Nghị lực của cô gái khiếm thị

Tham gia sinh hoạt Đoàn tại địa phương từ khi học THPT, chị trở thành đoàn viên, hội viên nòng cốt tại xã Trường Tây. Ngoài thời gian học, đặc biệt là các dịp hè, dịp lễ tết, chị tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội

Chị Phước tham gia chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2023 của Trung ương Đoàn

Chị Phước tham gia chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2023 của Trung ương Đoàn

Khiếm khuyết ở mắt nhưng cô gái nhỏ Nguyễn Thị Kim Phước (sinh năm 1999), sinh viên năm 3 chuyên ngành Giáo dục Chính trị của Trường đại học An Giang, đoàn viên Xã đoàn Trường Tây, thị xã Hòa Thành không đầu hàng số phận, vượt qua mặc cảm với mọi người xung quanh, trở thành người có ích cho xã hội.

Gian nan hành trình đến trường

Sinh ra trong gia đình không trọn vẹn, ba bỏ đi từ khi Phước còn nằm trong bụng mẹ; người mẹ có nhận thức kém, mất khả năng lao động do nhiễm chất độc da cam, ông bà ngoại trở thành trụ cột gia đình, vừa là cha, là mẹ, cưu mang nuôi dưỡng chị hơn 20 năm qua. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của tỉnh, ông bà đều đã ngoài 70, không còn sức khỏe lao động, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình 4 người đều nhờ vào trợ cấp mỗi tháng 1,3 triệu đồng của Nhà nước.

Ảnh hưởng từ người mẹ, Kim Phước chào đời đã bị khuyết tật ở mắt. Nghe ông bà ngoại kể lại, ngày Phước còn nhỏ, đôi mắt chị to tròn như búp bê, rất đẹp; nhưng khi ra ánh nắng mặt trời thì mắt của chị nháy liên tục. Sau này lớn lên, đưa chị đi khám bệnh ở TP. Hồ Chí Minh gia đình mới biết chị mắc chứng bệnh hiếm gặp giác mạc hình chóp làm cho thị lực bị mờ, nhạy cảm với ánh sáng... Căn bệnh ở mắt khiến cho hành trình đi tìm con chữ, kiến thức của chị càng thêm gian nan.

Chị Phước sống cùng ông bà ngoại và mẹ.

Chị Phước sống cùng ông bà ngoại và mẹ.

Chị Phước sinh ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì hoàn cảnh khó khăn nên năm 2003, cả gia đình chuyển về quê ngoại ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cất nhà, đào ao nuôi tôm sinh sống. Năm chị học lớp 6, ở quê xảy ra bão, ao tôm mất trắng, nhà cửa hư hỏng, gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn.

Đó cũng là năm chị Phước phải thôi học vì cảnh nhà quá túng quẫn, ông ngoại bệnh nặng không thể đưa đón chị đi học. Năm 2006, bà ngoại bán chiếc ghe của gia đình cho chị đi học. Có cơ hội, chị quyết tâm học thật tốt, để không phụ lòng ông bà ngoại.

Tuy nhiên, khuyết tật ở mắt khiến việc học của chị gặp nhiều khó khăn. 16 năm qua, vì mắt kém không thể chạy xe nên mỗi ngày chị đi bộ đến trường. Vào lớp, mắt kém không chép kịp bài giảng, chị thường mượn bài của bạn học hoặc chụp hình bài giảng rồi về chép lại. Chị kể, có cô giáo không biết mắt chị bị kém thị lực nên trách phạt vì chị học chậm. Lúc ấy chị rất tủi thân, nhưng hiểu rằng chỉ có con đường học tập mới có thể thay đổi cuộc sống của mình, chị không bỏ cuộc, vẫn luôn cố gắng học tập từng ngày.

Thương cháu gái mắt kém, không thể đi học xa, năm 2013, ông bà ngoại bán nhà ở Bến Tre chuyển đến xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành sinh sống. Ở đây, gia đình mua được một căn nhà cấp 4 gần trường, gần chợ. Từ đó, việc học của chị cũng thuận lợi hơn.

Nghị lực của cô gái nhỏ nhắn

10 năm sống tại Tây Ninh, chị đã hoàn thành chương trình THPT. Đứng trước giai đoạn quan trọng của cuộc đời, chị Phước quyết tâm học đại học, dù gia đình phản đối vì lo cho sức khỏe của chị.

