Nghị sĩ Mỹ giới thiệu dự luật giới hạn khoản đóng góp cho WHO
Hai thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất dự luật nhằm giữ lại ngân sách đóng góp cho WHO đến khi tổ chức này thay thế lãnh đạo và công nhận Đài Loan là thành viên.
Trang Taiwan News đưa tin hai thượng nghị sĩ Mỹ ngày 9-2 đã đề xuất một dự luật nhằm giữ lại khoản ngân sách đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho đến khi tổ chức này thay thế các lãnh đạo và công nhận Đài Loan là thành viên.
Động thái trên được đưa ra sau khi WHO hôm 9-2 công bố báo cáo về những phát hiện mới trong chuyến điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19 kéo dài gần một tháng tại Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley và thượng nghị sĩ Rick Scott hôm 9-2 đã giới thiệu dự luật Trách nhiệm Giải trình của WHO. Nội dung văn bản dự luật hiện chưa được công bố.
Theo tuyên bố được đăng trên website của ông Scott hôm 9-2, dự luật Trách nhiệm Giải trình của WHO nếu được thông qua sẽ “yêu cầu WHO chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong việc giúp Trung Quốc che đậy thông tin liên quan đại dịch COVID-19”.
Trong một dòng tweet, ông Scott cáo buộc WHO là "con rối cho Bắc Kinh" và có liên quan "nỗ lực cô lập Đài Loan của Trung Quốc".
Ông Scott nhấn mạnh rằng người dân đóng thuế ở Mỹ không nên đóng góp hàng trăm triệu USD cho việc duy trì WHO trừ khi tổ chức này có sự cải tổ nghiêm túc.
Theo ông Scott, dự luật sẽ “giữ lại tiền đóng thuế của người dân Mỹ cho WHO cho đến khi tổ chức này thay đổi các lãnh đạo và chấp nhận Đài Loan là một thành viên”.
Theo dự luật, Mỹ cũng sẽ giới hạn khoản tài trợ hàng năm cho WHO bằng hoặc thấp hơn so với Trung Quốc, tuyên bố của ông Scott nêu.
Theo Taiwan News, Mỹ là nước tài trợ tài chính hàng đầu của WHO, chiếm 237 triệu USD, tương đương 22% khoản đóng góp của các quốc gia thành viên từ năm 2018-2019. Trung Quốc đóng góp khoảng 75 triệu USD trong cùng kỳ.
Trước đây, Đài Loan từng giữ tư cách quan sát viên tại Hội nghị y tế thế giới (cơ quan ra quyết định của WHO) giai đoạn 2009-2016. Tuy nhiên, Đài Loan sau đó bị loại khỏi nhiều cơ quan quốc tế gồm WHO và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Tháng 3-2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua “Đạo luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường đồng minh quốc tế Đài Loan (TAIPEI Act)” thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới.
Chính quyền ông Trump hồi tháng 5-2020 tuyên bố Mỹ sẽ kết thúc mối quan hệ với WHO vì cách xử lý đại dịch COVID-19, cáo buộc tổ chức này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền tân Tổng thống Joe Biden hồi tháng 1 đã ký hàng loạt sắc lệnh tháo gỡ các di sản của người tiền nhiệm, trong đó có việc ngừng rút Mỹ khỏi WHO.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price hôm 9-2 tuyên bố Mỹ sẽ không chấp nhận kết quả điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nếu không thể xác minh được.
Ông Price cùng ngày cũng nhấn mạnh lý do vì sao ông Biden đã nhanh chóng đưa Mỹ trở lại làm thành viên của WHO ngay trong ngày đầu tiên ông nhậm chức.
"Bằng cách tái tham gia WHO, Mỹ sẽ ở vị trí để thúc đẩy bất kỳ cải cách cần thiết nào" – ông Price cho biết.