Nghị quyết 68 không chỉ khai mở cho kinh tế tư nhân, mà còn thay đổi căn bản tư duy quản trị quốc gia

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, với riêng cộng đồng doanh nhân tư nhân, Nghị quyết số 68/ NQ-TW không chỉ là sự cổ vũ lớn lao và tạo động lực kinh doanh, mà còn nền móng vững chắc để kiến tạo, khai phóng, khơi thông mọi khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; đặt doanh nhân tư nhân vào đường băng phát triển bền vững, không chỉ đồng hành mà còn giữ vị thế tiên phong, nòng cốt như chiếc động cơ được nạp đầy nhiên liệu để kéo cả nền kinh tế và xã hội vươn cao trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam.

Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết) về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam xin trân trọng giới thiệu những chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều - nguyên: Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; Thứ trưởng Bộ Nội vụ và hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) về ý nghĩa của Nghị quyết cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nhân tư nhân Việt Nam về Nghị quyết quan trọng, đột phá này.

Pv: Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTTN. Nghị quyết này ra đời có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng doanh nhân tư nhân Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Trong lần mới đây nhất, khi tôi cùng đoàn đại biểu các doanh nhân được tiếp xúc với Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng tôi đã cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến doanh nhân và KTTN. Trong cuộc gặp mặt đó, trước các ý kiến đề xuất, kiến nghị của chúng tôi về các khía cạnh trọng yếu như chính sách, vốn, năng lực quản trị và tầm nhìn phát triển doanh nghiệp, năng lực công nghệ và nghiên cứu phát triển (R&D), Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lắng nghe, chia sẻ và có những phản hồi, trao đổi rất sâu sắc và thiết thực.

Trước khi Nghị quyết ra đời, thông qua các chỉ đạo, bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư và các chủ trương gần đây của Đảng, giới doanh nhân đã cảm nhận được những tư tưởng, quan điểm, cách tiếp cận mới cũng như kỳ vọng, trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước đặt lên vai khu vực kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, trong giới nghiên cứu khoa học về lãnh đạo và quản lý, giới doanh nhân, các chuyên gia kinh tế đã rất nhanh chóng chia sẻ với nhau để cùng nghiên cứu, tìm hiểu và trao đổi nhận thức. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng to lớn, mở ra bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy sự vươn mình đột phá của KTTN.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, KTTN được xác định là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”, “giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường...”. Đây cũng là lần đầu tiên, doanh nhân - doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm cùng với nhân dân, trở thành mục tiêu để chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển.

Chỉ gói gọn trong 15 trang, nhưng Nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu cụ thể và đầy quyết tâm; quan điểm chỉ đạo rõ nét và sâu sát; các nhóm nhiệm vụ - giải pháp toàn diện và thực chất; lộ trình thể chế hóa rất quyết liệt để hiện thực hóa Nghị quyết vào chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không chỉ thể hiện tư duy đột phá, tầm nhìn xa, Nghị quyết còn thể hiện tư duy kế thừa và phát huy sứ mạng và những thành tựu mà tổ quốc, nhân dân trong đó có các doanh nhân đã đạt được sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm giành độc lập và 50 năm thống nhất đất nước.

Với riêng cộng đồng doanh nhân tư nhân, Nghị quyết không chỉ là sự cổ vũ lớn lao và tạo động lực kinh doanh, mà còn nền móng vững chắc để kiến tạo, khai phóng, khơi thông mọi khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; đặt doanh nhân tư nhân vào đường băng phát triển bền vững, không chỉ đồng hành mà còn giữ vị thế tiên phong, nòng cốt như chiếc động cơ được nạp đầy nhiên liệu để kéo cả nền kinh tế và xã hội vươn cao trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam.

