Nghỉ thôi

'Nghỉ thôi bố ơi, đừng gắng làm nữa'. Ông Ban không nhớ đây là lần thứ mấy con gái nói với bố như vậy nữa, ông chỉ nhớ lần đầu con Niêm nói với bố cách đây đã bốn mùa lúa mới. Ở bản Nà Keo có khá nhiều người ủng hộ ông tiếp tục phụ trách công việc mặt trận.

Nhiều năm qua ông Ban làm tốt công việc được giao, không ai nói lời khó nghe, trách móc như người tiền nhiệm. Ông nhiệt tình trong công việc, nói người khác nghe bùi lỗ tai. Sợi dây tình làng, nghĩa xóm bị đứt, ông là người gắn kết lại. Biết mình ít cái chữ trong bụng nên ông lấy nhiệt tình, kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc. Những người làm mặt trận trước cuối năm đi thu các khoản đóng góp thường không đạt, nhưng đến ông thì bà con lại nhiệt tình hưởng ứng. Các khoản đóng góp, các loại quỹ đều thu đạt kế hoạch, kể cả những khoản đóng góp tự nguyện. Thế mới nói, công việc nào cũng cần cái duyên, khả năng nói, tài thuyết phục của người thu tiền mới đạt được những điều như ý.

Gần chục năm làm công tác mặt trận, nhiều lúc ông nghĩ đã đến lúc nghỉ ngơi, nhưng mấy anh cán bộ xã, bản động viên “bác là cái kìm cộng lực biết cách nối gắn sợi dây tình làng, nghĩa xóm mỗi khi bị đứt. Bác là trung tâm đoàn kết của bản làng, giờ tìm được người thay bác không dễ đâu nên bác cố gắng công tác thêm một hai năm nữa, khi nào tìm được người phù hợp bác mới nghỉ nhé”.

Cán bộ xã đã nói vậy thì ông không nỡ từ chối. Làm công tác mặt trận không có gì khó lắm, quan trọng nhất là tập hợp các gia đình đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Giúp người cũng như giúp chính mình, ông tâm niệm như thế. Mỗi lần hòa giải xích mích, tranh chấp giữa hai gia đình thành công ông thấy trong lòng khoan khoái lắm. Cuối năm bản tổ chức bữa cơm đoàn kết ông là người tất bật nhất. Vui nhất là tiết mục văn nghệ, ông là người bắt nhịp. Những câu lượn mượt mà, đằm thắm làm người nghe muốn hòa mình vào những lời hay của câu lượn kết, những bài phong slư sâu lắng, da diết làm những người phương xa ngập ngừng bước chân. Giọng của ông vang mà ấm như ngọn lửa giữa trời đêm đông, nghe sướng lỗ tai lắm.

Mấy năm trước trận ốm liệt giường tưởng chừng như không qua khỏi đã làm đôi mắt ông mờ đi. Trước giấc ngủ dài cảnh vật trước mặt hiện ra tươi đẹp, bầu trời trong xanh sâu hun hút, cành lá xanh tươi, hoa cỏ thơm tho, khi tỉnh dậy mọi thứ mờ ảo, ông Ban lấy tay dụi mắt mấy lần nhưng mọi vật vẫn nhập nhòe trước mặt. Ông không thể chấp nhận sự thật là đôi mắt của mình đã mờ đi. Con trai mua cặp kính về cho bố đeo vào nhìn mới khá hơn một chút. Con gái ngồi xuống cạnh bố động viên. “Đợi bố khỏe lại rồi chúng con sẽ đưa bố đến Bệnh viện Mắt Quốc tế thăm khám. Nếu mổ được thì mắt bố sẽ lại sáng như xưa nên bố đừng lo nghĩ nhiều”. Ông ậm ừ, nửa đồng tình nửa lại ngầm phản đối ý của con gái. Mắt ông còn có thể sáng như trước sao? Người già da thịt nhăn nheo, tóc bạc trắng, răng rụng hết, đó là quy luật rồi, chẳng ai có thể cưỡng lại được. Nhiều người già không chỉ mờ mắt, má hóp mà còn nặng tai nữa. Nhìn không thấu, nghe không được rõ. Bệnh của tuổi già thì chữa làm gì nữa. Ông không muốn tốn tiền vào việc chữa bệnh cho đôi mắt. Ông chỉ hơi khó nhìn thôi chứ chưa đến mức mù lòa.

Từ ngày mắt nhìn kém ông không còn đi xe máy, nhưng ông vẫn đi được xe đạp. Mỗi phiên chợ Thung Huê ông đạp xe đi mua rau, mắm, muối về nhà nấu ăn. Thế thì sao phải xuống Hà Nội thăm khám mắt? Cứ cho chúng nó không tiếc tiền vì sức khỏe của bố, nhưng đi rồi thì có phẫu thuật được không? Mổ rồi có thể nhìn rõ như trước không? Chẳng ai dám khẳng định ca phẫu thuật sẽ thành công mỹ mãn. Nói dại mồm nếu chẳng may số sau phẫu thuật bị mù lòa thì phải làm sao? Ông không dám nghĩ đến chuyện tồi tệ đó. Tốt nhất là không đi khám đâu cả. “Bố không đi khám thì làm sao có thể tiếp tục công việc được. Trước bố đọc văn bản đã chậm, nay mắt kém thì sao đọc được nữa. Không lẽ các cuộc họp do bố điều hành lại đi nhờ người khác đọc hộ à”. Ông thần người suy nghĩ. Hồi mắt còn sáng hằng ngày ông xem ti vi, đọc báo để luyện khả năng đọc cho trôi chảy. Từ ngày mắt mờ, mỗi khi cầm tờ báo lên ông chỉ nhìn thấy những hàng chữ nhảy múa trước mắt, không thể đọc được. Không có cặp kính lão có lẽ ông không nhìn thấy chữ nữa.

