Nghị lực vượt khó của hai chị em song sinh cùng dắt nhau vào đại học
Sinh ra trong gia đình khó khăn, nhưng hai chị em song sinh Như Quỳnh và Diễm Quỳnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) không ngừng nỗ lực vươn lên, vun đắp ước mơ vào đại học.
Nghị lực vượt hoàn cảnh
Trần Hoàng Như Quỳnh và Trần Hoàng Diễm Quỳnh (SN 2006 - cựu học sinh trường THPT Nguyễn Minh Khai, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) là hai chị em song sinh. Cả hai chị em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu tình thương của mẹ, lớn lên trong sự chăm sóc của bố và ông bà nội.
Trong kỳ thi THPT 2024 Như Quỳnh đạt 28,25 điểm (Ngữ văn 9,25; Lịch sử 9,75; Địa lý 9,25), còn Diễm Quỳnh đạt 27,5 điểm (Ngữ văn 9,25; Lịch sử 8,75; Địa lý 9,5). Số điểm này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hai chị em trong 12 năm học qua.
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ của bà Đặng Thị Điu (SN 1941, bà nội hai chị em Quỳnh) ở thôn Duyên Phúc, xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ có đông người đến chúc mừng khi biết tin Như Quỳnh và Diễm Quỳnh đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua. Song trên khuôn mặt bà Điu lại chằng chịt nỗi lo. “Không biết sắp tới các cháu sẽ đi học ra sao, rồi tiền bố cháu làm ra có đủ để cho hai đứa theo đuổi 4 năm đại học hay không”, bà Điu ngậm ngùi.
Lớn lên bằng tình thương của ông, bà, Như Quỳnh và Diễm Quỳnh luôn chăm ngoan, học giỏi. Sau mỗi giờ lên lớp, cả hai ở nhà phụ việc giúp đỡ gia đình. Vốn làm nghề nông, nhưng nhiều năm qua, sức khỏe yếu, bà Điu không làm được việc nặng. Còn chồng bà Điu bị tai biến, hiện tại nằm một chỗ.
Nhiều năm qua, gánh nặng đè lên ông Trần Cao Quý (SN 1985, bố hai chị em Như Quỳnh và Diễm Quỳnh). Với chút lương ít ỏi từ làm công nhân tại thành phố Vinh, nhưng ông Quý không ngừng cố gắng bươn chải để kiếm tiền lo cho bố mẹ và hai con. Hình ảnh người bố tần tảo, đi sớm về hôm in sâu vào tâm trí cả hai chị em.
“Bố em sáng đi, tối về, mỗi ngày chạy xe hàng chục km đến công ty. Dù vất vả nhưng vẫn luôn động viên hai chị em”, Diễm Quỳnh chia sẻ.
Từng muốn nghỉ học để nuôi giấc mơ con chữ cho chị
Như Quỳnh, Diễm Quỳnh, hai cô gái luôn tràn đầy năng lượng, nghị lực vươn lên. Suốt 12 năm học, cả hai học bằng sách vở được anh chị khóa trước hỗ trợ. Năm 2022, khi cả hai chị em hoàn thành lớp 11, ông nội bất ngờ bị tai biến khiến cuộc sống gia đình vốn vất vả nay khó khăn thêm bội phần. Vì quá khó khăn, Diễm Quỳnh đề xuất với gia đình sẽ nghỉ học, đi làm kiếm tiền về hỗ trợ ông bà, cùng nuôi chị gái Như Quỳnh học. Đưa ra quyết định này, Diễm Quỳnh khóc rất nhiều, bởi em cũng ấp ủ ước mơ theo đuổi con chữ, trở thành giáo viên.
“Em nghĩ lúc đó khó khăn quá, hai chị em cùng đi học, bố sẽ không kham nổi. Mặt khác chị gái Như Quỳnh học tốt hơn. Khi nói sẽ nghỉ học đi làm, cả nhà ai cũng buồn, còn hai chị em ôm nhau khóc. Nhưng sau đó gia đình động viên, nên em bắt đầu tập trung đầu tư cho việc học. Bởi trước đó, em chỉ nghĩ mình tốt nghiệp cấp 3 sẽ nghỉ học về đi làm”, Diễm Quỳnh chia sẻ.
Từng ý định bỏ học, nhưng khi được gia đình động viên, hai chị em đã hỗ trợ nhau cùng học. Cả hai chỉ tập trung học vào ban đêm, còn ban ngày hỗ trợ phụ việc giúp bà chăm ông, lo cơm nước cho gia đình. Thời gian cuối cấp, hai chị em chủ yếu ôn luyện tại nhà. Như Quỳnh học tốt hơn nên luôn dẫn dắt, hỗ trợ động viên em gái Diễm Quỳnh. Vốn thông minh từ nhỏ nên dù học ở giai đoạn nước rút nhưng Diễm Quỳnh vẫn đạt kết quả tốt.
“Lớp 12 em mới tập trung cho việc học. Ngoài học ở lớp thì chị gái là người hỗ trợ, dẫn dắt em rất nhiều ở những thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Hai chị em cùng đăng ký vào một trường, mong muốn sẽ trở thành giáo viên. Hiện tại em đang chờ kết quả NV1, còn chị Như Quỳnh đã được tuyển thẳng vào Trường Sư phạm - Đại học Vinh”, Diễm Quỳnh nói.
Trong suốt 12 năm học, hai chị em đều có lực học tốt. Cả hai chị em đều lựa chọn khối C00 để đăng ký vào Trường Sư phạm - Đại học Vinh. Riêng Như Quỳnh vào lớp 10, lớp 11 đạt giải nhì và giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử. Với học lực xuất sắc, Như Quỳnh được xét tuyển thẳng theo hệ xét học bạ vào Khoa Lịch sử. Còn Diễm Quỳnh xét điểm thi THPT quốc gia khối C00 vào Khoa Giáo dục tiểu học.
Việc lựa chọn vào trường Sư phạm, Như Quỳnh bày tỏ: “Chọn nghề giáo viên phần vì đam mê, mặt khác vào sư phạm sẽ giảm bớt áp lực học phí cho gia đình. Sắp tới, khi đi học sẽ cố gắng đi làm thêm để trang trải các khoản sinh hoạt. Dù chặng đường phía trước sẽ khó khăn, nhưng em tin rằng bản thân hai chị em sẽ làm được”.