Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân: Bài 1: Sự chuyển mình thực chất trong tư duy phát triển kinh tế
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) đã mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp một luồng sinh khí mới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đó là sự chuyển mình thực chất trong tư duy phát triển kinh tế, góp phần đưa nền kinh tế đất nước lên một tầm cao mới.

Nghị quyết 68-NQ/TW như một “cú hích tinh thần” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. (Ảnh: Công ty Ngói màu Nasaki Việt Nam cung cấp)
Bước ngoặt lịch sử…
Trong bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định quan điểm nhất quán: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) và doanh nhân, cần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực KTTN, qua đó khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng định hướng: Nghị quyết của Bộ Chính trị về KTTN cần khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của KTTN, phải tạo ra một động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của DN tư nhân Việt Nam. Cần xác định phát triển KTTN là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia. KTTN cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường.
Tiếp đó, bài viết: “Động lực mới cho phát triển kinh tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể xem là một cột mốc quan trọng trong tư duy lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới. Điều đó cũng cho thấy, Tổng Bí thư đánh giá rất cao vai trò, vị trí của đội ngũ KTTN và luôn đau đáu tìm giải pháp để “trợ lực” và thúc đẩy lực lượng này phát triển.
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển KTTN với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ; Định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KTTN - động lực mới phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Kinh tế tư nhân sẽ phát triển đúng vai trò, tầm vóc
Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, ông Phan Văn Lâm - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) cho hay: “Là người nghiên cứu về chính sách công, tôi có rất nhiều trăn trở về vấn đề phát triển KTTN. Khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, tôi vui mừng như nhận được món quà giá trị. Với đất nước đây là một dấu mốc rất đáng chú ý, cho thấy tư duy phát triển kinh tế của Đảng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn trong việc nhìn nhận vai trò của khu vực KTTN. Đây không chỉ là một thông điệp chính trị mà còn mở ra khuôn khổ thể chế mới, hành lang phát triển rộng lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho KTTN phát triển đúng vai trò, tầm vóc”.
Theo ông Phan Văn Lâm, một số điểm nhấn đột phá trong Nghị quyết 68-NQ/TW mà ông đặc biệt quan tâm đó là:
Thứ nhất, Nghị quyết đã minh định rõ ràng vị trí của KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế - điều này không chỉ mang tính định hướng mà còn có ý nghĩa về mặt thể chế, khắc phục định kiến lịch sử lâu dài về KTTN trong thời gian qua;
Thứ hai, nhiều giải pháp cụ thể được đặt ra như yêu cầu hoàn thiện pháp luật, cắt giảm rào cản và xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế - đây là điểm rất then chốt để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Vấn đề này tạo cho KTTN có thêm cơ hội phát triển, đồng thời thể hiện đúng bản chất, quy luật của nền kinh tế thị trường;
Thứ ba, Nghị quyết khuyến khích DN tư nhân tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực trọng yếu như hạ tầng, công nghiệp quốc phòng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số - điều này mở ra “sân chơi” rộng lớn để DN tư nhân không chỉ phát triển về lượng mà còn nâng cao về chất. Mặt khác, đặt ra những cơ hội để KTTN vươn mình để hòa nhập, bên cạnh phát huy được thế mạnh nội tại sẵn có kết hợp tinh hoa nhân loại, nhất là huy động được trí tuệ của con người chuyển đổi trí thức thành hàng - tiền thực tế hơn.
Với tâm thế đầy hào hứng, đại diện cho tiếng nói của đội ngũ DN tư nhân, ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội DN trẻ Hà Nội (HANOIBA) cũng chia sẻ: “Cộng đồng DN, đặc biệt là các DN trẻ đón nhận Nghị quyết 68-NQ/TW đầy hồ hởi, phấn khởi. Phải nói rằng, tư duy tiếp cận, nhận thức và cách thể hiện của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với nghị quyết này rất quyết liệt. Theo tôi, sự quyết liệt để đưa nghị quyết này vào cuộc sống là rất quan trọng. Tôi tin rằng, tới đây Nghị quyết sẽ được áp dụng một cách hiệu quả, với sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng DN và cả hệ thống chính trị”.
Ông Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN: Đây là một cuộc “mở đường” chiến lược
Ông Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam).
“Tôi cho rằng, nếu Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai đồng bộ với cải cách thể chế, hành chính và tư pháp, sự quyết tâm của cán bộ công chức thì đây sẽ là một cuộc “mở đường” chiến lược thực sự cho KTTN - một trụ cột không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HANOIBA: Hy vọng về một lực lượng doanh nhân mới trong tương lai
Ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch HANOIBA.
Điểm đầu tiên phải ghi nhận là Nghị quyết 68-NQ/TW đã tạo nên sự bình đẳng giữa các loại hình DN (DN tư nhân, DN Nhà nước, DN FDI), về góc độ vốn, đất đai, tiếp cận thị trường. Hy vọng, trong tương lai sẽ có một lực lượng doanh nhân mới đáp ứng, đủ sức đảm đương các vai trò, sứ mệnh, ngang tầm những nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ luôn tin tưởng, tạo điều kiện cho DN tư nhân Việt vươn tầm thế giới…
(Còn nữa)