Nghỉ không lương: 4 điều người lao động cần lưu ý để không bị thiệt thòi

Nếu từ chối yêu cầu nghỉ không lương của người lao động trong các trường hợp đúng quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền.

Theo quy định, ngoài ngày nghỉ hưởng nguyên lương, người lao động còn được quyền nghỉ không lương. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít lao động biết đến những thông tin liên quan đến loại quyền lợi này. Theo đó, có 4 điều người lao động lưu ý khi xin nghỉ không lương.

1. Các trường hợp nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp người lao động được nghỉ không lương bao gồm:

Thứ nhất: Khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người lao động chết; cha/mẹ, anh, chị, em ruột của người lao động kết hôn.

Thứ hai: Có thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Để xin nghỉ không lương theo các trường hợp trên, người lao động phải đảm bảo điều kiện sau:

- Trường hợp thứ nhất: Phải thông báo với người sử dụng lao động.

Pháp luật không quy định hình thức thông báo cụ thể nên người lao động có thể chọn thông báo bằng điện thoại, email, tin nhắn,…

- Trường hợp thứ hai: Phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Pháp luật không quy định hình thức thỏa thuận nên người lao động có thể trao đổi bằng lời, bằng văn bản hoặc hình thức khác, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý.

(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Internet)

2. Thời gian nghỉ không lương có được tính phép năm không?

Tại khoản 4 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 1 tháng trong một năm.

Theo quy định trên thì thời gian nghỉ không lương nếu có sự đồng ý của công ty thì thời gian này vẫn được tính là thời gian làm việc để tính số ngày phép năm của người lao động. Tuy nhiên, thời gian cộng dồn không quá 1 tháng trong một năm.

3. Nghỉ dưới 14 ngày làm việc, người lao động phải đóng BHXH đầy đủ

Tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.

Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đồng thời, khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH nêu rõ:

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Do đó, nếu người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng BHXH cho tháng đó.

Ngược lại, nếu tổng thời gian nghỉ không hưởng lương trong tháng của người lao động dưới 14 ngày làm việc thì người lao động phải tham gia BHXH đầy đủ.

4. Từ chối yêu cầu nghỉ không lương, doanh nghiệp có bị phạt?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động chỉ buộc phải cho người lao động nghỉ không lương khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người lao động chết hoặc khi cha/mẹ, anh, chị, em ruột của người đó kết hôn.

Nếu muốn nghỉ thêm hoặc không lương vì lý do khác thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ.

Thời gian nghỉ không lương trong trường hợp thỏa thuận không bị pháp luật giới hạn, nhưng phải có sự đồng thuận giữa cả hai bên. Người sử dụng lao động có quyền từ chối thỏa thuận nghỉ không lương của người lao động mà không bị coi là vi phạm pháp luật.

Nếu từ chối yêu cầu nghỉ không lương của người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền lên tới 5.000.000 đồng.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt trên áp dụng cho cá nhân. Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt với mức tiền gấp đôi.

Trường hợp người lao động xin nghỉ không lương vì các lý do khác thì người sử dụng lao động hoàn toàn có quyền từ chối lời đề nghị này mà không bị coi là vi phạm pháp luật.

Có buộc phải làm đủ thời gian báo trước mới được nghỉ việc?

Khoản 1 Điều 35 Bộ Luật Lao động năm 2019 nêu rõ, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động. Theo đó, nếu không có thỏa thuận nào khác với người sử dụng lao động thì người lao động buộc phải tuân thủ quy định về thời gian báo trước.

Quy định về thời gian báo trước cụ thể:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn:

Làm công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên…: Báo trước ít nhất 120 ngày.

Làm các công việc còn lại: Báo trước ít nhất 45 ngày.

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm:

Làm công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên…: Báo trước ít nhất 120 ngày.

Làm các công việc còn lại: Báo trước ít nhất 30 ngày.

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 năm:

Làm công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp, thuyền viên,…: Báo trước ít nhất ¼ thời hạn của hợp đồng lao động.

Làm các công việc còn lại: Báo trước ít nhất 3 ngày làm việc.

Riêng nghỉ việc với một số lý do đặc biệt như: Không được bố trí công việc theo thỏa thuận, không được trả đủ lương, bị ngược đãi, cưỡng bức lao động, đủ tuổi nghỉ hưu… thì người lao động được nghỉ việc luôn bất cứ lúc nào mà không cần báo trước cho phía doanh nghiệp.

Hải Hòa (T/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghi-khong-luong-4-dieu-nguoi-lao-dong-can-luu-y-de-khong-bi-thiet-thoi-20424091310344784.htm