HTX, sản xuất theo quy trình hữu cơ, chúng tôi từ bỏ thói quen lạm dụng hóa chất, ưu tiên các hợp chất vi sinh. Qua đó, duy trì năng suất lúa bình quân 6,5 - 7 tấn/ha. Có HTX hỗ trợ bao tiêu, các hộ không còn lo được mùa, dội chợ, thu nhập tăng gấp rưỡi, gấp đôi”, anh Hoàng hồ hởi nói.

Nâng cao hàm lượng khoa học - kỹ thuật

Cũng giống như ở Kim Bảng, diện mạo nông nghiệp huyện Bình Lục những năm qua cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ, với sự hình thành của hàng loạt mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.

Đặc biệt, năm 2022, huyện Bình Lục đã hoàn thành quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Ðồng Du và thị trấn Bình Mỹ với diện tích 121,73ha, kêu gọi thu hút các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào sản xuất.

Đến nay, toàn huyện có 16 mô hình nhà kính, nhà màng trồng dưa vân lưới, trồng nho, rau, củ, quả sạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 3ha, giá trị thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm...

Các mô hình nông nghiệp hiện đại gắn với chuỗi giá trị sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở Hà Nam.

Các mô hình nông nghiệp hiện đại gắn với chuỗi giá trị sẽ tiếp tục được đẩy mạnh ở Hà Nam.

Ông Ðỗ Thế Trọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Lục, cho biết qua đánh giá, các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

“Ðây là cơ sở để địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ mới vào các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ... từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân trong thời gian tới”, ông Trọng nhấn mạnh.

Không chỉ các địa phương nằm trong vùng nông nghiệp công nghệ cao, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Bình Lục đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Như tại xã An Đổ hiện có 5 vùng trồng lúa, với tổng diện tích 180 ha. Nông dân trồng lúa được các HTX hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó giá trị hạt thóc tăng 1,3 - 2 lần so với sản xuất đại trà ngoài mô hình, ở cùng thời điểm.

Đặc biệt, các HTX trên địa bàn xã, điển hình là HTX nông nghiệp An Đổ, còn tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường liên kết, sản xuất theo hướng an toàn, tổ chức thực hiện mô hình mạ khay, máy cấy góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân.

Thêm “đòn bẩy” cho nông nghiệp hiện đại

Có thể thấy, hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hình thành các chuỗi giá trị với đầu tàu là các HTX, doanh nghiệp, đang giúp nông dân Hà Nam ngày càng giàu lên.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, đến năm 2022, tỉnh đã phê duyệt 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích đất quy hoạch là 646,842ha; trong đó, diện tích đất đã tích tụ, đưa vào triển khai thực hiện là 222,172ha.

Hà Nam cũng thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư các khu nhà kính công nghệ cao của các doanh nghiệp trồng dưa chuột, cà chua, dưa lưới giá trị sản xuất đạt từ 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm; đối với những diện tích sản xuất ngoài trời, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng một phần công nghệ cao trong một số khâu sản xuất đạt bình quân 445-665 triệu đồng/ha/năm.

Các HTX, doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, ưu tiên các hộ có đất cho thuê và lao động tại địa phương, bảo đảm thu nhập của người nông dân có đất cho doanh nghiệp thuê cao hơn nhiều so với trước đây.

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam sẽ tập trung huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác, đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm...

Tỉnh cũng sẽ chủ động thu hút các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, gắn với xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/apos-nghi-khac-lam-khac-apos-giup-nong-dan-o-ha-nam-ngay-cang-giau-len-1095114.html