Tập đoàn Hoa Sen nói gì về việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ với tôn thép mạ kẽm?

Theo lý giải của tập đoàn Hoa Sen, thuế chống bán phá giá mới nhất không gây thêm ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Theo kết quả sơ bộ từ cuộc điều tra chống bán phá giá do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng đối với các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, tất cả các doanh nghiệp thép Việt Nam đều bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ rất cao, vượt ngưỡng 39%.

Ngay trong ngày hôm nay (5-4), đại diện tập đoàn Hoa Sen đã nêu quan điểm về việc này.

 Từ tháng 9-2024, hoạt động xuất khẩu thép mạ sang thị trường Hoa Kỳ đã gặp nhiều gián đoạn do tâm lý thận trọng từ phía khách hàng Hoa Kỳ trước nguy cơ bị hồi tố thuế chống bán phá giá - Ảnh: Hoa Sen Group

Từ tháng 9-2024, hoạt động xuất khẩu thép mạ sang thị trường Hoa Kỳ đã gặp nhiều gián đoạn do tâm lý thận trọng từ phía khách hàng Hoa Kỳ trước nguy cơ bị hồi tố thuế chống bán phá giá - Ảnh: Hoa Sen Group

Theo đại diện Tập đoàn Hoa Sen, nguyên nhân chính của việc này xuất phát từ phương pháp tính toán đặc thù mà DOC áp dụng đối với các quốc gia chưa được Hoa Kỳ công nhận là “nền kinh tế thị trường” như Việt Nam.

Đại diện tập đoàn Hoa Sen lý giải theo quy định của Hoa Kỳ, Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên DOC không sử dụng chi phí sản xuất do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Thay vào đó, DOC áp dụng chi phí thay thế từ một quốc gia thứ ba có nền kinh tế thị trường để làm cơ sở tính toán biên độ phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc sử dụng giá trị thay thế từ quốc gia thứ ba thường dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá thành sản xuất thực tế tại Việt Nam và chi phí sản xuất “thay thế”, từ đó đẩy biên độ phá giá lên mức cao và kéo theo mức thuế chống bán phá giá bất lợi cho doanh nghiệp.

Hiện tại, DOC vẫn chưa công bố quốc gia thay thế cũng như phương pháp tính toán cụ thể. Tuy nhiên, theo quy trình điều tra, các thông tin này sẽ được công khai trong giai đoạn tiếp theo, tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phản biện, cung cấp dữ liệu, và đưa ra các lập luận để làm rõ sự khác biệt về chi phí và điều kiện sản xuất tại Việt Nam so với quốc gia thay thế, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cần lưu ý rằng DOC đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ kể từ tháng 9-2024.

Từ thời điểm đó, hoạt động xuất khẩu thép mạ sang thị trường Hoa Kỳ đã gặp nhiều gián đoạn do tâm lý thận trọng từ phía khách hàng Hoa Kỳ trước nguy cơ bị hồi tố thuế chống bán phá giá, đại diện tập đoàn Hoa Sen cho biết.

Vì vậy, dù mức thuế sơ bộ vừa công bố khá cao, nhưng trên thực tế không gây thêm ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến tình hình sản xuất – kinh doanh hiện tại của các doanh nghiệp thép Việt Nam do việc tạm ngừng xuất khẩu thép mạ sang Hoa Kỳ đã kéo dài suốt từ thời điểm khởi xướng điều tra cho đến nay.

Ngày 2-4, Hoa Kỳ cũng ban hành sắc lệnh áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, với mức thuế công bố lên tới 46%. Tuy nhiên, sản phẩm tôn thép từ Việt Nam không thuộc diện áp dụng mức thuế đối ứng này do đã bị áp thuế 25% theo Mục 232 từ ngày 8-3-2018 cho đến nay. Đây là điểm quan trọng cần lưu ý để tránh hiểu nhầm rằng thép mạ Việt Nam bị đánh thuế ba lần gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế đối ứng.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/tap-doan-hoa-sen-noi-gi-ve-viec-hoa-ky-ap-thue-chong-ban-pha-gia-so-bo-voi-ton-thep-ma-kem-post842813.html