Nghi phạm vụ giết người Thược dược đen qua ký ức của người con trai

Theo lời kể của Steve Hodel, sau khi qua đời ở tuổi 91, năm 1999, cha ông - George Hodel trở thành nghi phạm chính của vụ sát hại Elizabeth Short nổi tiếng ở Los Angeles năm 1947.

Vào một ngày tuyệt đẹp cuối mùa xuân năm 1949 tại Los Angeles. Ánh nắng rọi chiếu qua những tầng mây, gia đình chúng tôi leo lên chiếc xe jeep quân đội Willy MB sáng bóng mà cha mua vào hai năm trước. Mẹ tôi ngồi ghế trước còn mấy đứa trẻ con chúng tôi thì chen chúc nhau ở hàng ghế sau.

Khi ấy, tôi bảy tuổi, anh Mike chín tuổi và em Kelvin sáu tuổi. Cha khởi động xe và chúng tôi khởi hành, tiến thẳng đến bãi biển Pismo sẵn sàng cho một ngày lang thang ở bãi biển, bơi lội và đào ngao. […]

Năm mươi năm sau, khi cha đã mất, tôi vẫn nhớ ngày hôm đó như thể kí ức ấy đã được chạm khắc vào đá. Ông là một người đàn ông giữ được sự bình tĩnh dưới áp lực và tự tin rằng ông có thể thoát khỏi bất kì tội danh nào. Nhưng tôi không hề biết ông thực sự đã thoát bao nhiêu tội. Trong suốt cuộc đời mình, cha đã rất quen với các vụ bê bối.

Năm 1949, cùng với năm chúng tôi đi đào ngao ở bãi biển Pismo, ông bị bắt giữ vì tội quấy rối chị gái cùng cha khác mẹ của tôi, chị Tamar. Không lâu sau khi vụ án đó được xét xử - ông được tha bổng, dù có tận ba nhân chứng trong vụ này - ông chạy trốn khỏi đất nước. Mãi cho đến năm 1990, cha mới quay trở về.

Sau khi cha mất, chị Tamar bắt đầu kể chuyện về ông cho tôi. Trong những cuộc trò chuyện ấy, chị kể rằng cha tôi là nghi phạm trong vụ giết người Thược dược Đen. Đây chính là vụ sát hại Elizabeth Short - một cô gái hai mươi hai tuổi - vào năm 1947.

 Elizabeth Short và George Hodel. Nguồn: mireinoporunaserie.

Elizabeth Short và George Hodel. Nguồn: mireinoporunaserie.

Đó là vụ án còn bỏ ngỏ nổi tiếng nhất Los Angeles. Sau hai mươi tư năm sự nghiệp thám tử ở Cục cảnh sát Los Angeles, trong đó có mười bảy năm ở Tổ điều tra các vụ án giết người, tôi đã quá quen thuộc với vụ án này. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến việc cha có liên quan đến nó. Tôi phản bác ngay lập tức: “Tamar, chị đang nói cái quái gì vậy? Chị nghe chuyện này từ đâu ra?”.

“Thật ra mấy vị thám tử đưa chị đến tòa đã bảo rằng họ nghi ngờ cha đã sát hại Thược Dược đen hồi đó”, chị trả lời. “Chị không nghĩ cha là thủ phạm, nhưng họ đã nói như vậy”.

Tôi thấy sốc. Tôi yêu cha mình. Dù ông ấy chưa bao giờ tỏ ra ấm áp hay dễ gần, nhưng cha tôi thực sự là con người tuyệt vời và đã sống một đời tuyệt vời không kém.

Tôi đã tự tin rằng mình có thể nhanh chóng dẹp bỏ mọi nghi ngờ bủa vây quanh ông trong vụ này. Tôi biết là mình có thể chứng minh ông vô tội. Và rồi tôi bắt đầu công việc mình đã làm vô số lần trong suốt cả sự nghiệp, đó là tiến hành điều tra vụ án. Vài điều tra ban đầu đã khiến tôi ngạc nhiên.

