Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 'liều thuốc quý' để phục hồi kinh tế
Ngày 19/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp nối chuỗi chính sách chăm lo cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Một số đại biểu Quốc hội nhìn nhận, đây là 'liều thuốc quý' giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó hiệu quả hơn.
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (tỉnh Sóc Trăng) và một số đại biểu Quốc hội nhìn nhận đây là “liều thuốc quý” giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó hiệu quả hơn.
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang cho rằng, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề cho xã hội, làm suy yếu nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm, thu nhập của người lao động.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra chủ trương và ban hành quy định thực hiện các chính sách an sinh xã hội kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại là thể hiện tính ưu việt của chế độ. Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xem là giải pháp giúp phục hồi nhanh nền kinh tế của nước nhà.
Kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại
“Trường hợp giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 là hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ”- đại biểu nói.
Nhấn mạnh trong tình hình vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục được duy trì; nhiều doanh nghiệp chủ động điều kiện cơ sở vật chất, thực hiện phương châm “Ba tại chỗ” bảo đảm sản xuất an toàn.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang phản ánh tình hình sản xuất công nghiệp chịu nhiều sự tác động do dịch Covid-19, nhất là trong quý III/2021. Việc tiêu thụ nông sản chậm, giá giảm so với cùng kỳ; việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản còn nhiều hạn chế; việc khôi phục sản xuất trong chăn nuôi còn khó khăn.
Cụ thể, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ bị ngưng trệ, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngưng hoạt động, số doanh nghiệp giải thể tăng trong khi doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn giảm; việc triển khai thủ tục và giải ngân cho các dự án chậm. Hơn nữa, các dịch vụ văn hóa, thể thao du lịch phải ngưng hoạt động do thực hiện giãn cách khiến nhiều chủ thể tham gia gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu báo cáo, tỉnh Sóc Trăng có 3.802 doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp đang hoạt động là 3.682 doanh nghiệp với 56.055 lao động; đã có 66 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 54 doanh nghiệp giải thể.
“Vì vậy, việc miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 như tinh thần Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”.
“Vậy nên, việc miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh phát sinh lỗ trong năm 2020 mà Nghị quyết nêu trên đề cập giúp gỡ khó cho doanh nghiệp để có vốn tái sản xuất, kinh doanh”- bà Tô Ái Vang nói.
Để thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ có trách nhiệm triển khai để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại Nghị quyết này.
Đồng thời Chính phủ tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm chi phí đầu vào; nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ giám sát và phối hợp triển khai để Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm được thực hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Cần thích ứng và phù hợp với từng doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, nội dung Nghị quyết thể hiện Quốc hội luôn chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc để lắng nghe doanh nghiệp, để thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp bị tác động từ đại dịch Covid-19.
Qua nghiên cứu nội dung Nghị quyết đề cập các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác, cơ bản là có nhiều loại thuế được giảm và miễn đối với doanh nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Nghị quyết chỉ đề cập đối tượng doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng năm 2021, chưa đề cập doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
“Nghị quyết nên xem xét đến những doanh nghiệp nằm trong vùng giãn cách nhiều nhất, bị phong tỏa kéo dài để có chính sách hỗ trợ nhiều hơn, thậm chí tính chuyện hoàn lại thuế thu nhập cho doanh nghiệp mà những năm trước họ đã đóng, năm nay họ lỗ mình nên hoàn lại để tiếp sức cho doanh nghiệp, vực họ dậy”- Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu phân tích thêm, quan trọng nhất trong thời gian tới, chúng ta cần tính đến chuyện hỗ trợ theo đặc thù từng doanh nghiệp vì mỗi doanh nghiệp bị tác động khác nhau.
Theo đại biểu, thực tế, khi chưa mở cửa đã có doanh nghiệp không những bị tác động mà còn có lãi, đó là những doanh nghiệp tận dụng được nền tảng số, thương mại điện tử nhưng cũng có doanh nghiệp mở cửa rồi họ vẫn còn “trọng thương”.
Như vậy, đối với những doanh nghiệp này, Nhà nước cần hỗ trợ cho họ điều kiện đi lại, vận hành lại rồi từ từ mới “chạy”! Chẳng hạn, đối với việc hỗ trợ lãi suất, trên thực tế chi phí trả lãi hiện nay vẫn còn cao nhưng Ngân hàng không thể hạ lãi thêm, hạ sâu được vì tình hình lạm phát, khả năng huy động vốn khó khăn…
Do đó, Nhà nước phải có một quỹ hỗ trợ, một nguồn lực ngân sách đủ lớn để thực hiện hỗ trợ việc vay vốn cho doanh nghiệp. Quỹ này có thể hình thành từ nguồn đầu tư công nhưng chưa phân bổ vì chưa có dự án hay dự án không triển khai. Theo tính toán nếu quỹ này lên đến 20-30 nghìn tỷ đồng, có thể hỗ trợ đến 1 triệu tỷ đồng dư nợ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phản ánh thực tế xảy ra là doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay nhưng không thể vay được vì tài sản đã cầm cố thế chấp, vì vậy, Chính phủ cần có một quỹ bảo lãnh tín dụng, trong đó có một đơn vị đủ nguồn vốn có thể đứng ra bảo lãnh, để giải quyết bài toán thiếu vốn phát triển sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Như vậy, chính sách phải thích ứng và phù hợp từng doanh nghiệp, trên cơ sở phân chia từng nhóm đối tượng khác nhau, một cách phù hợp thì chính sách hỗ trợ mới phát huy hiệu quả”- ông Trần Hoàng Ngân nói.