Nghị lực của chàng kỹ sư khuyết tật

'Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường' là phương châm sống của chàng trai không may mắn bị liệt cả hai chân khi chưa tròn 1 tháng tuổi…

Vượt qua số phận

Chào đời chưa tròn 1 tháng tuổi, sau một trận sốt, anh Nguyễn Văn Tuân, sinh năm 1997, nhân viên phát triển phần mềm Công ty TNHH Phần mềm FPT Hà Nội - FPT Software, một người con tổ dân phố Đon Bả, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) đã bị liệt cả hai chân. “Hồi ấy, thấy con bị vậy, cả gia đình tôi như chết điếng, chúng tôi sợ sau này con lớn lên không vượt qua được mặc cảm, tự ti với xã hội. Ngày đó, giao thông đi lại, cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình không có điều kiện đưa con đi kiểm ra và chữa trị, tương lai mù mịt và chênh vênh lắm” - bà Nguyễn Thị Ước, mẹ của anh Tuân nghẹn ngào nhớ lại.

Anh Nguyễn Văn Tuân, chàng trai bị liệt hai chân giàu nghị lực sống.

Anh Nguyễn Văn Tuân, chàng trai bị liệt hai chân giàu nghị lực sống.

May mắn thay, cuộc sống lấy đi của anh Tuân đôi chân lành lặn, nhưng lại cho anh nghị lực hơn người. Ngày nhỏ, anh Tuân được bố mẹ cõng đi học, lớn hơn chút thì chở bằng xe đạp rồi xe máy. Cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, anh Tuân đã hoàn thành 12 năm học phổ thông suôn sẻ. Anh Tuân nhớ, ngày anh quyết định xin bố mẹ đi học đại học là bước ngoặt lớn đối với cuộc đời mình. Anh kể, khi anh xin bố mẹ cho đi học đại học, anh đã nhận được sự đồng ý của mẹ. Vì đối với mẹ anh, chỉ cần điều đó mang lại cho anh niềm vui và tin yêu vào cuộc sống thì mẹ sẵn sàng ủng hộ, nhưng riêng bố anh lại khó hơn.

Bố anh muốn sau khi anh học xong lớp 12, bố anh sẽ mở cho anh một cửa hàng tạp hóa nhỏ, để cho anh có thể sống một cuộc sống an toàn tại quê hương. Anh Tuân còn nhớ như in những người hàng xóm đã nói với bố mẹ anh với đại ý rằng “người lành lặn bình thường đi học về còn không xin được việc, liệu một người như anh có cơ hội gì không?”. Anh càng thêm quyết tâm đến trường, anh muốn chứng minh cho mọi người thấy mình tàn, nhưng không phế. Ngoài việc nhờ mẹ thuyết phục bố, bản thân anh cũng dành nhiều đêm tâm sự với bố, để bố có thể hiểu được nguyện vọng của bản thân.

Trước sự kiên trì và tha thiết của Tuân, bố anh cũng đồng ý, anh thi đỗ vào trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên. Mẹ Tuân đã giao hết công việc đồng áng ở nhà cho bố Tuân để khăn gói theo anh sang Thái Nguyên nhập học. Hai mẹ con anh thuê một phòng trọ gần trường, ngày ngày Tuân đi học, mẹ ở nhà lo cơm nước chăm sóc Tuân để anh có thể sống với ước mơ của mình. Năm học thứ nhất trôi qua trong nụ cười rạng rỡ, ánh mắt tràn đầy hy vọng của Tuân và niềm hạnh phúc của người mẹ.

Bước sang năm thứ 2 đại học, để có tiền lo cho Tuân, mẹ anh đã phải đi làm phụ hồ và nấu cơm cho đội công trình xây dựng. Công việc của mẹ Tuân đi theo các công trình nên may mắn thì được ở Thái Nguyên nhưng cũng có lúc phải đi xa. Bà Ước chia sẻ, những lúc đi công trình tại các tỉnh khác, bà lo cho Tuân có một mình không xoay sở được mọi việc. Những lúc đó, chính Tuân lại là người động viên mẹ yên tâm về mình. Mẹ luôn cảm thấy may mắn vì có một người con trai tuy cơ thể có khiếm khuyết nhưng có nghị lực sống mãnh liệt.

