Nghị quyết 26 làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn Bắc Kạn

Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-TW (gọi tắt là Nghị quyết 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết, diện mạo nông thôn Bắc Kạn đã thay đổi toàn diện, đời sống của nông dân được nâng cao.

Người dân xã Như Cố (Chợ Mới) chăm sóc cây dưa lưới.

Nghị quyết 26 là chủ trương lớn và toàn diện của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do vậy, các cấp, ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 26 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cùng với đó, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã thể chế hóa thành các chủ trương, chính sách của tỉnh để kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, Tỉnh ủy ban hành 9 nghị quyết và 2 chỉ thị; HĐND tỉnh ban hành 15 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 47 văn bản liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”... được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai sâu rộng, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng nông thôn mới tại địa phương...

Triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Lâm nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích, đồng thời chú trọng khâu chế biến gỗ xuất khẩu. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố vững chắc đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn được giữ vững, an toàn và ổn định.

Trong giai đoạn đầu, các nguồn lực được tập trung đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Giai đoạn 2011-2015, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng phát triển toàn diện, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng tiểu ngành trong hệ thống nông nghiệp bền vững để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ phát triển bình quân ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2,97%. Tỷ trọng kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm so với giai đoạn 2011-2015 nhưng đã đi vào chiều sâu, sản xuất dần chuyển dịch theo hướng hàng hóa, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, hoàn thiện mẫu mã, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường và kết nối sản xuất, tiêu thụ. Bình quân giá trị sản xuất theo giá hiện hành trong giai đoạn đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 1.685 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015.

Trong giai đoạn này, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đã được ban hành; nhiều chương trình được triển khai mạnh mẽ và đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tạo nên làn sóng phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các địa phương đã mạnh dạn đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống. Các sản phẩm OCOP của tỉnh được thị trường tin dùng và hướng đến xuất khẩu.

Lĩnh vực chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Phương thức chăn nuôi có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại sản xuất hàng hóa; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nghiên cứu, bảo tồn hệ sinh thái đặc dụng, bảo vệ quỹ gen, bảo đảm đa dạng sinh học được quan tâm. Đến nay, tổng diện tích đất có rừng đạt trên 356.850ha/413.514ha đất lâm nghiệp, chiếm 86%; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 273.329ha, diện tích rừng sản xuất là 83.520ha. Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 55,5% năm 2008 lên 73,4% vào năm 2020, đưa Bắc Kạn thành tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước.

Hệ thống đường giao thông nông thôn cơ bản hoàn thiện. Ảnh: Làm đường bê tông GTNT tại huyện Bạch Thông.

Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt nông thôn được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn, toàn tỉnh đã huy động được 16.692 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn doanh nghiệp, người dân, cộng đồng đóng góp. Đến nay, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2020, tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,36% (tăng 28,36% so với năm 2008); tỷ lệ số hộ dân sử dụng điện đạt hơn 97%. 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, với quy mô giao thông nông thôn loại B trở lên.

Hệ thống y tế được đầu tư hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Trong đó đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 8/8 bệnh viện huyện, thành phố và các trạm y tế xã (đến năm 2020 có 91% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế). Tổng số bác sĩ trên địa bàn là 520 bác sĩ; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 16,54%. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Qua 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho đại bộ phận Nhân dân ở vùng nông thôn của tỉnh./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202108/nghi-quyet-26-lam-thay-doi-can-ban-dien-mao-nong-thon-bac-kan-9c556ce/