ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Đề nghị nên quy định một số tỉnh, thành phố có quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Sáng 16/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu cho rằng, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và đổi mới sáng tạo. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của KTTN, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển KTTN. Nhưng trên thực tế cho thấy khu vực KTTN còn gặp phải nhiều rào cản, bất cập cần được tháo gỡ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, là một quyết tâm chính trị rất lớn để phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết của Quốc hội được chuẩn bị rất khẩn trương để xây dựng các cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN.

Nghị quyết đề ra nhiều nội dung mang tính đột phá, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ KTTN tiếp cận với đất đai, tài chính, tín dụng, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đại biểu cho rằng chính sách là rất toàn diện và vượt trội.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu có thêm một số ý kiến đó là: Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khoản 2 Điều 7 quy định: “Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.”

Đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định này để đảm bảo chặt chẽ và cũng phải khuyến khích được nhà đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng một số địa phương đã có cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp ở một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thu hút chậm. Nên việc quy định phải dành riêng một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực KTTN, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, là sẽ gặp khó khăn.

Hơn nữa quy định một phần diện tích là bao nhiêu cũng rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN. Nếu để lại một phần diện tích mà không có doanh nghiệp thuê lại, để lãng phí đất sau đầu tư hạ tầng thì ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này? hay lại đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, như thế sẽ khó thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định một số tỉnh, thành phố có quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ở đây Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê đất.

Tại khoản 4, khoản 5 Điều 7 quy định: Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau Nghị quyết này có hiệu lực thì UBND tỉnh xác định đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Nếu sau 2 năm kể từ ngày khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp thuê thì chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại.

Quy định như vậy đại biểu thấy cũng rất khó thực hiện và có thể gây khó khăn, làm mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác đến thuê, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hơn nữa nếu quy định sau 2 năm nếu không có doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN thuê, thì doanh nghiệp là nhà đầu tư hạ tầng sẽ chịu thiệt hại. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định đối với dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp sau khi Nghị quyết này có hiệu lực nếu xác định được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN thuê đất thì cần phải bố trí đủ quỹ đất ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN thuê, còn nếu không xác định được nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN thì tùy theo xu hướng phát triển kinh tế-xã hội, một số tỉnh, thành phố có thể quy hoạch đất cho nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp thuộc thành phần KTTN thuê.

Về khoản 6 Điều 10 về hỗ trợ thuế, đại biểu thống nhất với quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp thuế khoán và thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Để thực hiện điều này, đại biểu đề nghị Nhà nước không chỉ hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán để cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể mà cần phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng việc sử dụng các nền tảng số, phần mềm cho các hộ kinh doanh cá thể để có thể thực hiện kết nối liên thông, kê khai nộp thuế. Để chuẩn bị cho việc kê khai nộp thuế, không áp dụng hình thức khoán đề nghị cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và đề nghị lui thời gian thực hiện sau 1/7/2026.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-mai-van-hai-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-de-nghi-nen-quy-dinh-mot-so-tinh-thanh-pho-co-quy-hoach-cac-khu-cong-nghiep-cum-cong-nghiep-248888.htm