Thế nhưng, biến cố lại một lần nữa đến với cuộc đời Tuân. Đôi chân không đi lại được nên Tuân thường xuyên phải ngồi trên xe lăn. Điều đó đã làm anh bị áp xe vùng mông. Năm thứ 2 đại học, anh bị áp xe nặng, phải nghỉ học để nằm viện điều trị 2 tháng. Ròng rã 2 tháng trời, các bạn anh đã thay nhau chép bài, bổ sung kiến thức và hàng ngày đến thăm, động viên anh. Thầy cô cũng đã tạo điều kiện để cho anh tiếp tục đến lớp sau khi ra viện. Ngày khỏi bệnh, anh đến trường trong sự chào đón của thầy cô, bạn bè, anh như được tiếp thêm 200% ý chí, phấn đấu xứng đáng với sự tin yêu của mọi người. Ngoài sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô, bạn bè Tuân may mắn còn được nhận Học bổng Gạo trong 2 năm cuối đại học với số tiền 20 triệu đồng.

Sống đâu chỉ riêng mình

“Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường” là phương châm sống của anh Tuân. Anh chia sẻ, anh luôn mong muốn các bạn có hoàn cảnh như mình sống tự tin, cởi mở và chủ động trong công việc để nhận được sự đón nhận của mọi người. Anh cũng hy vọng các bậc phụ huynh có con kém may mắn hãy luôn yêu thương, động viên và khích lệ các con vươn lên trong cuộc sống. Bởi anh tin, chỉ cần mình cố gắng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình ở tương lai.

Anh Nguyễn Văn Tuân và mẹ trong Lễ tốt nghiệp của mình.

Anh Nguyễn Văn Tuân và mẹ trong Lễ tốt nghiệp của mình.

5 năm học đại học, anh tham gia Câu lạc bộ Tin học của trường với vai trò Phó Chủ nhiệm. Năm học cuối, anh đã đề xuất và xin ý kiến nhà trường thành lập Câu lạc bộ Nghị lực, là câu lạc bộ dành cho những sinh viên trong trường có cơ thể bị khiếm khuyết. Câu lạc bộ với 20 thành viên là nơi giúp các sinh viên có cơ hội giao lưu, tự tin, chia sẻ những hiểu biết của mình về quyền của những người khuyết tật để cùng nhau phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Anh Nguyễn Tất Công, thành viên Câu lạc bộ chia sẻ, câu lạc bộ đã thật sự trở thành cầu nối giúp những bạn có hoàn cảnh đặc biệt tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Từ đó, tạo sợi dây kết nối cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để trở thành người có ích được mọi người ghi nhận. Đây là điều không phải người khuyết tật nào cũng có thể làm được.

Sau khi ra trường, anh Tuân ở lại trường công tác tại Phòng Phát triển phần mềm hơn 1 năm. Để có nhiều trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, anh đã quyết định chuyển xuống Hà Nội. Anh xin vào làm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và mới đây anh chuyển về làm phát triển phần mềm tại Công ty TNHH Phần mềm FPT Hà Nội - FPT Software. Anh Tuân bảo, mình may mắn vì làm việc ở bất kỳ nơi đâu cũng nhận được sự quan tâm, khích lệ của anh chị em đồng nghiệp. Lại nhớ, sau khi chuyển xuống Hà Nội, anh lại bị áp xe vùng mông phải nằm viện. Nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè mọi việc đối với anh trở nên nhẹ nhàng hơn, anh được tiếp tục công việc sau khi xuất viện. Với công việc hiện tại của mình, mỗi tháng thu nhập của anh cũng được khoảng hơn 15 triệu đồng. Số tiền này không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn là động lực tinh thần lớn lao đối với anh Tuân. Anh đã có thể tự lo chi phí sinh hoạt cho bản thân và gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ.

Mỗi chúng ta có mặt trong cuộc đời này đã là một điều may mắn, hãy lựa chọn sống sao cho không hoài, không phí và những người như anh Tuân là minh chứng “sống” cho điều đó. Nghị lực sống phi thường, tinh thần lạc quan và không chịu khuất phục trước số phận của anh Tuân đã và đang tỏa hương từng ngày, mang đến niềm vui, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho mọi người.

Thu Trang

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/nghi-luc-cua-chang-ky-su-khuyet-tat-172955.html