Nghị quyết 68-NQ/TW: Bước ngoặt mới trong thu hút đầu tư nước ngoài

Đối với giới đầu tư nước ngoài, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra thông điệp rõ ràng và đầy sức nặng rằng, Việt Nam sẵn sàng chào đón dòng vốn quốc tế.

Nghị quyết 68-NQ/TW mang tính đột phá và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Trong ảnh: Công ty USM (Nhật Bản). Ảnh: Đức Thanh

Nghị quyết 68-NQ/TW mang tính đột phá và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Trong ảnh: Công ty USM (Nhật Bản). Ảnh: Đức Thanh

Bước chuyển chiến lược

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW, đánh dấu một bước chuyển chiến lược quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Nghị quyết đề ra hàng loạt cải cách toàn diện nhằm hoàn thiện quản trị thị trường, củng cố khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đối với giới đầu tư nước ngoài, đây là một thông điệp rõ ràng và đầy sức nặng rằng, Việt Nam sẵn sàng chào đón dòng vốn quốc tế, không chỉ ở khía cạnh tiếp cận thị trường, mà còn trong việc kiến tạo một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và dựa trên nguyên tắc pháp quyền - những yếu tố ngày càng được nhà đầu tư toàn cầu đánh giá cao.

Một trong những điểm nổi bật nhất của Nghị quyết 68-NQ/TW là sự tập trung trở lại vào việc cải thiện khung pháp lý và môi trường quản trị của Việt Nam. Các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư dài hạn, luôn coi trọng tính dự báo và tính minh bạch. Nghị quyết kêu gọi số hóa hệ thống hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà, đơn giản hóa quy trình cấp phép và tăng cường tính minh bạch trong quản lý khu vực công. Những cải cách này tác động trực tiếp đến quyết định phân bổ vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với mục tiêu triển khai quy trình đầu tư, tiếp cận đất đai, thủ tục hải quan và đăng ký kinh doanh một cách đơn giản hóa, Việt Nam đang chủ động giảm thiểu những rào cản vốn thường gặp tại các nền kinh tế đang phát triển. Đối với các công ty đang mở rộng cơ sở sản xuất hoặc tìm kiếm điểm đến mới trong khu vực, những thay đổi này không chỉ thuận tiện, mà còn là yếu tố nền tảng quyết định cho các chiến lược đầu tư của họ.

Nghị quyết 68-NQ/TW tái định hướng sự chú ý và các chính sách ưu đãi vào các lĩnh vực công nghệ cao, xanh và dựa trên tri thức, bao gồm năng lượng tái tạo, điện tử tiên tiến, dịch vụ số và logistics - những ngành mà nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện mạnh mẽ và đang mong muốn mở rộng quy mô tại Việt Nam. Bằng cách điều chỉnh các ưu đãi chính sách theo hướng phù hợp, Việt Nam đang đón đầu dòng vốn ngoại vào các lĩnh vực này trong tương lai.

Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đề xuất cải cách mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp nhà nước - khu vực vốn được xem là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là điểm nghẽn về hiệu quả đầu tư do quy mô lớn. Bằng việc nâng cao quản trị, bắt buộc niêm yết cổ phiếu và thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh, Chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các lĩnh vực vốn được thống trị bởi doanh nghiệp nhà nước, đồng thời lan tỏa lợi ích kinh tế đến toàn bộ các thành phần khác tham gia thị trường.

Những thay đổi này mang lại nhiều tác động tích cực. Các nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét các mô hình liên doanh hoặc đối tác công - tư sẽ có cái nhìn rõ ràng và sự yên tâm hơn về môi trường hiện tại. Điều này cũng mở ra các cơ hội mua bán - sáp nhập hoặc đầu tư thiểu số vào các doanh nghiệp có liên kết nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như giao thông, năng lượng và hạ tầng.

Thị trường vốn và các yếu tố bất định

Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, Nghị quyết 68-NQ/TW mang đến nhiều triển vọng tích cực. Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển chiều sâu cho thị trường vốn thông qua việc nâng cao chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, số hóa hệ thống công bố thông tin, đẩy mạnh việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân quy mô lớn. Những bước đi này góp phần tăng tính minh bạch và mở rộng số lượng doanh nghiệp niêm yết đáng tin cậy trên thị trường.

Đây là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đặc biệt là những quỹ đang lấy Việt Nam làm chỉ số tham chiếu trong các rổ đầu tư của các thị trường mới nổi. Khi độ sâu và thanh khoản của thị trường được cải thiện, Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn hơn với các quỹ hưu trí, quỹ tài sản quốc gia và các nhà quản lý tài sản đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa tại châu Á. Trong vài năm qua, thị trường Việt Nam thiếu vắng các đợt phát hành cổ phiếu mới cũng như việc niêm yết mới và Nghị quyết 68-NQ/TW hướng tới trực tiếp giải quyết vấn đề này.