Hóa ra, hai năm trước khi xảy ra vụ giết người Thược dược Đen, vào tháng 5/1945, Cục Cảnh sát Los Angeles đã tiến hành điều tra cha tôi với cáo buộc chuốc thuốc quá liều (ma túy dạng viên) cô thư kí kiêm tình nhân 27 tuổi, Ruth Spaulding. Tuy nhiên, họ đã không tìm được đủ bằng chứng để chính thức kết tội ông. Khi cha chuyển đến Trung Quốc làm bác sĩ, chính quyền đã buộc phải hủy bỏ cuộc điều tra và tuyên bố đó là một vụ tự sát. Tôi chưa bao giờ biết đến chuyện này trước đó.

Sau một năm rưỡi đào sâu về vụ án Thược Dược đen, nói chuyện với hơn chục nhân chứng, tham khảo hàng nghìn trang tài liệu điều tra, tìm kiếm những mẩu thông tin trong những lời kể ngoài kia, tôi đã có được câu trả lời mình cần.

Tôi tập hợp kết quả điều tra của mình và bí mật trình bày tất cả với một phó trưởng ban ủy viên công tố quận. Ông ấy xem xét một lượt và đưa ra quan điểm pháp lý của mình: “Vụ án Thược dược Đen đã được giải quyết và hung thủ là Tiến sĩ George Hill Hodel”. Tuy nhiên, do cha đã qua đời nên không có cuộc điều tra chính thức nào được thực hiện.

Hai thập kỉ đã đi qua kể từ thời điểm tôi phát hiện ra tội lỗi của cha mình. Tôi đã viết một cuốn sách về vụ án và từ đó, tôi dần dần tìm ra hai mươi tư người nữa có khả năng cao là nạn nhân dưới tội ác khủng khiếp của cha. Trong hai mươi năm đó, tôi đã trải qua những cảm xúc thật khó diễn tả. Phủ nhận rồi chán nản, sau đó là tức giận, căm phẫn và thịnh nộ. Cuối cùng, những cảm xúc đó đan xen lại với nhau, trở thành nỗi buồn khổ ngự trị trong lòng tôi của hiện tại.

Tôi vẫn yêu cha mình. Dù sao thì ông đã tạo ra con người tôi, cho tôi sự sống, hơi thở này. Dòng máu của ông chảy trong mạch máu tôi ngay lúc này đây. Sao tôi có thể ngừng yêu ông ấy? Nhưng, không nghi ngờ gì nữa, cha tôi chính là một ác nhân.

Tôi yêu cha tôi. Nhưng tôi cũng ghét ông. Ông ấy chính là Jekyll và Hyde phiên bản đời thật. Tôi vẫn thường ngẫm lại những kỉ niệm ở bãi biển Pismo và nhớ lại cái cách cha tôi khinh thường luật pháp với sự kiêu ngạo và khinh rẻ, tôi tự hỏi phải chăng đó là dấu hiệu của một mặt tối nào đó trong ông.

Duyên dáng. Thao túng. Nhẫn tâm. Ác độc. Thân thiện. Thu hút. Tôi rùng mình khi nghĩ đến việc ông từng sử dụng những nét tính cách ấy khi ông không ở cùng gia đình chúng tôi. Nhưng tôi không thể nói dối. Tôi quý trọng những kí ức tuổi thơ thân thương ấy, như những con ngao non cần được bảo vệ và để chúng an yên, đừng nên cố cậy mở chúng toác ra.

----------------

Steve Hodel là một thám tử đã về hưu, từng làm việc trong bộ phận điều tra các vụ án giết người, Cục cảnh sát Los Angeles, và là tác giả của năm cuốn sách về tội ác của cha ông. Cuốn sách gần nhất là Black Dahlia Avenger III: Murder as a Fine Art (tạm dịch: Thược dược Đen phục thù III: Nghệ thuật Giết người). Ông hiện sống ở Los Angeles, bang California.

Joshua David Stein - Nhóm biên tập Fatherly / Gieo Books - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghi-pham-vu-giet-nguoi-thuoc-duoc-den-qua-ky-uc-cua-nguoi-con-trai-post1441531.html