Pv: Thưa ông, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đã có những thay đổi quan trọng, trong đó xác định KTTN là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN giữ “vai trò nòng cốt” để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; “phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài”; “xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của KTTN đối với phát triển đất nước…”. Ông đánh giá thế nào về những quan điểm chỉ đạo mới này? Quan điểm chỉ đạo đó có ý nghĩa thế nào với cộng đồng doanh nghiệp?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Các quan điểm chỉ đạo được nêu trong Nghị quyết đã kiến tạo cơ sở tư duy vững chắc để Nhà nước thể chế hóa đầy đủ, bố trí nguồn lực, xây dựng lộ trình và các chương trình hành động để đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Lúc đó, chúng ta sẽ được thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa của Nghị quyết trong việc giải phóng tối đa lực lượng sản xuất; thúc đẩy mọi tiềm năng, tiềm lực trong doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trở thành những nguồn lực mạnh mẽ đóng góp và dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Có thể nói, Nghị quyết có giá trị to lớn trong việc kích hoạt "ngọn lửa kinh doanh", mở rộng tầm nhìn và các giới hạn để phát huy sức mạnh tiềm tàng của giới doanh nhân.

Nhìn lại lại lịch sử, chúng ta có thể thấy, vào những năm 90 của thế kỷ trước, các Luật Công ty và Doanh nghiệp tư nhân ra đời được coi là nền tảng pháp lý đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của khu vực này. Năm 2000, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đã mở rộng và thừa nhận quyền tự do kinh doanh của người dân. Tới năm 2011, Việt Nam đặt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tư nhân được khuyến khích phát triển, tăng đầu tư và mở rộng xuất khẩu. Sau đó, khu vực này được nâng vai trò lên thành "động lực quan trọng" của nền kinh tế, được xác nhận tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Một trong những điểm nhấn hết sức có ý nghĩa là tháng 10/2023, Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc đã khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Như vậy, Nghị quyết số 68-NQ/TW ra đời không chỉ là sự phát huy cao độ tinh thần của các Nghị quyết trước khi khẳng định tầm quan trọng của khu vực KTTN mà còn tạo đột phá mới trong quan điểm chỉ đạo. Quan điểm chỉ đạo này thôi thúc khát khao kinh doanh, cống hiến trong cộng đồng doanh nhân tư nhân; đánh dấu bước ngoặt về vai trò của KTTN so với giai đoạn trước, khi Việt Nam chủ yếu dựa vào doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tôi tin rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ "tháo chốt" để KTTN nói chung và cộng đồng doanh nhân tư nhân nói riêng cất cánh, như thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là phát triển KTTN tạo đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.

Nhưng không chỉ vậy, việc mở ra tầm nhìn và dư địa phát triển mới, cũng như việc cải cách, hoàn thiện thể chế và thay đổi tư duy từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ và kiến tạo còn là sự thay đổi căn bản cách hoạch định và quản trị sự phát triển của một quốc gia, dân tộc; định vị lại vai trò, sứ mạng của từng thực thể trong hệ thống chính trị, xã hội và nền kinh tế. Chính vì vậy, ý nghĩa to lớn của Nghị quyết không chỉ trong phạm vi của kinh tế tư nhân.

Pv: Nghị quyết đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến 2030 và 2045. Ông có nhận định gì về mục tiêu này? Mục tiêu có quá thách thức không và những cơ sở nào để có thể tin tưởng vào mục tiêu này là khả thi, thưa ông?

Pv: Nghị quyết đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến 2030 và 2045. Ông có nhận định gì về mục tiêu này? Mục tiêu có quá thách thức không và những cơ sở nào để có thể tin tưởng vào mục tiêu này là khả thi, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể. Đó là phấn đấu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Mục tiêu mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra là hoàn toàn có cơ sở, nếu nhìn lại thực tế lịch sử đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực KTTN như thế nào. Chỉ sau vài chục năm đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế đa thành phần và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, KTTN đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, tương ứng với hơn 82% tổng lực lượng lao động.

Các định hướng chính sách ưu đãi về thuế cho DN mới, hỗ trợ về năng lực quản trị, tiếp cận tài nguyên, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính… như Nghị quyết nêu chắc chắn sẽ khuyến khích hàng triệu hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, đồng thời kiến tạo và nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh và làm giàu chính đáng của nhân dân. Không có gì ngạc nhiên nếu trong vài năm tới, số lượng DN tại Việt Nam sẽ tăng mạnh mẽ.

