Nghi lễ túc yết, xây chầu trong Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Lễ túc yết và lễ xây chầu được tiến hành trong đêm 22/5 (nhằm ngày 25/4 âm lịch) rạng 23/5 (nhằm ngày 26/4 âm lịch). Đây là cuộc lễ chính trong lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Hàng loạt nghi thức cúng tế được thực hành, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui.

Đêm khuya, Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam vẫn rộn ràng người đến người đi. Lễ vật được đưa đến liên tục, bày biện trên bàn phủ vải đỏ trước tượng Bà.

Nhiều nhất là xôi các loại, kế đến là bánh mì, bánh bao, hoa rực rỡ. Tùy theo khả năng kinh tế và điều kiện di chuyển, người dân cúng vật phẩm to hay nhỏ, ít hay nhiều… đều được Ban Quản trị Lăng Miếu Núi Sam tiếp nhận đầy đủ, bày ra mâm cúng trang trọng trong toàn bộ chánh điện.

Đúng 0 giờ, lễ túc yết bắt đầu rất long trọng, tuân thủ nghiêm ngặt lễ nghi được truyền lại bao đời nay. Lễ vật dâng cúng là một con heo trắng đã cạo mổ xong, một dĩa mao huyết tượng trưng cho con heo sống, cùng với mâm xôi, ngũ quả…

Trong tiếng nhạc lễ, chiêng trống trỗi lên từng hồi, chánh tế và các đảo thày dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, dâng trà. Buổi lễ kéo dài từ 1 - 2 tiếng, tùy theo diễn biến thực tế và số lượng đoàn đăng ký dự lễ.

Ít phút sau Lễ túc yết, Lễ xây chầu được nối tiếp khi chánh tế ca công cầm nhành dương vẩy nước và đọc: “Nhất sái thiên thanh/ Nhị sái địa linh/ Tam sái nhân trường sinh/ Tứ sái quỷ diệt hình” (có nghĩa: Thứ nhất vẩy lên trời xanh mong điều cao đẹp, thứ hai vẩy xuống đất cho được màu mỡ trúng mùa, thứ ba vẩy loài người được trường thọ, thứ tư vẩy diệt loài quỷ dữ).

Đoàn hát bộ trên sân khấu trong võ ca trước chánh điện đã chuẩn bị sẵn, nổi trống theo và kéo màn trình diễn.

Theo thông lệ trăm năm, thời điểm này là lúc đồng ruộng đã xuống giống. Nông dân tổ chức nhằm tạ ơn, cầu mong Bà cùng đất trời, thần thánh giúp mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, mùa màng tốt tươi… Ngoài nông dân, các thành phần khác trong xã hội cũng tin và tôn thờ Bà, mong Bà ban phát lòng tin, tài lộc, sức khỏe, an vui trong cuộc sống. Qua từng nghi thức trong suốt cao điểm Vía Bà, Lễ hội càng khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho người dân.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nghi-le-tuc-yet-xay-chau-trong-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-a421353.html