Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân: Bệ phóng cho công nghiệp văn hóa

Sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới được giới chuyên gia nhìn nhận là bước đột phá trong tư duy và hoạch định chính sách phát triển kinh tế. Nghị quyết cũng được xem là 'cú hích' chính sách quan trọng, giúp tháo gỡ điểm nghẽn để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa bền vững...

Không gian sáng tạo tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: P. Sỹ.

Không gian sáng tạo tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: P. Sỹ.

Văn hóa sáng tạo trước vận hội mới

Xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với lĩnh vực văn hóa, thì đây chính là thời cơ để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa, từ sản xuất – phân phối – tiêu thụ đến xuất khẩu.

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này – từ xuất bản, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đến thiết kế, quảng cáo và sản xuất nội dung số gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn lực, chính sách ưu đãi và không gian phát triển.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Nghị quyết 68 là một dấu mốc quan trọng đối với toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân nói chung, đặc biệt mang lại kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo - một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng lâu nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, rào cản.

Theo ông Sơn, Nghị quyết xác lập rõ ràng vị thế của kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Điều này cũng đồng thời mở ra cơ hội để các doanh nghiệp văn hóa, sáng tạo được nhìn nhận đúng với vai trò của mình - không chỉ là người làm nghệ thuật hay nội dung, mà là những chủ thể sản xuất có đóng góp về GDP, việc làm, xuất khẩu giá trị tinh thần và định hình bản sắc quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập.

GS. TS. Từ Thị Loan - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Nghị quyết đồng thời mang lại nhiều thay đổi tích cực cho môi trường hoạt động của các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo như: Đề cao việc đổi mới cơ chế, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" trong quản lý văn hóa; chú trọng việc hỗ trợ tài chính và đào tạo nhân lực…

“Với những thay đổi quan trọng như vậy, Nghị quyết 68 hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo nói riêng, thúc đẩy sự phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia” - GS. TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Nghị quyết 68 cũng đồng thời nhấn mạnh đến việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân. Theo GS. TS Từ Thị Loan để tận dụng hiệu quả cơ hội từ Nghị quyết 68, các doanh nghiệp ngành văn hóa cần chủ động nâng cao năng lực nội tại (quản trị, sáng tạo, số hóa), kiến nghị kịp thời các chính sách cụ thể theo đặc thù từng phân ngành.

Đồng quan điểm, TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển, cho rằng Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc giảm phiền hà, tăng cường bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân và khơi thông mọi nguồn lực. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ và nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề cập đến việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ đất đai và thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các do-anh nghiệp văn hóa đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường...

Sản phẩm của “vua dép lốp” Nguyễn Tiến Cường trưng bày tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Sản phẩm của “vua dép lốp” Nguyễn Tiến Cường trưng bày tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Kỳ vọng vào một hệ sinh thái sáng tạo bền vững

Kỳ vọng từ động lực Nghị quyết 68, TS Phạm Việt Long cho rằng, với sự hỗ trợ từ các chính sách mới, các doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp văn hóa và sáng tạo có thể đầu tư mạnh mẽ hơn vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm văn hóa mang tính đặc trưng.

“Từ Nghị quyết 68, tôi tin rằng sẽ có một thế hệ doanh nghiệp tư nhân mới – vừa có năng lực thị trường, vừa có tinh thần văn hóa – góp phần làm nên một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, hiện đại và có sức cạnh tranh toàn cầu” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn kỳ vọng.

Theo ông Sơn, Nghị quyết lần này đã chính thức khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Và điều đó bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp văn hóa – nơi tư nhân chính là lực lượng năng động, nhạy bén, tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Với một khuôn khổ pháp lý minh bạch hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tôi tin rằng các do-anh nghiệp văn hóa tư nhân sẽ tự tin hơn để mở rộng đầu tư, phát triển sản phẩm, chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, khu vực tư nhân sẽ không chỉ dừng lại ở vai trò sản xuất và kinh doanh sản phẩm văn hóa, mà còn trở thành đối tác chiến lược trong việc bảo tồn, phát huy di sản, thúc đẩy giáo dục văn hóa cộng đồng, đồng hành cùng Nhà nước trong các chương trình xã hội hóa văn hóa – nghệ thuật, chuyển đổi số trong bảo tàng, di tích, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh – nhà sáng lập Lên Ngàn, nghệ sĩ đa phương tiện và giám tuyển nghệ thuật cho rằng, Nghị quyết 68 là một bước tiến quan trọng, góp phần bổ sung khung chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.

“Nghị quyết sẽ góp phần khơi thông những rào cản về pháp lý và thủ tục hành chính – vốn là lực cản đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, các quy định về hậu kiểm, quy trình xét duyệt và cấp phép sẽ được tinh gọn, minh bạch và phù hợp với đặc thù sáng tạo” – ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Khi Nghị quyết 68 được triển khai, vai trò của khối tư nhân - đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có sự chuyển biến rõ rệt, trở thành lực lượng trung tâm trong việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Quan trọng hơn, khối tư nhân sẽ góp phần hình thành một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa mang đậm bản sắc Việt, nơi giá trị văn hóa không chỉ được gìn giữ mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế và nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

(GS. TS Từ Thị Loan)

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghi-quyet-68-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-be-phong-cho-cong-nghiep-van-hoa-10306048.html