Nghị quyết 15: Tạo động lực cho phát triển du lịch Ninh Bình
Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là động lực quan trọng để du lịch Ninh Bình phát triển vượt bậc trong hơn 10 năm qua. Để nhìn nhận lại 'vai trò lịch sử' của Nghị quyết 15, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
P.V: Thưa ông, tại sao thời điểm đó Ninh Bình lại ban hành một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực du lịch?
Ông Trần Hữu Bình: Trước năm 2009, du lịch Ninh Bình mới ở dạng tiềm năng, chủ yếu là khai thác các sản phẩm sẵn có như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh du lịch còn ở quy mô nhỏ, lẻ.
Toàn tỉnh có 108 cơ sở lưu trú du lịch (chỉ có 22 khách sạn được xếp sao) với 1.681 phòng nghỉ. Khách lưu trú, đặc biệt là khách quốc tế còn rất ít (năm 2008 tổng số khách quốc tế đến du lịch tại Ninh Bình chiếm 3,9%). Hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch thấp. Doanh thu du lịch mới đạt 250 tỷ đồng. Nói một cách khái quát, du lịch giai đoạn này còn manh mún, mang tính tự phát, chưa có một định hướng phát triển rõ ràng.
Từ năm 2009, tỉnh bắt đầu quan tâm đến phát huy tiềm năng du lịch. Các khu du lịch, nghỉ dưỡng được khởi công nâng cấp, xây mới, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, như khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc- Bích Động, chùa Bái Đính, Sân golf Hoàng Gia, khách sạn Legend, khách sạn Hoàng Sơn, khách sạn Hidden Charm…
Để phát triển du lịch bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển, thời điểm này cần có một nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ về phát triển du lịch. Đó là nguyên nhân Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ra đời.
P.V: Thưa ông, đây có phải lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình đưa ra định hướng "phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn"?
Ông Trần Hữu Bình: Về quan điểm, Nghị quyết 15 xác định "du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp" và đưa ra định hướng "Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh."
Thực ra, cho đến hiện nay, thế nào là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam vẫn là một khái niệm gây tranh cãi. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khi nói về ngành kinh tế mũi nhọn cũng chỉ đưa ra một khái niệm chung chung. Khi được hỏi: "Theo ông, tỉ trọng của ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam phải chiếm tối thiểu phải chiếm bao nhiêu phần trăm GDP?" thì ông cho biết "theo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong 10 năm tới, cả nước ta có 21 ngành được ưu tiên phát triển, nhưng vẫn chưa xác định những ngành nào kinh tế mũi nhọn".
Khi chưa có một định nghĩa cụ thể và những chỉ tiêu định tính đi kèm, khái niệm kinh tế mũi nhọn vẫn mang tính biểu tượng nhiều hơn thực tế. Theo quan điểm của tổ chức du lịch thế giới, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tối thiểu GDP phải đạt tỉ trọng 10%, vì vậy trong quá trình phát triển, chúng ta nên coi đó là một chỉ tiêu tham khảo để phấn đấu.
P.V: Nghị quyết 15 đánh dấu sự thay đổi cả về nhận thức, tư duy đến hành động của cả hệ thống chính trị về ngành kinh tế du lịch. Đặc biệt trong công tác quản lý Nhà nước, việc ra đời của Nghị quyết 15 đã tạo nên thay đổi như thế nào thưa ông?
Ông Trần Hữu Bình: Trong những năm trước đây, việc du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan. Đó là một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên ở các cấp, các ngành chưa nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, để phát triển du lịch, điều đầu tiên là phải thay đổi nhận thức và tư duy hành động, phải coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp và việc phát triển du lịch là trách nhiệm của các cấp, các ngành, chứ không phải chỉ của cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Để làm được điều đó, phải bắt đầu sự thay đổi từ Ban Chấp hành đảng bộ và hệ thống chính quyền các cấp. Vì vậy, cùng với việc ban hành Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 17/7/2009, triển khai chi tiết nội dung của Nghị quyết, không để sự quyết tâm đó nằm trên giấy tờ.
P.V: Kết quả rõ nét nhất trong giai đoạn này là Ninh Bình bảo vệ thành công Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Theo ông dấu mốc này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành du lịch Ninh Bình?
Ông Trần Hữu Bình: Khi xin chủ trương xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tôi đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tràng An là di sản của tổ tiên để lại, là món quà tuyệt vời nhất mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho mảnh đất này, được các thế hệ người dân Ninh Bình, đặc biệt là những cư dân trong vùng di sản bảo vệ và gìn giữ hàng ngàn năm qua. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải giữ gìn, tôn tạo và vinh danh nó. Nếu không, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, nó sẽ bị thu hẹp và hủy hoại.
Việc Tràng An trở thành di sản UNESCO, sẽ mang lại cho du lịch Ninh Bình một cú hích mạnh mẽ. Trên thế giới người ta ước tính một di sản được UNESCO công nhận tương đương với 500 triệu USD quảng bá và kích cầu du lịch. Nhờ di sản này, ngành du lịch Ninh Bình sẽ bước sang một trang mới và Quần thể danh thắng Tràng An sẽ có tên trên bản đồ du lịch thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Những năm qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển khá nhanh và toàn diện, giai đoạn năm 2010-2019, tốc độ tăng trưởng về khách du lịch đạt 11%/năm, về doanh thu du lịch đạt 23,6%/năm. Riêng năm 2019, Ninh Bình đón được 7,65 triệu lượt, tăng 4,79% so với năm 2018. Trong đó khách nội địa đạt 6,68 triệu lượt khách, tăng 3,9% so với năm trước; khách quốc tế đạt 970 nghìn lượt, tăng gần 11% so với năm trước; doanh thu đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm trước. giải quyết việc làm cho 14.500 lao động địa phương. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 689 cơ sở lưu trú với trên 8.500 phòng nghỉ, 15 khách sạn tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao.
Thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch định hướng đến năm 2030, tạo cơ sở pháp lý và định hướng quan trọng xây dựng Ninh Bình trở thành trọng điểm du lịch của cả nước. Từ năm 2010 đến năm 2020, ngân sách Nhà nước đã cấp 1.194,948 tỷ đồng từng bước đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là các khu du lịch trọng điểm.
Bên cạnh đó, đã cấp giấy chứng nhận cho 58 dự án. Nhiều dự án được triển khai tích cực, đúng tiến độ, đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Toàn tỉnh hiện có 264 cơ sở kinh doanh homestay, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.