Nghị quyết số 68-NQ/TW là cú huých chiến lược với kinh tế tư nhân

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh LÊ HOÀNG CHÂU, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là cú huých chiến lược để khu vực này phát triển.

Giải quyết căn bản 3 “nỗi sợ” của doanh nghiệp

- Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân có ý nghĩa thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

- Nghị quyết đặc biệt quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và với doanh nghiệp bất động sản nói riêng, khi lần đầu tiên xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Nghị quyết cũng nêu rõ các giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Các giải pháp này mang tính toàn diện, then chốt, từ tháo gỡ về thể chế, chính sách, hỗ trợ vốn, đất đai, chính sách thuế, đến hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn, kết nối được với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước…

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu. Ảnh: Quang Khánh

Có thể nói, Nghị quyết số 68-NQ/TW là cú huých chiến lược với kinh tế tư nhân. Đặc biệt, Nghị quyết đã giải tỏa được 3 “nỗi sợ” của doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng trong nhiều năm qua.

Một là, “nỗi sợ” “ma trận thủ tục hành chính" rườm rà, phức tạp, kéo dài làm doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư và làm cho thị trường thiếu nguồn cung nhà ở, lệch pha sản phẩm về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nghiêm trọng nhà ở bình dân và đẩy giá nhà lên quá cao.

Hai là “nỗi sợ” bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần trong năm. Có trường hợp doanh nghiệp nhà ở xã hội tự bỏ tiền mua đất để làm dự án nhà ở xã hội, không sử dụng vốn ngân sách, không nhận được ưu đãi tín dụng, nhưng 3 năm liên tiếp bị kiểm toán, với quan điểm coi doanh nghiệp tư nhân có sử dụng đất, mà đất là tài sản công.

Ba là “nỗi sợ” bị vướng pháp luật hình sự trong quá trình làm ăn sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đã giải quyết căn bản, triệt để những nỗi sợ trên về mặt chủ trương, định hướng. Chúng tôi đang trông chờ việc triển khai cụ thể các định hướng chỉ đạo này.

- Sáng nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW . Hôm qua 17/5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến này?

- Chúng tôi rất hoan nghênh Quốc hội và Chính phủ đã rất khẩn trương ban hành các Nghị quyết số 198/2025/QH15 và Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15, nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống.

Đặc biệt, Hội nghị hôm nay nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động. Khi thống nhất được nhận thức, hành động, chúng ta có niềm tin triển khai Nghị quyết thành công!

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, sáng 18/5. Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, sáng 18/5. Ảnh: Quang Khánh

Mong tháo gỡ “chi phí không chính thức”

- Ông đề xuất gì đối với việc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW?

- Tới đây, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần bắt tay ngay vào rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật để bảo đảm tránh chồng chéo, trùng lặp; cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục, quy định không cần thiết.

Cần xác định khi đã làm khẩn trương, áp lực về tiến độ thời gian thì không nên cầu toàn. Chúng ta cần phải triển khai thật nhanh, sau đó có thể phải sửa đổi, bổ sung tiếp; song cái gì tốt cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế thì cần ưu tiên tập trung làm.

Khi làm được như thế, chúng tôi tin rằng sẽ có một làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh trong Nhân dân, trong cộng đồng doanh nghiệp.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn tin tưởng đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động; trong vòng 10 – 15 năm tới, chúng ta sẽ có trên dưới 50 tập đoàn kinh tế nội địa có quy mô như Vingroup.

Ông Lê Hoàng Châu

Cùng với đó, cần tăng cường cơ chế giám sát quá trình thực thi của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, chúng tôi rất mong có cơ chế để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Ban Chính sách Chiến lược Trung ương ngày 24/2 vừa qua. Khi đó, lần đầu tiên, Tổng Bí thư đã chỉ đạo đấu tranh, chấm dứt vấn nạn “chi phí không chính thức”. Đây là vấn đề gây nhức nhối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Riêng với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi mong muốn tới đây sẽ có các chính sách để kéo giảm giá đất, để chi phí đầu vào của thị trường bất động sản hợp lý, qua đó phát triển nhà giá rẻ cho người dân.

- Để Nghị quyết triển khai có hiệu quả cũng cần nỗ lực từ chính khu vực tư nhân. Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì?

- Về phía cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy vai trò chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ tốt các quy định. Muốn lớn mạnh, các doanh nghiệp không thể đi riêng lẻ mà phải liên kết, hợp tác với nhau để cùng phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-quyet-so-68-nq-tw-la-cu-huych-chien-luoc-voi-kinh-te-tu-nhan-10372844.html