Nghị lực thoát nghèo, mạnh dạn làm giàu của người phụ nữ dị tật

Tuy đôi chân bị dị tật từ bé, nhưng bà Nguyễn Thị Lễ (SN 1971) không đầu hàng với số phận, mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Miện để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Sinh ra trong gia đình nghèo, bà Nguyễn Thị Lễ (SN 1971, ở thôn An Sơn, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) thiếu may mắn hơn các bạn cùng trang lứa khi đôi chân bị dị tật từ bé.

Đến năm 2019, bà Nguyễn Thị Lễ vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo tại địa phương. Thế nhưng, số phận thiếu may mắn đã không ngăn nổi nghị lực vượt lên chính mình của bà Lễ.

Với quyết tâm lập nghiệp thoát nghèo, bà Lễ bắt đầu tìm hiểu vay vốn làm ăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thanh Miện.

Tuy đôi chân bị dị tật từ bé, nhưng bà Lễ không đầu hàng với số phận, mạnh dạn vay vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Khanh.

Tuy đôi chân bị dị tật từ bé, nhưng bà Lễ không đầu hàng với số phận, mạnh dạn vay vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Khanh.

Được sự quan tâm động viên của Hội Phụ nữ tại địa phương, cùng với tư vấn hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ NHCSXH, bà Lễ đã mạnh dạn vay vốn chương trình “Hộ nghèo” số tiền 70 triệu đồng để làm xưởng sản xuất áo mưa.

Đến năm 2024, bà Lễ hoàn thành trả nợ cho NHCSXH và không còn nằm trong danh sách hộ nghèo tại địa phương.

Bằng nghị lực “tàn nhưng không phế”, bà Lễ tiếp tục vay 80 triệu đồng chương trình “Hộ mới thoát nghèo” và 20 triệu đồng chương trình “Nước sạch vệ sinh môi trường” để đầu tư mở rộng xưởng may áo mưa.

Bà Đặng Thị Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồng Quang thường xuyên quan tâm, hỗ trợ bà Lễ vay vốn từ NHCSXH. Ảnh Trần Khanh.

Bà Đặng Thị Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồng Quang thường xuyên quan tâm, hỗ trợ bà Lễ vay vốn từ NHCSXH. Ảnh Trần Khanh.

Sau vài năm hoạt động hiệu quả, kinh tế dần ổn định, xưởng sản xuất áo mưa của bà Lễ ngày càng mở rộng quy mô với doanh thu khoảng 700 triệu đồng/năm. Trừ các chi phí, mỗi năm, bà Lễ vẫn tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng.

Không chỉ vậy, xưởng sản xuất của bà Lễ còn tạo việc làm thường xuyên cho 7-10 lao động chủ yếu là nữ, thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều năm hỗ trợ hồ sơ cho vay vốn, bà Vũ Thị Hạnh, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Miện cho biết, vài năm trước, bà Nguyễn Thị Lễ nằm trong danh sách hộ nghèo tại địa phương.

Nhờ biết sử dụng vốn vay hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, bà Lễ đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ lớn tuổi với thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/tháng.

Nhiều phụ nữ lớn tuổi làm việc tại xưởng của bà Nguyễn Thị Lễ với thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng. Ảnh Trần Khanh.

Nhiều phụ nữ lớn tuổi làm việc tại xưởng của bà Nguyễn Thị Lễ với thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng. Ảnh Trần Khanh.

“Nguyện vọng của bà Lễ mong muốn được vay vốn nhiều hơn từ NHCSXH để có thể mở rộng nhà xưởng, tăng quy mô sản xuất. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm việc làm cho người lao động”, bà Hạnh cho hay.

Bà Đặng Thị Nga (SN 1971), Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hồng Quang chia sẻ, đến hết quý I/2025, trên địa bàn xã hiện có 424 hộ được vay vốn để phát triển kinh tế từ NHCSXH huyện Thanh Miện với tổng số tiền khoảng 21 tỷ đồng. Nhờ có những gói vay hỗ trợ lãi suất từ NHCSXH mà nhiều hộ dân trước đây có hoàn cảnh khó khăn đã thoát khỏi hộ nghèo.

Bà Lễ tuy bị dị tật ở chân, đi lại khó khăn, làm mẹ đơn thân suốt nhiều năm, nhưng bà luôn biết vượt lên chính mình. Vào mỗi dịp nghỉ hè, xưởng sản xuất của chị còn tạo việc làm cho các cháu học sinh kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Trần Khanh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nghi-luc-thoat-ngheo-manh-dan-lam-giau-cua-nguoi-phu-nu-di-tat-474249.html