Nghị quyết 05 giúp đổi mới mô hình kinh tế ở Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì là huyện thuần nông với phần lớn dân số sinh sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp nên ruộng, vườn đã gắn bó với bà con nông dân từ bao đời nay. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có nguồn thu nhập ổn định từ kinh tế vườn. Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh ra đời đã và đang giúp người dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất để mạnh dạn thay thế diện tích vườn tạp bằng những mô hình sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, biến những mảnh vườn tạp thành sinh kế để vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương.

Chị Lý Thị Niên, thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân chăm sóc vườn bưởi Da xanh.

Chị Lý Thị Niên, thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân chăm sóc vườn bưởi Da xanh.

Đến thăm gia đình chị Lý Thị Niên, thôn Bản Cậy, xã Tụ Nhân khi chị cùng các thành viên trong gia đình đang tích cực chăm sóc những cây bưởi Da xanh vừa trồng được hơn 1 tháng. Chị phấn khởi cho biết: Khi tỉnh, huyện có chủ trương hỗ trợ thực hiện cải tạo vườn tạp, gia đình tôi là một trong 3 hộ đầu tiên của xã đăng ký tham gia vì nhận thấy đây là cơ hội rất tốt để gia đình cải tạo diện tích đất vườn tạp ở gần nhà để trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao hơn. Trước đây, diện tích hơn 500 m2 này gia đình tôi chỉ trồng vài cây ăn quả như mít, mận, mơ… giá trị kinh tế rất thấp, hầu như chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình. Thực hiện chủ trương của tỉnh, gia đình tôi đã tiến hành rào lại mảnh vườn để tránh gia súc phá hoạt, cải tạo đất bằng việc bón phân và xây dựng hệ thống tưới tiêu để phục vụ cho việc gieo trồng các giống cây. Hiện, gia đình tôi đã trồng hơn 60 gốc bưởi Da xanh, chanh tứ mùa và trồng rau, đậu. Các loại cây đều sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Cũng là một trong những hộ đi tiên phong thực hiện cải tạo vườn tạp tại xã Nậm Khòa, gia đình ông Phùng Vàn Chìu, thôn Khòa Thượng không giấu nổi niềm phấn khởi và kỳ vọng vào sự đổi thay từ mảnh vườn của gia đình. Trên mảnh đất 800 m2 trước đây bỏ hoang để làm bãi chăn thả gia súc, hiện nay gia đình ông đã cải tạo, phát quang, trồng các loại cây ăn quả như mận Tam hoa, ổi, xoài…. Sau 1 thời gian chăm sóc, cây đã phát triển xanh tốt. Ông Chìu tâm sự: Chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng vào Đề án của tỉnh. Cải tạo đất đai thì không còn xa lạ gì với nông dân chúng tôi, nhưng cải tạo, thay thế diện tích vườn tạp bằng những mô hình sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng là một cách làm rất sáng tạo của chính quyền các cấp. Các gia đình trong thôn, xã rất tin tưởng và đồng tình, ủng hộ, chúng tôi hy vọng rằng sau một thời gian nữa những mảnh vườn được cải tạo sẽ mang lại thu nhập ổn định, giúp các gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện với các nội dung và giải pháp phù hợp. Đến nay, toàn huyện có 32 hộ/20 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện cải tạo vườn với tổng diện tích là 37.380 m2. Trong đó, có 23.380 m2 được cải tạo trồng cây ăn quả; 8.560 m2 được cải tạo trồng các loại rau, củ; 2.800 m2 được cải tạo nuôi thủy sản; 2.640 m2 được cải tạo để thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tính đến ngày 26.4, toàn huyện có 9 hộ đã được giải ngân với tổng số tiền 270 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ 51,8 triệu đồng và gần 1.000 ngày công giúp các hộ cải tạo vườn tạp. Các xã tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và triển khai nhân rộng cho các đối tượng khác (các hộ trung bình, khá và giàu) thực hiện cải tạo, chỉnh trang lại vườn hộ gia đình, đến nay toàn huyện có 19 hộ thực hiện với tổng diện tích vườn đã được cải tạo là 34.305 m2.

Huyện đã tổ chức 121 buổi tuyên truyền thực hiện Đề án với tổng số 14.927 lượt người tham gia. Tổ chức 17 lớp tập huấn cho các xã, thị trấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt như: Kỹ thuật chuyên ngành về cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả; cây rau, nấm và cây lâm nghiệp; kỹ thuật trồng cây dược liệu; chăn nuôi gia súc, thủy sản... Giúp lãnh đạo các xã và người dân nắm được các tiêu chí của Đề án cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị kinh tế vườn hộ.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Lý Chòi Nhàn cho biết: Qua việc đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung của Nghị quyết 05 bằng nhiều hình thức giúp người dân trên địa bàn có sự đổi thay tích cực trong nếp nghĩ, cách làm. Nhiều hộ không nằm trong đối tượng được hỗ trợ cũng tự thực hiện cải tạo vườn tạp tại gia đình, nhiều mảnh vườn tạp vốn bỏ hoang nay đã có sự hiện diện của màu xanh cây trái. Qua đó có thể thấy, nhận thức của người dân về đổi mới mô hình kinh tế vườn đã được nâng lên đáng kể. Đây cũng là cơ sở để huyện triển khai nhân rộng Đề án trong thời gian tới, góp phần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202105/nghi-quyet-05-giup-doi-moi-mo-hinh-kinh-te-o-hoang-su-phi-776238/