Nghị quyết 42 - Ấm lòng giữa đại dịch

Đây là một trong những thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương diễn ra đầu tháng 4/2020. Vài ngày sau đó, tại Chương trình Tọa đàm 'Đối thoại - Vượt qua đại dịch: Quyết định chưa có tiền lệ', Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh: 'Trong cuộc chiến chống dịch Covid – 19, đối tượng lao động (LĐ) tự do bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất. Do đó, khó mấy chúng ta vẫn phải làm và phải tìm cách để làm nhanh nhất, hạn chế sai sót và quyết không bỏ sót'.

Nghị quyết 42 - Ấm lòng giữa đại

Bài 1: Thêm động lực vững tin vào cuộc sống

Bài 2: “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19”

 Lao động tự do nhận tiền hỗ trợ tại xã Phong Nẫm – TP. Phan Thiết.

Lao động tự do nhận tiền hỗ trợ tại xã Phong Nẫm – TP. Phan Thiết.

Việc làm ý nghĩa, nhân văn

Xã Phong Nẫm – TP. Phan Thiết là địa bàn đầu tiên của tỉnh Bình Thuận chi hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho nhóm đối tượng người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm do đại dịch Covid -19, mỗi LĐ tự do được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng tiền mặt. Đây là việc làm ý nghĩa, nhân văn, kịp thời nhằm giúp người LĐ tại địa bàn này vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định cuộc sống. Khi xảy ra đại dịch, rồi giãn cách xã hội, rất nhiều LĐ tự do, buôn gánh bán bưng, xe ôm, bốc vác… mất hẳn nguồn thu thập. Nhiều gia đình lâm vào thế khó, hoàn cảnh thực sự bi đát, chỉ biết phó mặc cho số phận. Trường hợp anh Hồ Hữu Phước, nhà ở thôn Xuân Hòa, xã Phong Nẫm là một ví dụ. Anh Phước cho biết, trong mùa dịch Covid-19, chiếc xe máy cà tàng để chở khách thuê của anh ngưng hoạt động, đồng nghĩa với các miệng ăn trong gia đình bữa đói bữa no. Hôm nhận được tiền hỗ trợ, cầm trên tay 1 triệu đồng, anh Phước vui mừng lắm, ánh mắt sáng lên một niềm hy vọng vào Đảng, Nhà nước luôn bên cạnh quan tâm, giúp đỡ người dân khó khăn như anh cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Hôm đó, anh Phước đi thẳng ra chợ mua trứng, rau, củ, quả và ít gạo mang về nhà chuẩn bị bữa cơm trưa ngon miệng, đủ đầy, ấm áp tình thương cho các thành viên trong gia đình nghèo khó.

Còn bà Đỗ Thị Cái (70 tuổi), ở thôn Xuân Phú - xã Phong Nẫm từ khi có dịch đã nghỉ hẳn nghề bán xôi. Tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi chồng già bị bệnh phải nhờ hẳn vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, con cái và hàng xóm thân thuộc. Thế nên được nhận tiền trợ cấp, cầm 2 tờ 500.000 đồng trên tay, bà Cái hơi run run, không nghĩ mình được quan tâm như vậy. “Nay đã nhận được tiền rồi, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Đảng và Chính phủ đã quan tâm đến đời sống người dân chúng tôi. Mong rằng những LĐ nghèo tiếp tục được Nhà nước quan tâm để đời sống bớt khổ hơn”.

Bà Phan Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho biết: Sau khi hoàn tất việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 42 cho các đối tượng chính sách, địa phương đã nhanh chóng triển khai rà soát danh sách LĐ tự do để TP. Phan Thiết thẩm định, sau đó gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh phê duyệt. Công tác lập hồ sơ được chính quyền xã thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng. Việc chi trả kinh phí hỗ trợ các LĐ tự do được xã triển khai đầy đủ, kịp thời. “Ban đầu, người dân cũng bỡ ngỡ trong việc làm hồ sơ nhận trợ cấp. Tuy vậy, với tinh thần làm việc không mệt mỏi, các cán bộ đã cố gắng chi tiền hỗ trợ đến đúng người, không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách” – bà Hà chia sẻ. Xã Phong Nẫm có 116 LĐ tự do, đến thời điểm này, đã hoàn tất chi trả đợt 1 đối với 99 trường hợp với tổng số tiền 99 triệu đồng. Các trường hợp còn lại đang tiếp tục đối chiếu, rà soát, xác minh lại và sẽ trao trong thời gian tới sau khi có quyết định của tỉnh.

Rà soát thật kỹ từng bước, thận trọng

Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, sau khi hoàn thành chi trả cho nhóm đối tượng chính sách, Bình Thuận khẩn trương rà soát, lập danh sách cho nhóm đối tượng LĐ bị chấm dứt hợp đồng LĐ; hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc. Ngay từ khi triển khai Nghị quyết 42, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa đã nhận định: Người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm là khó xác định nhất. Bởi vì nhóm người này làm việc tự do, công việc mang tính chất không ổn định (một người có thể làm nhiều công việc ở nhiều nơi khác nhau) và do không có giao kết hợp đồng LĐ nên không bị ràng buộc về quan hệ LĐ theo quy định của pháp luật. Dù khó xác định nhưng đây là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện cần phải rà soát thật kỹ, từng bước, thận trọng.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tiểu thương, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, LĐ tự do bị tác động mạnh. Chính vì vậy, tỉnh đã huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là chính quyền các địa phương. Mặc dù đối với nhóm đối tượng LĐ tự do vẫn còn một số vấn đề cần xác định thông tin. Nhưng quan điểm của tỉnh là tiếp tục rà soát, công khai danh sách tại UBND xã, phường, có sự giám sát của chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các bên liên quan và người dân. Từ đó, đảm bảo việc hỗ trợ công khai, minh bạch, khách quan, đúng đối tượng, đúng pháp luật. Nhờ đó, tính đến ngày 6/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ cho 15.145 người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng LĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người LĐ bị chấm dứt hợp đồng LĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm và hộ kinh doanh với tổng số tiền 15,36 tỷ đồng. TP. Phan Thiết là địa phương tổ chức chi đầu tiên của tỉnh vào ngày 5/6. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định hồ sơ đối tượng: người LĐ, hộ kinh doanh trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ tại các địa phương, kịp thời xử lý những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền.

Đến ngày 6/8, toàn tỉnh có 14.706 hồ sơ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; 7 hồ sơ lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 277 hồ sơ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương và 155 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm được nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 15,36 tỷ đồng.

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/nghi-quyet-42-am-long-giua-dai-dich-bai-2-130327.html