Nghị quyết 68-NQ/TW tái định hướng sự chú ý và các chính sách ưu đãi vào các lĩnh vực công nghệ cao, xanh và dựa trên tri thức, bao gồm năng lượng tái tạo, điện tử tiên tiến, dịch vụ số và logistics - những ngành mà nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện mạnh mẽ và đang mong muốn mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Việc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện IPO, phát hành trái phiếu và thu hút đầu tư chiến lược vào vốn cổ phần cũng sẽ mở rộng phạm vi đầu tư tiềm năng. Điều này phù hợp với xu hướng gia tăng sự quan tâm từ các quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các câu chuyện tăng trưởng năng động trong khu vực tư nhân của Việt Nam.

Một điểm nổi bật đáng chú ý của Nghị quyết 68-NQ/TW là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Thừa nhận khu vực tư nhân là động lực chính tạo việc làm và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết hướng đến cải thiện khả năng tiếp cận vốn, đơn giản hóa hệ thống thuế và giảm gánh nặng thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng nhanh, nhóm này thường bị các ngân hàng truyền thống ở Việt Nam bỏ qua, sẽ được hưởng lợi từ các cải cách để thúc đẩy cho vay dựa trên dòng tiền và cơ chế đánh giá tín dụng mới. Những cải cách này nhằm chuyển dịch hệ thống ngân hàng Việt Nam thoát ra khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào tài sản thế chấp, hướng đến nguồn vốn năng động hơn dựa trên hiệu quả kinh doanh thực tế.

Song song đó, Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đưa ra các quy định pháp lý rõ ràng hơn và chính sách ưu đãi cho các khoản đầu tư giai đoạn đầu, cơ chế cùng đầu tư và sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ gia tăng niềm tin của các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần trong khu vực, đang cân nhắc gia nhập thị trường khởi nghiệp ngày càng cạnh tranh của Việt Nam.

Nghị quyết 68-NQ/TW cũng tái khẳng định cam kết đảm bảo chính sách ưu đãi thuế ổn định và có thể dự đoán được cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hoặc các khu vực còn kém phát triển. Quan trọng hơn, Nghị quyết đảm bảo sự rõ ràng trong các quy định về chuyển giá, thủ tục thuế giá trị gia tăng (VAT) và thông quan hải quan.

Tính nhất quán trong điều hành và việc hạn chế sự tùy tiện ở cấp địa phương sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu lo ngại vận hành và rủi ro bị hồi tố. Với các nhà đầu tư đang cân nhắc tái đầu tư, sự ổn định chính sách này thường quan trọng không kém các ưu đãi ban đầu khi gia nhập thị trường.

Chuỗi cung ứng và hội nhập khu vực

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp quốc tế chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc. Việc Nghị quyết 68-NQ/TW tập trung vào nâng cấp ngành công nghiệp, phát triển logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân càng củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm chiến lược cho sản xuất giá trị cao và kết nối của khu vực.

Thông qua việc điều chỉnh đồng bộ các khuôn khổ pháp lý, tài khóa và thể chế phù hợp với những mục tiêu này, Việt Nam đang củng cố sức hấp dẫn trong mắt các tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc địa điểm đầu tư tiếp theo.

Mặc dù Nghị quyết 68-NQ/TW mang tính đột phá và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhưng hiệu quả của nó vẫn phụ thuộc lớn vào khâu triển khai.

Trên thực tế, Việt Nam từng gặp khó khăn trong việc chuyển hóa chính sách trung ương thành hành động nhất quán ở địa phương. Tuy nhiên, với tiến trình cải cách thể chế đang diễn ra khá trôi chảy trong năm 2025, bao gồm việc sáp nhập các bộ, ngành, tái cấu trúc cấp tỉnh và chính quyền địa phương được cộng đồng ủng hộ, đây là thời điểm chín muồi để thúc đẩy những thay đổi tiếp theo một cách toàn diện hơn.

Mặc dù không phải là một bộ luật, Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành như một chỉ đạo chính trị ở cấp cao nhất, giao nhiệm vụ cụ thể cho mọi cấp chính quyền thực hiện, biến chính sách thành lợi ích thiết thực.

Những năm gần đây, Việt Nam đã xây dựng được hồ sơ cải cách vững chắc, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến tự do hóa thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang ở mức cao và các cải cách pháp lý gần đây được cộng đồng quốc tế đón nhận tích cực, kỳ vọng vào hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày càng gia tăng.

Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước tiến chiến lược trong hành trình đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư quốc tế. Văn kiện này không chỉ giải quyết các thách thức mang tính cơ cấu kéo dài, mà còn hòa nhập với các chuẩn mực và kỳ vọng toàn cầu về đầu tư. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Nghị quyết tạo ra sự rõ ràng, đồng thuận và mở rộng cơ hội. Đối với dòng vốn gián tiếp (FII), Nghị quyết giúp mở rộng chiều sâu thị trường, cải thiện quản trị và gia tăng số lượng tài sản có thể đầu tư.

Khi vị thế kinh tế của Việt Nam trong khu vực tiếp tục gia tăng, Nghị quyết 68-NQ/TW được kỳ vọng sẽ được ghi nhớ như chính sách đặt nền móng cho làn sóng đầu tư nước ngoài, đổi mới và tăng trưởng bền vững kế tiếp và trở thành trụ cột cho khát vọng phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Matthew Lourey (Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Alitium)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nghi-quyet-68-nqtw-buoc-ngoat-moi-trong-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-d283361.html