Kinh tế như dòng nước, chính sách như kênh dẫn. Kênh dẫn thông thoáng và đồng bộ, thì nước sẽ chảy mạnh, tương hỗ lẫn nhau, kéo đẩy lẫn nhau để trở thành dòng chủ lưu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Cần phải nói thêm, hiện nay nền kinh tế chưa được thống kê của Việt Nam còn khá lớn, một khi các quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu, quyền cạnh tranh được thực thi và bảo vệ như tinh thần Nghị quyết nêu, thì các dòng chảy ngầm sẽ lộ diện để hòa mình vào dòng chảy chung mãnh liệt của nền kinh tế.

Vừa qua, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty và Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Dorsati Madani khi chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ cũng đã nhấn mạnh khu vực tư nhân chính là tương lai của Việt Nam; trong tương lai không xa, dự kiến khu vực tư nhân đóng góp lên tới 70% GDP. Các chuyên gia này cũng cho rằng, phát triển KTTN là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Như vậy, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng vào mục tiêu mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra sẽ trở thành hiện thực.

Pv: Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Ông nghĩ sao về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này? Theo ông, đâu là nhiệm vụ, giải pháp đóng vai trò tiên quyết để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh, bền vững? Nói cách khác, điều mà các doanh nghiệp tư nhân mong muốn nhất hiện nay là gì, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Tôi cho rằng, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra thể hiện tư duy xuyên suốt, đồng bộ ở mức rất cao. Kinh tế cũng như quản trị, đều là khoa học của những lựa chọn tối ưu. Chính vì vậy, không thể tách rời các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để phân định đâu là nhóm quan trọng nhất. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được thiết kế để tương thích với mục tiêu, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo.

Nhưng có thể thấy, các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đặt theo các thứ tự logic khoa học rất cao, đi từ sự thay đổi tư duy và nhận thức; đến khơi gợi khát vọng và xung lực, khí thế; đến thực thi việc cải cách, hoàn thiện thể chế; đến khai thông quyền tiếp cận nguồn lực; thúc đẩy khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết; hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn; hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh… Chúng tôi ví các nhóm nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết đưa ra như các bánh răng logic, khoa học, trình tự và đồng bộ, chứ không phải là là xếp đặt theo mức độ quan trọng.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ tám, “Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước”, không phải là nhóm giải pháp ít quan trọng hơn. Mà ngược lại, điều này rất quan trọng vì nó thể hiện đậm nét bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp này giúp cho mọi khu vực, thành phần trong nền kinh tế và xã hội đều có cơ hội giải phóng tối đa sức sản xuất, phát triển kinh doanh, tham gia làm chủ đất nước, được hưởng thành quả của sự phát triển và sự tái phân phối thu nhập, của cải xã hội. Đó mới là mục tiêu đích thực của sự phát triển, thể hiện thực chất nhất chủ trương lấy nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm của nhà nước kiến tạo, phục vụ.

Điều mà doanh nhân mong muốn, cũng như toàn thể nhân dân Việt Nam mong muốn, đã được phản ánh toàn diện và sâu sắc trong Nghị quyết này. Tôi tin rằng, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và tư duy đột phá, trí tuệ như Đảng và Nhà nước đã thể hiện trong thời gian qua, việc thể chế hóa và tốc độ thực thi sẽ được đẩy nhanh, đồng bộ và khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN và nền kinh tế nói chung vươn mình lớn mạnh. Phần còn lại phụ thuộc vào chính khát vọng, tài năng, năng lượng, khí phách tiềm tàng sâu thẳm trong mỗi doanh nhân - những người đã chính thức được Đảng và Nhà nước trao gửi trọng trách tiên phong, nòng cốt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nghi-quyet-68-khong-chi-khai-mo-cho-kinh-te-tu-nhan-ma-con-thay-doi-can-ban-tu-duy-quan-tri-quoc-gia.html