Nghị sĩ Mỹ đề xuất dẫn độ cựu Tổng thống Brazil sau vụ bạo loạn
Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi chính quyền Mỹ dẫn độ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro về nước sau khi những người ủng hộ ông xông vào các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Brasilia hôm 8/1.
Ông Bolsonaro được cho là đã sống gần Orlando (bang Florida) từ tháng 12 khi ông rời khỏi Brazil và từ chối tham gia nghi lễ chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva.
Trả lời phỏng vấn CNN, nghị sĩ đảng Dân chủ Joaquin Castro kêu gọi Nhà Trắng và chính quyền địa Florida xem xét việc đưa ông Bolsonaro – “một người nguy hiểm” trở lại Brazil.
“Ông Bolsonaro nên bị dẫn độ về Brazil”, nghị sĩ Castro nói với CNN, mô tả cựu Tổng thống là một người độc đoán, sử dụng “vở kịch của ông Donald Trump” để truyền cảm hứng cho “những kẻ khủng bố trong nước cố gắng chiếm chính quyền.”
Lời kêu gọi của ông Castro được đưa ra sau khi hàng nghìn người ủng hộ ông Bolsonaro tuần hành qua thủ đô của Brazil vào cuối tuần trước, cáo buộc rằng cuộc bầu cử tổng thống tháng 10 bị dàn xếp. Những người này xông vào tòa nhà Quốc hội Brazil, Tòa án Tối cao, Dinh thự Planalto của Tổng thống, dẫn đến đụng độ với cảnh sát.
Cựu Tổng thống Bolsonaro nhiều lần phủ nhận có liên quan đến tình trạng bất ổn trong nước, khẳng định rằng ông chỉ ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa, vốn là “một phần của nền dân chủ”.
Tổng thống Brazil mới nhậm chức Lula da Silva đã nhiều lần chỉ trích người tiền nhiệm, trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ khác đã so sánh ông với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Về cơ bản, ông ấy đã sử dụng vở kịch của ông Trump để truyền cảm hứng cho những kẻ khủng bố trong nước cố gắng chiếm chính phủ”, Casto nói với CNN, đồng thời khẳng định các cuộc biểu tình vào Chủ nhật gợi nhớ đến cuộc bạo loạn trên Đồi Capitol ngày 6/1/2020.
Đồng quan điểm, nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez viết trên Twitter rằng các cuộc biểu tình ở Brazil cũng giống như “các phong trào phát xít” được cho là do ông Trump gợi cảm hứng khi ông từ chối chịu thua ông Biden.
Các nghị sĩ Mark Takano từ California và Ilhan Omar từ Minnesota cũng bày tỏ quan điểm tương tự, cả hai đều gọi các cuộc bạo động là một "cuộc tấn công" vào nền dân chủ.
Tổng thống Lula, lúc đó đang ở Sao Paulo, buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại Đặc khu liên bang Brasilia, chỉ định Bộ trưởng Tư pháp Ricardo Garcia Capelli dẫn đầu “sự can thiệp của liên bang”.
Đến tối Chủ nhật, sau nhiều giờ đụng độ và hàng trăm vụ bắt giữ, cảnh sát đã giành lại quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ bằng cách sử dụng hơi cay và vòi rồng. Cảnh sát thông báo ít nhất 300 người đã bị giam giữ, và Bộ trưởng Tư pháp cảnh báo các vụ bắt giữ sẽ tiếp tục suốt đêm, khi các nhà chức trách cố gắng xác định những người liên quan đến cái mà ông gọi là hành động “khủng bố” và âm mưu “đảo chính”.