Nghị quyết 98/2023/QH15 - động lực mới phát triển TPHCM: Ưu tiên tập trung một số dự án có tác động lan tỏa
Theo dõi sát toàn bộ quá trình từ xây dựng, hoàn thiện, thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (có hiệu lực từ ngày 1-8-2023), TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, gửi đến Báo SGGP ý kiến tâm huyết.
4 lĩnh vực ưu tiên
Có hiệu lực từ ngày 1-8-2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố. Tuy nhiên, những kỳ vọng về tác dụng, hiệu quả của nghị quyết có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai. Nhìn vào các cơ chế trong nghị quyết, tôi thấy không nên dàn trải, vì nguồn lực con người có hạn.
Với 44 cơ chế, chính sách nghị quyết mang lại, TPHCM cần lựa chọn một số việc khả thi, có thể làm được ngay, vì thời gian thí điểm cũng chỉ có vài năm thôi; nguồn lực lại có hạn, nhất là nguồn lực con người. Nên ưu tiên tập trung vào một số dự án thật sự có tác động lan tỏa, để cùng với vùng Đông Nam bộ, TPHCM sẽ thu hút được các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn.
Cụ thể, đó là 4 vấn đề sau: Thứ nhất, nhanh chóng thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng, gỡ những nút thắt giao thông, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; thứ hai, nhanh chóng phát triển các dự án đô thị theo hướng mở của giao thông trên những con đường hiện hữu, qua đó khơi thông và thúc đẩy thị trường địa ốc; thứ ba, tận dụng những quy định mới để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức nhà nước; thứ tư là thúc đẩy xây dựng một số công trình văn hóa theo hình thức BOT.
Tôi cho rằng, trước mắt nên quan tâm đến các dự án giao thông đô thị vì có nhiều dự án đang rất vướng. Đường Vành đai 2 TPHCM dài 64km vẫn còn 14km chưa khép kín. Dự án này được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn hơn 12.540 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Nghị quyết 98 có thể giúp thành phố tháo gỡ được điểm nghẽn của dự án này. Quốc lộ 13 với nhiều đoạn chạy xuyên giữa khu dân cư đông đúc, nhà dân sát mặt đường, có vài đoạn thắt lại 4 làn trên con đường 6 làn, cũng là một dự án cần ưu tiên.
Hay như dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, xây dựng cầu Nguyễn Khoái được đầu tư theo hình thức BT cũng có thể giúp giảm áp lực giao thông từ khu Nam vào trung tâm TPHCM. Nghị quyết 98 cho phép TPHCM thí điểm áp dụng việc khai thác giá trị từ đất bám theo hạ tầng giao thông. Các dự án có thể được triển khai giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD tại các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn chi phí từ đất.
Khắc phục tâm lý sợ sai
Sợ sai nên không dám làm là một trong những trở ngại lớn mà tôi cho rằng chúng ta nên nghiên cứu, khắc phục, không phải chỉ riêng trong việc thực hiện Nghị quyết 98. Thực tế là một số quy định pháp luật có liên quan còn chưa đủ rõ ràng, thậm chí nó giống như những “cái bẫy” đối với người thực hiện, khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có tâm lý sợ làm sai, sợ trách nhiệm và có suy nghĩ thà chịu kỷ luật hơn là bị truy cứu hình sự.
TPHCM nên kiến nghị Trung ương lập một tổ theo dõi thực hiện nghị quyết mới, để kiến nghị kịp thời và gỡ khó ngay trong quá trình thực hiện. Hiện tại đang có thiết kế Hội đồng vùng cho Đông Nam bộ và có thể kiến nghị một số điều để hội đồng tiếp nhận báo cáo, chỉ đạo để xử lý những điều vướng hoặc xin ý kiến kiến nghị, tránh chờ đợi mất thời gian trong quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, TPHCM cần thiết kế bộ máy thực thi chuyên trách, độc lập, hoạt động liên tục với những nhân sự “thiện chiến”, không chỉ bao gồm cán bộ, công chức, viên chức mà có cả sự tham gia của bên ngoài, gồm cả giới doanh nhân và giới nghiên cứu.
Một điểm tôi muốn nhấn mạnh là phải thống nhất quan điểm, nhận thức là nhiệm vụ thực hiện nghị quyết không chỉ là của TPHCM, mà cần sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ tất cả các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là các địa phương lân cận, có sự phát triển tương đồng là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Về lâu dài, tôi cho rằng các tỉnh này cũng nên được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Cần lưu ý rằng nghị quyết cũng đã xác định rõ tại khoản 6, Điều 4 rằng, HĐNĐ, UBND TPHCM trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của mình, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân… Nói cách khác, một tiêu chí rất quan trọng để đo lường hiệu quả, mức độ thành công của nghị quyết là cuộc sống của người dân thay đổi thế nào, có đem lại sự hài lòng cho họ hay không.
Tôi rất hy vọng sau một thời gian triển khai nghị quyết, cùng với các chỉ tiêu khác, chúng ta sẽ được thấy “chỉ số hạnh phúc” của TPHCM cải thiện vượt bậc. Dễ thấy hơn cả là người dân thành phố và du khách đến TPHCM nhận thấy tình hình giao thông đô thị êm thuận, thông suốt, an toàn như thế nào.