Nghi lễ gắn kết tình thân thiêng liêng của người Ê Đê
Mang ý nghĩa nhân văn và tính giáo dục cộng đồng sâu sắc, Lễ kết nghĩa anh em được người Ê Đê ở Đắk Lắk giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ, xem như một nghi lễ không thể thiếu trong cuộc sống. Đó không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn là sợi dây gắn kết tình thân thiêng liêng của người Ê Đê.
Theo ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, “nghi lễ kết nghĩa anh em có ý nghĩa nhân văn, mang tính giáo dục cộng đồng, làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, gắn kết đến đời con, đời cháu. Theo truyền thống của người Ê Đê, không phải ai cũng có thể kết nghĩa với nhau, mà chỉ những người trong cùng một dòng họ mới được làm nghi lễ kết nghĩa anh em”.
Mới đây, bà H’Djuăn Niê, sinh năm 1977, ở buôn Drai Sí, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar vừa tổ chức lễ kết nghĩa anh em với ông Y Thôn Niê, sinh năm 1964, ở buôn Mlăng, xã Ea Tar. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, rượu cần, cây nêu và các lễ vật đã chuẩn bị, người thân, họ hàng của gia đình và bà con trong buôn có mặt đông đủ.
Theo truyền thống của đồng bào Ê Đê, lễ kết nghĩa anh em trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi. Trước khi thực hiện nghi lễ, chủ nhà chuẩn bị rất nhiều lễ vật như 10 ché rượu cần, 1 con heo thiến, 2 con gà, gạo, nếp và các gia vị. Người được kết nghĩa phải có mặt trước 5 giờ sáng, chứng kiến mọi hoạt động chuẩn bị, thanh niên phụ giúp người già chuẩn bị cây nêu, buộc rượu; đàn ông tuổi trung niên làm thịt heo, sắp đặt lễ vật, chị em phụ nữ giã gạo, hái rau rừng để làm các món ăn truyền thống.
Tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu nghi lễ bắt đầu, mọi người ổn định chỗ ngồi theo phong tục, phụ nữ được ưu tiên ngồi bên phía Nam của căn nhà, còn đàn ông ngồi bên phía Bắc, không khí buổi lễ thật thiêng liêng, ấm áp. Thầy cúng khấn bẩm báo, mời các thần linh, ông bà, tổ tiên về chứng giám cho lễ kết nghĩa anh em của dòng họ Niê buôn Drai Sí và dòng họ Niê buôn Mlăng. Tiếp theo, thầy cúng báo cho thần trời, thần đất, kể từ buổi lễ này, hai người kết nghĩa sẽ thành một dòng máu, như anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, bảo ban nhau làm ăn, xây dựng buôn làng ấm no và bảo vệ nhau đến đời con cháu mai sau.
Ông Y Chốh Niê, 70 tuổi, ở buôn Drai Sí - thầy cúng của buổi lễ cho biết: “Kết nghĩa xong, điều kiêng kị nhất là mọi người cãi nhau, xích mích, quậy phá. Nếu người nào rắp tâm làm hại người còn lại sẽ bị phạt 2-3 con heo hoặc 1 con trâu hay 1 con bò”.
Sau khi thực hiện nghi thức, thầy cúng nắm tay, miệng đọc lời khấn cầu sức khỏe rồi đeo vòng và trao cần rượu cho chủ lễ, rồi mời các thành viên trong gia đình lên chúc mừng nhân vật chính của buổi lễ. Những người trong buôn lần lượt đến chúc mừng, cầm theo chiếc vòng đồng và món quà nhỏ để tặng cho người được kết nghĩa. Người Ê Đê quan niệm, vòng đồng tượng trưng cho sự gắn kết bền vững. Vì vậy, trong các lễ cúng vòng đời con người, người ta đều trao cho chủ lễ những chiếc vòng đồng.
Sau phần lễ, tiếng chiêng vang lên thay cho lời cảm ơn của gia chủ tới họ hàng và bà con buôn làng đến chung vui. Chủ lễ uống rượu cần rồi mời bố mẹ đẻ, sau đó, chủ nhà, người thân trong gia đình và bà con trong buôn lần lượt ra uống cùng chung vui với chủ lễ bên ché rượu cần.
Ông Phan Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tar cho biết: “Xã có 61% là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chủ yếu là dân tộc Ê Đê. Ngoài lễ kết nghĩa anh em, đồng bào Ê Đê nơi đây còn giữ gìn và lưu truyền trong cộng đồng nhiều lễ cúng, nghi lễ truyền thống khác, như lễ cúng bến nước, lễ hỏi chồng... Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích, động viên bà con giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc”.
Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, ngoài sự độc đáo về văn hóa cồng chiêng, văn hóa sử thi, kiến trúc nhà dài..., thì các nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào Ê Đê rất đặc sắc, phong phú. Lễ kết nghĩa anh em là một trong những nét đẹp như thế. Việc phục dựng nghi lễ truyền thống này nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.
“Triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Đắk Lắk sẽ chủ động tái hiện, phục dựng và trình diễn nhiều lễ hội khác nhau của nhiều dân tộc khác nhau trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền với những nét đẹp độc đáo, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả những vốn quý văn hóa ấy- không những cần phải bảo tồn, mà còn được phát triển, quảng bá để giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế” - ông Đặng Gia Duẩn khẳng định.