Nghị quyết chi bộ dài … 30 từ

Trung tá cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Tường nghỉ hưu ở xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nguyên Đảo trưởng đảo Cồn Cỏ (1961 - 1966) có lần kể, vào tháng 5/1965, Chi bộ Đại đội 32 (tức đảo Cồn Cỏ) thuộc Đảng bộ Trung đoàn 270, Quân khu 4 ra một nghị quyết cực ngắn mà ông nói vui là 'nghị quyết ăn'.

 Huyện đảo Cồn Cỏ triển khai đề án “Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ”, trong đó có nội dung bảo tồn cua đá trên đảo - Ảnh: L.A

Huyện đảo Cồn Cỏ triển khai đề án “Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ”, trong đó có nội dung bảo tồn cua đá trên đảo - Ảnh: L.A

Chuyện ăn uống của bộ đội thời bình cũng như thời chiến là chuyện hệ trọng mà chi bộ phải ra nghị quyết lãnh đạo hẳn có việc gì đó không bình thường? Thời điểm này đảo Cồn Cỏ đang trải qua những ngày đêm chiến đấu căng thẳng, quyết liệt đánh trả mỗi ngày hàng chục trận với máy bay Mỹ. Suốt ngày đêm khói lửa mù trời. Tàu chiến Mỹ bủa vây quanh đảo. Bộ đội Đại đội 22 vận tải và dân quân các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch phải mở đường máu chở hàng tiếp tế nhưng mười thuyền đi chỉ có hai, ba chiếc cặp đảo.

Bộ đội thiếu đủ thứ. Lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men…; đặc biệt là nước ngọt phải dè xẻn từng ca nhỏ và rau xanh thì không đào đâu ra một lá. Mùa hè nắng nóng hơn lửa, bộ đội chiến đấu liên miên, ăn uống quanh đi quẩn lại mấy con cá khô, thịt hộp nấu với nước, lễnh loãng như canh, nhưng không phải canh, mặn đắng họng. Nhìn mâm cơm lính ta ngán ngẫm nhưng cũng phải cố lùa cho được một, hai bát vào bụng lấy sức. Trước tình hình đó Ban chỉ huy và Chi ủy đã hơn một lần bàn bạc, thảo luận về chuyện này; ai cũng thấy được cái logic bộ đội ăn không được, còn đâu sức mà chiến đấu giữ đảo.

Trước đây, để đảm bảo cho bộ đội sức khỏe, chiến đấu lâu dài, Chi ủy phát động toàn đảo phong trào “ăn no đánh thắng” đề ra chỉ tiêu cụ thể động viên cán bộ, chiến sĩ bằng mọi cách thực hiện kỳ được “công thức 3+1+3” tức là buổi sáng mỗi người phải ăn đủ 3 bát cơm, buổi trưa 1 bát, buổi chiều 3 bát, cộng lại một ngày ăn được 7 bát cơm B52 (bát sắt tráng men, Trung Quốc viện trợ, quân nhu cấp cho mỗi người một chiếc, to gần bằng chiếc tô đựng canh nên lính ta ví bát to như máy bay B52 của Mỹ). Đề ra thế nhưng ít người thực hiện được chỉ tiêu. Không những thế về sau tụt dốc dần xuống “2+1+2” rồi “1+1+1” và có nguy cơ tụt tiếp.

Thế là Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Phạm Doãn Sửu (Đại tá CCB nghỉ hưu ở Thanh Hóa) triệu tập hội nghị chi bộ họp phiên bất thường, bàn bạc, thảo luận, ra nghị quyết xoay quanh một vấn đề duy nhất, lãnh đạo bộ đội ăn hết định suất “3+1+3” mà trước đó trong phong trào “ăn no đánh thắng” đã phát động nhưng mới có “phát” chứ “động” chưa được mấy. Dạng nghị quyết này, bây giờ ta hay gọi là nghị quyết chuyên đề chứ gần sáu mươi năm trước chưa có thuật ngữ ấy nên vẫn gọi chung là nghị quyết chi bộ.

Nhưng đây là nghị quyết rất khác các nghị quyết trước đó, được ghi trong biên bản chỉ có mấy chục từ và có thể là bản nghị quyết chi bộ ngắn nhất, độc đáo nhất: “Cán bộ, đảng viên chi bộ gương mẫu ăn trước, dù khó khăn mấy cũng phải thực hiện công thức “3+1+3” để đủ sức đánh Mỹ lâu dài”. Đúng, ngắn thật. Đọc chưa đầy một phút đã hết. Ấy thế mà trong hội nghị phải mất nhiều phút ý kiến qua lại, tranh luận, phê bình, tự phê bình có lúc gay gắt, nhất là lúc phê đồng chí quản lý và đồng chí chỉ huy phụ trách hậu cần chưa làm hết trách nhiệm chăm lo đời sống bộ đội.

Đại tá CCB Trần Đăng Khoa nghỉ hưu tại Huế, nguyên Chính trị viên phó cho biết: ngoài những nội dung vừa nói, có vài ý kiến thắc mắc sao chi bộ không bàn chuyện chiến đấu mà lại bàn chuyện ăn uống, việc đó là trách nhiệm của hậu cần để cho hậu cần lo, chi bộ bước lộn sân. Tuy nhiên, sau một hồi tranh luận cũng tạo được sự đồng thuận cao, biểu quyết trăm phần trăm.

