Nghị lực của các em học trò khiếm thị

Không may mắn như những bạn bè cùng trang lứa khác vì khi sinh ra các em đã bị mất đi ánh sáng. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, các em học sinh khiếm thị của Trường tiểu học Tân An 3 (thị xã La Gi) vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Nghị lực của các em học trò khiế

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nghệ An với 6 anh, chị, em. Kể từ khi mới lọt lòng, em Trương Ngọc Sương đã không may bị khiếm thị, em chỉ nhìn thấy mọi vật xung quanh ở mức độ lờ mờ từ chút ánh sáng nhỏ nhoi còn lại từ đôi mắt... Cũng bởi gia cảnh quá nghèo, nên 6 năm trước, Sương được gia đình gửi vào Trung tâm bảo trợ khiếm thị thị xã La Gi. Thiếu vắng tình thương và bàn tay chăm sóc của ba mẹ, gia đình từ 6 năm qua, khi em chưa một lần được gia đình về thăm tại môi trường sinh sống mới, nhưng Sương chưa bao giờ cảm thấy buồn và thiệt thòi. Bởi em ý thức được rằng, hoàn cảnh gia đình quá nghèo, ba mẹ phải chạy ăn từng bữa lo cho các anh chị em. Hơn nữa, khi sống trong môi trường mới cùng với những bạn bè có cùng cảnh ngộ với mình, Sương cảm thấy rất vui và gần gũi. Đặc biệt là tấm lòng và tình thương của các sơ tại Trung tâm bảo trợ khiếm thị La Gi. Tại đây, Sương được các sơ gởi theo học tại Trường Tiểu học Tân An 3 để hòa nhập với cộng đồng.

 Em Trương Ngọc Sương – Học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Tân An 3.

Em Trương Ngọc Sương – Học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Tân An 3.

Theo các thầy cô của trường thì Sương khá thông minh và luôn chủ động làm những công việc vừa với sức của mình như lau bảng giúp thầy cô trước mỗi tiết học…

Nếu như em Trương Ngọc Sương còn cảm nhận mọi vật xung quanh một cách lờ mờ thì em Trần Ngọc Bảo Trân – Học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Tân An 3 lại kém may mắn hơn khi em bị mù bẩm sinh. Chính vì thế, em chỉ cảm nhận mọi vật xung quanh qua lời kể và miêu tả của các sơ của Trung tâm bảo trợ khiếm thị La Gi, thầy cô và các bạn Trường Tiểu học Tân An 3.

 Em Trần Ngọc Bảo Trân – Học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Tân An 3.

Em Trần Ngọc Bảo Trân – Học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Tân An 3.

Thương yêu học trò, nhất là các học trò không may bị khiếm thị, các thầy cô ở trường đã dành cho các em sự quan tâm đặc biệt hơn. Không những tận tâm trong việc giảng dạy, các thầy cô còn dành cho các em sự động viên ân cần, giúp các em cảm thấy mỗi ngày đến trường đều nhận được nhiều niềm vui và không cảm thấy mặc cảm bởi hoàn cảnh của mình.

Đến thăm Trường Tiểu học Tân An 3 vào những ngày gần đây, chúng tôi cảm nhận tại ngôi trường này, các em học sinh không những được “học ăn, học nói, học gói, học mở” mà còn được giáo dục về tấm lòng thương yêu giữa các em học sinh trong lớp, đặc biệt là đối với những bạn kém may mắn hơn mình. Chính vì thế, mỗi giờ ra chơi, không ai bảo ai, mỗi học sinh trong lớp 4B đều “tranh nhau” kể cho Bảo Trân nghe những câu chuyện hay từ sách, báo, những cuốn truyện tranh để Trân có thể cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống... hoặc các bạn luôn đề xuất cùng nhau sinh hoạt, ca hát những bài hát về lứa tuổi học trò và bắt buộc là trong những buổi sinh hoạt như thế luôn luôn phải có sự góp mặt của Bảo Trân... Hay mỗi giờ trước khi đến lớp hay tan trường, các học sinh của lớp 4B luôn chủ động sách cặp và dẫn Bảo Trân từ cổng trường vào lớp và ngược lại.

 Em Bảo Trân sống trong tình thương của thầy cô và các bạn dưới mái trường mến yêu.

Em Bảo Trân sống trong tình thương của thầy cô và các bạn dưới mái trường mến yêu.

Cảm nhận được tình cảm mà các thầy cô và các bạn dành cho mình, các em luôn chăm ngoan và có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện ở những năm học vừa qua.

Rạng Đông

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/nghi-luc-cua-cac-em-hoc-tro-khiem-thi-133509.html