Tầm nhìn hạn chế nên lúc học bài chị Phước phải nhìn thật gần mới thấy rõ chữ

Tầm nhìn hạn chế nên lúc học bài chị Phước phải nhìn thật gần mới thấy rõ chữ

Sau thời gian tìm hiểu về các ngành học, trường học, chị chọn chuyên ngành Giáo dục Chính trị của Trường đại học An Giang, vì đây là ngành học miễn học phí cho người khuyết tật, trường lại có ký túc xá gần trường, thuận tiện cho việc đi lại. Thấy cháu quyết tâm đi học, ông bà ngoại vay mượn được 1,5 triệu đồng cho chị làm thủ tục nhập học.

Hành trình đi học một mình là một thử thách lớn với chị. Gần 20 năm qua, ông ngoại luôn là người sát cánh cùng chị trên hành trình đến trường. Có những hôm trời tối, ông đón chị đi học về, mắt kém, ông chạy xe té ngã xuống mương, chị rất xót xa nên quyết tự lập đi học để ông bà không lo lắng.

Dáng người nhỏ nhắn, chỉ cao 1,4m nhưng chị quyết tâm tự lập, đi tìm việc làm thêm để có tiền trang trải chi phí ăn, ở, đi học. Mắt kém, sức khỏe lại yếu nhưng chị chưa ngày nào từ bỏ việc học. Hằng ngày chị đi bộ đến trường, buổi trưa chị đến một địa điểm phát cơm từ thiện xin cơm ăn cho tiết kiệm, đến tối lại tất tả đi làm thêm. Đôi lúc chị tự ti vì hoàn cảnh và sức khỏe của bản thân, những lúc như vậy, chị lại tìm chỗ khóc một mình, rồi tự động viên mình phải mạnh mẽ, cố gắng hơn.

Biết hoàn cảnh khó khăn của chị, Trường đại học An Giang xét tặng học bổng. Chị Phước được nhận học bổng của Công ty Nutifood với số tiền 50 triệu đồng trong 4 năm học; bảo hiểm hỗ trợ chi phí học tập 3,6 triệu đồng trong một học kỳ; học bổng Sen Hồng hỗ trợ 12 triệu đồng/năm học giúp chị không còn lo lắng về chi phí học tập. Chị chia sẻ, không bao giờ quên tấm lòng của các nhà tài trợ, thầy cô giáo ở trường. Không biết đáp lại tình cảm ấy như thế nào, chị chỉ biết học thật tốt.

Động lực để chị Phước cố gắng phấn đấu không từ bỏ việc học đến ngày hôm nay đó chính là sự hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến của ông bà ngoại. Nhìn ông bà già đi từng ngày, chị mong rằng mình có thể hoàn thành việc học thật sớm trở về địa phương, trở thành chỗ dựa cho ông bà và mẹ.

Chân dung cô gái khiếm thị đầy nghị lực Nguyễn Thị Kim Phước

Chân dung cô gái khiếm thị đầy nghị lực Nguyễn Thị Kim Phước

Tham gia sinh hoạt Đoàn tại địa phương từ khi học THPT, chị trở thành đoàn viên, hội viên nòng cốt tại xã Trường Tây. Ngoài thời gian học, chị thường xuyên về nhà thăm gia đình, đặc biệt là các dịp hè, dịp lễ tết và tích cực tham gia hoạt động Đoàn - Hội tại địa phương như Ngày chủ nhật xanh, phát quang, dọn dẹp, thu gom rác thải nhựa; hướng dẫn người dân đăng ký Dịch vụ công trực tuyến và đăng ký ứng dụng VNeID; tham gia vận động, tặng quà tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn...

Trước đó, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù thị lực không tốt, chị Phước cũng cùng đoàn viên địa phương đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ người dân khai báo y tế, cài đặt ứng dụng tiện ích; hỗ trợ mang nhu yếu phẩm, đi chợ hộ, tặng quà cho gia đình khó khăn, lấy mẫu xét nghiệm... Chị chia sẻ, hoạt động Đoàn, hội giúp chị trưởng thành hơn mỗi ngày, mạnh mẽ, tự tin hơn. Được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chị rất vui và cảm thấy mình trở thành người có ích cho xã hội.

Vừa qua, chị Kim Phước vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam bầu chọn là 1 trong 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc 23 tỉnh, thành phố, tổ chức xã hội tham gia chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2023. Hành trình vượt khó đến trường của chị đã trở thành câu chuyện truyền động lực cho các bạn trẻ.

Ngọc Bích

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nghi-luc-cua-co-gai-khiem-thi-a167579.html