Bước vào thực hiện nghị quyết dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đảo phó Nguyễn Hữu Tứ (Trung tá CCB nghỉ hưu ở Phú Yên); anh nuôi Đinh Kinh đêm đến, lần ra các bờ đá, dùng đèn pin che bớt ánh sáng, soi bắt cua đá, từ trong hang, hốc mò ra ăn sương. Đêm đầu được vài chục con. Sáng ra, lật ngửa mũ sắt làm cối, giã nhỏ, nấu với mầm cây chuối rừng, tra thêm mắm, muối, thành nồi canh tuyệt hảo, bộ đội chan cơm, nhai, húp sì sụp có vẻ khoái lắm, khen nồi canh ngon một, khen sáng kiến anh nuôi Đinh Kinh mười. Phát huy kết quả, nhân rộng điển hình, các đêm sau Ban chỉ huy cắt cử một tổ chiến sĩ thay phiên nhau giúp Đinh Kinh tiếp tục công việc.

Từ đó, ngày ba bữa, bộ đội ăn ngon miệng, một ngày “đánh bay” 7 bát B52 bắn máy bay, tàu chiến Mỹ ngày vài trận; máy bay cháy, tàu chiến chìm, được Bác Hồ gửi tặng lá cờ mang dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chi ủy, Ban chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ ai ai cũng vui mừng. Nghị quyết chi bộ thực hiện thắng lợi.

Chưa dừng lại ở đó. Nồi canh cua đá của anh nuôi Đinh Kinh không chỉ giúp cho bộ đội ta “đánh bay” 7 bát cơm, mà còn chắp cánh cảm hứng cho trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 270 Nguyễn Ngọc Cừ (Đại tá CCB nghỉ hưu ở Quỳnh Lưu, Nghệ An), thời điểm đó ra đảo công tác, sáng tác bài hát “Con cua đá”, được đồng chí Tố Hữu khen ngợi; biểu dương trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Cảm hứng sáng tạo bài hát được lẫy ra từ nồi canh cua đá của Đinh Kinh, còn giai điệu, nét nhạc thì tác giả Ngọc Cừ (Nguyễn Ngọc Cừ) mô phỏng đúng bước chân se sẻ, rình rập của bộ đội ta lúc đi bắt cua và lời ca của Phan Ngạn (Thiếu tá CCB, NSƯT nghỉ hưu ở Bình Định) thì giản dị, mộc mạc như tiếng nói đời thường, thấy sao hát vậy của lính: “… Đi mò bên khe/ Rúc ra (mà) rúc rích/ (Ấy) lính ta rất thích/ Nghe cua đi rào rào/ Chốp! Chốp ngay bỏ vào đầy bao cua đá…”. “Cồn Cỏ ấy có con cá đua là con cua đá/ Góp phần cùng bộ đội ta đánh Mỹ lăn quay”.

Cua đá thời chiến ở Cồn Cỏ thực sự “Góp phần cùng bộ đội ta đánh Mỹ lăn quay” còn hôm nay thì sao? Đó thực sự là một câu hỏi khó được đặt ra, đã có lời giải nhưng chưa thông suốt.

Khi còn đương chức Chủ tịch, Bí thư huyện đảo Cồn Cỏ, ông Lê Quang Lanh có lần nói đại ý: Chúng tôi sẽ cố gắng và ước mong rồi đây khách du lịch đến huyện đảo, sẽ thấy tận mắt hàng đàn cua đá bò lổm ngổm.

Năm 2008, sau 4 năm thành lập huyện đảo, nhận rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và du lịch là một ngành công nghiệp không khói nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập đề án “Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ” có tổng diện tích 4.532 ha, trong đó có 139 ha khu phục hồi sinh thái. Đương nhiên ở đây có lệnh cấm chuyện đơm, bắt cua đá để chúng kịp phục hồi phát triển. Tuy nhiên, qua 14 năm thực hiện kết quả chưa được bao nhiêu. Được biết ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Nam) đang triển khai thực hiện một dự án bảo tồn cua đá. Ở đây người ta nuôi chúng, cho đẻ trứng, phát triển hàng ngàn con. Thiết nghĩ nếu huyện đảo Cồn Cỏ đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đề án và tham khảo cách làm của huyện đảo Lý Sơn thì sớm muộn sẽ có hàng đàn cua bò lổm ngổm phục vụ du khách thăm quan chứ không phải như hiện nay ngắm suông mấy con cua đá, đúng là cua đá thứ thiệt trăm phần trăm bởi chúng được nặn bằng xi măng, đang bày rải rác, đơn côi ở đây.

Dẫu sao, đã có đề án bảo tồn, có quyết tâm của quân và dân huyện đảo, có nguyện vọng thiết tha của các thế hệ cựu chiến binh Cồn Cỏ thì vẫn còn niềm tin và hy vọng.

Một nghị quyết chi bộ ngắn, cực ngắn nhưng trúng ý Đảng, lòng quân nên hiệu quả và sức bền của nó không ngắn mà để lại một bài học dài về việc bảo đảm tính chiến đấu, tính giáo dục, tính hướng dẫn trong sinh hoạt đảng cũng như các giải pháp thực hiện và sau đó để lại một ca khúc bất hủ từ hơn nửa thế kỷ trước, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trần Biên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=170109&title=nghi-quyet-chi-bo-dai-%E2%80%A6-30-tu