Nghị quyết 98: TP.HCM sẽ bổ sung gần 100km đường sắt đô thị

Cử tri TP.HCM thắc mắc: Mô hình TOD đem lại lợi ích gì cho người dân TP nói chung và người dân bị ảnh hưởng nói riêng? Với mô hình TOD, việc tái định cư có được ưu tiên hay không?

Sáng 6-8, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM thực hiện Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời số tháng 8-2023 với chủ đề: "Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM: Trách nhiệm- Hành động".

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời số tháng 8-2023. Ảnh: THANH THÙY

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời số tháng 8-2023. Ảnh: THANH THÙY

Cử tri Ông Trần Quốc Hùng, cán bộ hưu trí, nguyên Giảng viên trường CĐ GTVT Trung ương 6, hỏi khi nào TP triển khai có nội dung thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) để thu hồi đất, chỉnh trang đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.

“Mô hình TOD đem lại lợi ích gì cho người dân TP nói chung và người dân bị ảnh hưởng nói riêng? Với mô hình TOD thì việc tái định cư có được ưu tiên hay không?"- cử tri nêu.

Trao đổi với cử tri, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nói mô hình TOD được các nước làm từ khá lâu. TP.HCM đặt ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới được Quốc hội cho cơ chế thí điểm làm trước cả nước.

Ông Trần Quang Lâm nói, mô hình này chỉ hiệu quả khi gắn đô thị với hạ tầng có sức chứa lớn như các tuyến đường sắt đô thị và các trục giao thông chính, các nút giao lớn như Vành đai 3, các phương tiện giao thông sức chứa lớn và đầu mối giao thông.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin, trước khi Nghị quyết 98 được ban hành, TP đã lập tổ nghiên cứu, rà soát các khu đất để dự kiến điều chỉnh đô thị gắn với mô hình TOD.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với Sở QH&KT và các địa phương rà soát các nút giao, nhà ga vùng phụ cận, xây dựng các tiêu chí, khoanh vùng phạm vi, các khu vực dự kiến.

Ông Trần Quang Lâm thông tin một số địa phương đã rà soát như huyện Bình Chánh có khu vực nút giao giữa Tỉnh lộ 10 và Vành đai 3 khoảng 500 ha có thể nghiên cứu để phát triển, điều chỉnh quy hoạch với hiện trạng là đất nông nghiệp. Hay huyện Hóc Môn cũng có khoảng 400 ha là đất công và nông nghiệp.

Còn về kế hoạch lập dự án thu hồi đất, ông Lâm nói sẽ thực hiện theo Luật đầu tư công và Luật đất đai. TP cũng sẽ tham vấn ý kiến người dân và có báo cáo HĐND TP thông qua, bố trí vốn để lập dự án bồi thường độc lập, thu hồi đất.

Một trong những điểm quan trọng để tăng tính hiệu quả của mô hình TOD, theo ông Trần Quan Lâm là phải phát triển ngay hệ thống đường sắt đô thị.

Đơn cử dự án Vành đai 3 đã khởi công, đến năm 2026 sẽ hoàn thành. Ông Trần Quang Lâm đánh giá rất thuận lợi để làm TOD dọc tuyến này.

Còn các khu vực dọc tuyến đường sắt khác, Giám đốc Sở GTVT nói phải xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ. Hiện toàn TP có 220km đường sắt đô thị theo quy hoạch nhưng sắp tới, dự kiến bổ sung thêm sẽ có hơn 300km phát triển theo mô hình này.

Ông Trần Quang Lâm nói chậm nhất là cuối năm nay, Sở này sẽ trình đề án cụ thể để thực hiện bởi thời gian thí điểm rất ngắn, phải tận dụng cơ hội để làm cho được. Đồng thời chuẩn bị nguồn lực để phát triển hạ tầng thì mới tạo được hiệu quả trong phát triển TOD.

Nêu lợi ích của người dân khi thực hiện mô hình TOD, ông Trần Quang Lâm cho biết giá trị gia tăng của các khu đất gắn với các đầu mối giao thông sẽ tăng, người dân hưởng lợi tiếp cận giao thông công cộng, lợi ích gia tăng và dịch vụ hỗn hợp…

Người dân có đất bị ảnh hưởng cũng được quy hoạch sớm hơn, chính sách bồi thường sẽ tốt hơn.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-dan-huong-loi-gi-tu-mo-hinh-tod-theo-nghi-quyet-98-post745647.html