Nghị quyết 68 và khát vọng quốc gia hùng cường từ khu vực kinh tế tư nhân: Doanh nhân, từ bị chối bỏ đến được tôn vinh!
'Doanh nhân là những người lính tiên phong trên mặt trận xóa đói giảm nghèo' là cách ví von rất sâu sắc và chính xác trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay. Mới đây, Nghị quyết số 68-NQ/TW, được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ngày 4/5/2025, là văn kiện quan trọng của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân.
Lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân bằng một văn bản do Bộ Chính trị ban hành.
Từ “con buôn” đến “doanh nhân”
Trước Đổi mới, hoạt động kinh doanh của người dân bị coi là tư bản, là “buôn bán bóc lột”, ngôn từ có tính miệt thị nặng nề về nhân cách nên những người làm kinh tế tư nhân thường bị nhìn với ánh mắt xem thường, khinh miệt. Thậm chí doanh nhân còn bị coi là đối tượng “tư sản” cần phải đánh đổ, nhường lại không gian sống cho tầng lớp công nông.
Nhớ lại thời kỳ đó, bà Phạm Thị Nguyệt, một doanh nhân đời đầu bày tỏ: “Đó là một thời kỳ khủng khiếp. Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, thiếu đói triền miên, nhà đông con, cùng nhau chung sống trong gian nhà tập thể cấp bốn tồi tàn dột nát, điện nước phập phù”.
Ở đã vậy còn cái ăn nữa, không thể dựa vào tiêu chuẩn tem phiếu của nhà nước khi lũ trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Mỗi sáng bà phải dậy từ hai ba giờ sáng để xếp hàng mua lương thực thực phẩm nhưng hôm được hôm không. Rồi bà bỗng nảy ra ý định, thu gom tem phiếu của những người có nhu cầu, cũng một công việc xếp hàng rồi mua tiêu chuẩn của họ, mang bán lại cho những người có nhu cầu kiếm chút chênh lệch. Vậy là bà trở thành “con phe” trong mắt dân chúng.
Biết là bị khinh miệt nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, bà phải dấn thân vào thương trường, tự cứu mình trước khi “Trời cứu”. Khi đã có chút vốn liếng, bà theo bạn nhảy tàu vào Sài Gòn, nơi mà nền kinh tế hàng hóa hoạt động khá nhộn nhịp để thu gom những mặt hàng mà ngoài Hà Nội không có. Rồi bà trở thành một thương nhân tự do từ lúc nào không hay.
Sau Đổi mới (1986), đặc biệt là đến thập niên 1990, Nhà nước bắt đầu thừa nhận nền kinh tế hàng hóa. Hơn thế là khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư kinh doanh. Đầu tiên đó là sự dẹp bỏ hàng ngàn trạm kiểm soát bám dọc theo trục quốc lộ Bắc - Nam và các tuyến đường liên tỉnh. Nhờ đó bà có thể gom hàng đánh từ Nam ra Bắc theo kiểu buôn chuyến mà không phải lén lút, không sợ bị tịch thu.
Đời sống nhờ đó mà khá giả lên, bà bắt đầu thuê người làm và trả công xứng đáng. Khi buôn bán đã trở thành một nghề bà có của ăn của để, thuê mướn hàng chục nhân công nhưng quan niệm xã hội vẫn còn chậm thay đổi. Doanh nhân thời đó thường bị gọi là “đầu cơ tích trữ”, “con buôn” chứ chưa được gọi trân trọng là “doanh nhân” như bây giờ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu
Rủi ro khi thiếu một hành lang pháp lý!
Nhớ lại đời sống doanh nhân thời mới mở cửa, ông Nguyễn Đức Chi, doanh nhân từ Đông Âu trở về, hiện là Chủ tịch Crystal Bay bày tỏ: “Từng là du học sinh, chúng tôi đi học với sứ mệnh là tiếp thu tri thức nhưng cùng với đó là niềm hy vọng của gia đình trong việc xóa đói giảm nghèo. Được xuất ngoại coi như một bước lên thiên đường. Để có có tiền về giúp gia đình, mỗi sinh viên trước khi bay đều huy động vốn từ anh em họ hàng, gom những thứ mà bên Đông Âu họ cần. Thời đó, chủ yếu là quần bò, áo phông, thậm chí là đồ lót phụ nữ. Để qua được cửa khẩu Hải Quan, mỗi sinh viên đều mặc dăm bộ quần áo vào người đi lặc lè như Phật Di Lặc”.
