Nghị quyết 43/2022/QH15 - gốc rễ của sự phục hồi ấn tượng

Bất chấp nhiều nền kinh tế trên thế giới gặp khó khăn và suy giảm tăng trưởng, kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. Gốc rễ của thành quả này, bên cạnh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước, chính là Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội với một kế hoạch hỗ trợ bài bản, toàn diện; các chính sách đúng đắn, kịp thời và lộ trình phù hợp.

Cách đây một tháng, báo Financial Times (Anh) đăng bài viết ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm 7 nền kinh tế nổi bật khi thế giới đang nhiều khó khăn. Các nước còn lại gồm Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản.

Tác giả bài viết là ông Ruchir Sharma, Chủ tịch của Rockerfeller International và là cựu chiến lược gia tại Công ty quản lý Quỹ đầu tư Morgan Stanley. Ông cũng từng xuất bản cuốn sách "Quốc gia thăng trầm", lý giải sự lên - xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Theo ông Ruchir Sharma, điểm chung của các nền kinh tế này là tăng trưởng tương đối cao, lạm phát vừa phải hoặc lợi nhuận thị trường chứng khoán cao so với các nền kinh tế khác.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, nhất là quý III tăng tới 13,67%. Các khu vực của nền kinh tế và hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, có trên 163.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 33,6% so với cùng kỳ, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chính phủ cũng dự kiến năm nay sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Có nhiều yếu tố giúp kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng, trong đó gốc rễ là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước; các quyết sách phù hợp, chủ động của Quốc hội - mà đặc biệt là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là Nghị quyết 43). Tại sao nói như vậy?

Trước hết, Nghị quyết 43 tập hợp những chính sách hỗ trợ đúng đắn, khả thi được xây dựng dựa trên cả kinh nghiệm thực tiễn và những luận cứ khoa học sáng rõ đúc rút từ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối năm 2021, ngay trước thềm Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử Quốc hội.

Nhìn lại thời điểm dự thảo Nghị quyết 43 được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, lúc đó dịch bệnh đã được kiểm soát một bước nhưng tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, tổng cầu trong nước suy giảm nghiêm trọng. Phản ứng chính sách lúc đó phải nhằm nâng tổng cầu của thị trường trong nước, bởi tổng cầu giảm thì không thể phục hồi kinh tế được - đơn giản là sản xuất thật nhiều rồi bán cho ai? Trong số 2 việc Nhà nước có thể làm được lúc đó, thì tăng chi tiêu của Chính phủ không có cơ sở, trừ chi tiêu cho phòng chống dịch, trong khi tăng đầu tư công là giải pháp phù hợp hơn vì vừa giúp tăng tổng cầu vừa giải quyết vấn đề thất nghiệp đang hết sức cấp bách. Tăng cường đầu tư công là vấn đề chỉ Quốc hội mới giải quyết được!

Trên thực tế, Quốc hội đã quyết định quy mô gói hỗ trợ khoảng 350 nghìn tỷ đồng chia thành 4 nhóm giải pháp. Trong đó, quy mô của các giải pháp thuộc nhóm chính sách tài khóa lên tới hơn 237,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,53%. Kế đến là các giải pháp thuộc chính sách tiền tệ với 46 nghìn tỷ đồng, tương đương 13,26%. Các giải pháp thuộc nhóm chính sách an sinh xã hội khoảng 53,1 nghìn tỷ đồng, tương ứng 15,55%. Cuối cùng là các giải pháp khác khoảng 10 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,88% tổng giá trị Chương trình phục hồi.

Nhìn vào cơ cấu này có thể thấy Quốc hội đã cân nhắc rất thận trọng để tránh sự chồng lấn giữa các giải pháp ở trong cùng một nhóm chính sách hay giữa các nhóm chính sách với nhau. Các chính sách tập trung chủ yếu vào nhóm tài khóa, trong đó chi cho đầu tư phát triển; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; và hỗ trợ 2% lãi suất là những giải pháp trọng tâm.

Nếu như ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mang lại tác động trực tiếp và nhanh chóng, thì việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng một mặt tạo việc làm trong ngắn hạn, mặt khác mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững trong dài hạn của đất nước. Kèm theo đó, Quốc hội cho phép Chính phủ áp dụng một loạt cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách cũng chính là sáng kiến lập pháp của Quốc hội nhằm giải bài toán thiếu vốn trầm trọng của doanh nghiệp lúc bấy giờ.

Đặc biệt, ngay lúc xem xét, ban hành Nghị quyết 43, Quốc hội đã nhìn xa, tính trước tầm quan trọng của ổn định kinh tế vĩ mô với sự phục hồi và phát triển của đất nước. Còn nhớ tại thời điểm đó, không ít ý kiến cho rằng quy mô gói hỗ trợ chừng 4,05% GDP của nước ta có phần khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới. Thực tế thì nhiều người thường nhầm lẫn giữa ước vọng với nhu cầu, rồi lại nhầm lẫn lần nữa khi tưởng có nhu cầu là khả thi! Trong chuyện hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội cũng vậy! Ai chẳng muốn quy mô gói hỗ trợ lớn hơn, hoành tráng hơn nhưng vấn đề là phải tỉnh táo để xem ước vọng đó có khả thi không. Và Quốc hội không chỉ “biết người, biết ta”, “liệu cơm gắp mắm” mà còn đặt nền tảng vững chắc cho ổn định kinh tế vĩ mô. Bằng chứng là quy mô gói hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và các chính sách đưa ra đã được Quốc hội tính toán kỹ lưỡng để có thể phối hợp tốt với nhau, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng đồng thời vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Chính sách đúng đã quan trọng, chính sách được ban hành kịp thời cũng quan trọng không kém. Đứng trước yêu cầu cấp thiết của đất nước và sự chuẩn bị chu đáo trước đó, ngày 4.1.2022, Quốc hội Khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử bằng hình thức trực tuyến, xem xét và quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, có tính chất cấp bách hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày bế mạc Kỳ họp (11.1) cũng chính là ngày Nghị quyết 43 có hiệu lực thi hành để Chính phủ sớm triển khai thực hiện, qua đó tận dụng được thời cơ tổng cầu thế giới tăng trở lại sau dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điểm qua một số chi tiết như vậy để thấy bên cạnh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước thì các quyết sách phù hợp, chủ động của Quốc hội - mà đặc biệt là Nghị quyết 43 - là yếu tố quan trọng giúp kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ. Thành công này chính là tiền đề để Quốc hội tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò chủ động, tiên phong trong xây dựng và thúc đẩy các chính sách lớn đóng góp cho phát triển quốc gia.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nghi-quyet-432022qh15---goc-re-cua-su-phuc-hoi-an-tuong-i304779/