Thời đó, môi trường pháp lý còn sơ khai, luật DN chưa rõ ràng. Không có một văn bản nào cấm sinh viên xuất ngoại mang hàng ra nước ngoài nhưng hải quan vẫn có thể tịch thu của sinh viên nếu họ muốn.
Việc buôn bán, kinh doanh thường phải dựa vào quan hệ, thậm chí “lách luật”, vì khuôn khổ pháp lý và hành chính chưa minh bạch. Đặc biệt là trong môi trường ở Liên Xô vào giai đoạn cuối trước khi tan rã, luật pháp nhà nước rất yếu. Nhiều sinh viên phải liều mình đi đêm với các cơ quan quyền lực như cảnh sát, hải quan để gom hàng đưa về nước.
Những doanh nhân đời đầu nếu giỏi quan hệ, giỏi lách luật có thể giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng có thể trắng tay, bị bắt, bị tịch thu tài sản nếu không “đi đúng lề đường đỏ”. Thậm chí có không ít doanh nhân không chỉ trắng tay mà còn phải vướng lao lý, thụ án dăm bảy năm trời. Bản thân ông Chi cũng vướng lao lý chỉ vì tội: “buôn bán vòng vo thu lợi bất chính”. Giờ nhắc lại điều này thấy có vẻ sai sai vì đã là thương trường thì thuận mua vừa bán còn hàng hóa là những thứ luân chuyển từ nơi sinh ra đến nơi có nhu cầu, vậy thôi.
Ông Trần Mạnh Hoài - Chủ tịch Phú Đông Group tâm sự rằng, từng là cử nhân kinh tế, công chức nhà nước, sống bằng đồng lương eo hẹp trong khi bản thân ông nhìn thấy vô số cơ hội có thể kiếm được tiền. Nhưng làm thế nào để kinh doanh là chuyện không dễ. Muốn nhảy ra ngoài bươn chải với đời nhưng thiếu vốn, không có hệ thống hỗ trợ vốn, bảo hiểm kinh doanh, hay tư vấn phát triển như ngày nay. Rồi ông cũng dò dẫm làm từ những thương vụ nhỏ, âm thầm tích lũy nguồn lực, vừa làm, vừa học, vừa đối phó với biến động chính sách, vừa xây dựng hệ thống quản lý từ con số 0 để rồi gây dựng nên một DN có thương hiệu, có độ phủ sóng thị trường trên toàn quốc.
Kể lại chuyện này để thấy rằng, doanh nhân Việt ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và có số phận đặc biệt. Họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để rồi từng bước khẳng định bản thân, tạo dựng sự nghiệp to lớn đồ sộ.
Doanh nhân Việt xứng đáng được tôn vinh!
Nói như vậy không hẳn là trong cộng đồng doanh nhân Việt mọi thứ đều tuyệt hảo. Vẫn còn đó một số doanh nhân “giàu nhanh”, “thành công bất thường”, nhất là khi gắn với các vụ thao túng chứng khoán. Cùng với đó là những sai phạm về đất đai, lách luật, trốn thuế, thiếu minh bạch trong một số thương vụ “từ thiện”.
Điều này giải thích vì sao thái độ của người dân đối với tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay là một bức tranh đa chiều, phản ánh cả sự ngưỡng mộ, kỳ vọng, lẫn hoài nghi, phê phán. Điều này bắt nguồn từ những thay đổi lịch sử, tâm lý xã hội và cách hành xử thực tế của chính doanh nhân trong xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, người viết bài này mỗi khi vào gara ôtô nhìn thấy hàng chục chiếc xe hơi mang thương hiệu Vinfast, Thaco… Đi ra phố nhìn thấy những công trình đang được xây dựng hoành tráng với những bó thép mang thương hiệu Hòa Phát, cửa nhôm kính mang thương hiệu Euro Window… lòng lâng lâng không khỏi tự hào.
Những ai từng sống qua thời kỳ đói kém, khan hiếm hàng hóa mới thấy giá trị to lớn của những thành tựu kinh tế ngày hôm nay trong đó có những đóng góp rất quan trọng của các doanh nhân Việt.