Trước đây ông từng nhờ trưởng bản, công an viên, những người đáng tuổi con, tuổi cháu mình đọc giúp văn bản vì nó quá dài. Nếu để ông đọc hết gần chục trang văn bản cuộc họp kéo dài đến nửa đêm chưa chắc đã xong. Lời nói của con gái dội vào tâm can bố. Nó khuyên bố nghỉ từ lâu. Ông cũng muốn được nghỉ ngơi ở nhà trông cháu, chăm sóc vườn cây ăn trái. Nếu không có mấy anh cán bộ xã động viên ông đã nghỉ từ lâu rồi. Giờ nghĩ đến cuộc họp do cán bộ mặt trận điều hành là ông lo ngay ngáy. Lo không đọc được văn bản để triển khai công việc. Lo nghĩ đến việc sẽ nhờ ai đọc giúp văn bản cấp trên gửi xuống. Văn bản thì phải đọc cho chuẩn không thể ấm ớ được. Mỗi lần đọc văn bản với ông chẳng khác gì đánh trận, lên rừng, lên núi nhặt một gánh củi khô còn không vất vả bằng đánh vật với những con chữ.

Những ngày bố ốm Lợi đi họp bản. Nhiều người nghe tin ông Ban ốm thì nói ra những điều không hay. “Ông Ban làm công tác mặt trận khá lâu rồi cũng đến lúc nghỉ ngơi. Người đã có tuổi, mắt lại mờ đọc văn bản vấp như người đi đường va phải núi đá”. Một người khơi mào bao nhiêu người nói theo. “Mày nói đúng đấy. Ông cứ nói cán bộ cấp trên còn tín nhiệm nên chưa nghỉ. Vấn đề là ông có quyết tâm rút lui không thôi. Người già ôm khư khư cái ghế, chẳng chịu nhường cho lớp trẻ thì bao giờ mới có người mới. Sợ người trẻ chưa có kinh nghiệm không làm được việc ư? Đã cho người ta làm đâu mà vội đưa ra nhận xét, đánh giá năng lực? Phải cho người ta làm thì mới có kinh nghiệm, không cho làm thì lấy kinh nghiệm ở đâu ra”. Còn nhiều câu nói về bố, Lợi đều ghi nhớ trong lòng. Những lời nói của các bác, anh chị về bố không sai. Ở trong cái bản này nhiều người có trình độ, năng lực hơn bố, họ được học hành một cách bài bản. Nhiều lần Lợi và em gái đã nói với bố là xin nghỉ đi nhưng ông không nghe. Lợi biết bố không phải vì mấy đồng tiền phụ cấp kia. Bố muốn đóng góp công sức của mình cho phong trào, cho tình đoàn kết của bản. Nhưng bố già rồi có làm được mãi đâu, bố không nên đặt gánh nặng lên đôi vai của mình nữa. Lợi cố gắng thuyết phục bố nghỉ thôi, biết lui đúng lúc sẽ giữ được tiếng thơm cho mình. Hãy để hình ảnh đẹp trong mắt những người dân bản, Lợi nói với bố những điều tai nghe, mắt thấy mà mọi người nói về ông.

Minh họa: Hoàng Chinh

Minh họa: Hoàng Chinh

Lợi đi họp về nhà vẫn còn ánh sáng đèn điện. Anh đẩy cánh cửa khép hờ bước chân vào nhà thấy bố ngồi bên bàn một mình một ấm, một chén chè đặc quánh. Vào ban đêm người già kiêng không uống cà phê, chè đặc để không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Lợi nói với bố bao nhiêu lần nhưng ông không chịu nghe. Cà phê, chè đặc là hai thứ không thể thiếu đối với bố vào buổi tối. Nhiều người già buổi chiều đã không dám uống chè đặc, cà phê vì sợ đêm không ngủ được. Nhưng những chất kích thích đó không làm hỏng giấc ngủ của bố. Lợi lấy làm lạ lắm. Có lẽ cơ thể của bố đã miễn dịch với các loại đồ uống có chất kích thích rồi.

- Con đi họp về à, tối nay họp bà con có đến đông đủ không? Hôm nay con đi họp chắc nghe thấy nhiều người nói về bố lắm nhỉ?

- Sao bố biết? Có người quay và phát trực tiếp cho bố nghe à? Lợi tò mò hỏi bố.

- Bố chẳng cần ai quay phim phát cho bố xem. Cuộc họp nào cũng có một vài người nói với bố mà. Có người họ nói vui, nói đùa, cũng có người nói thật với bố. Bố biết có người nói kháy, có người nói thật lòng. Xã hội mà có người này, người kia con ạ. Bố không trách, không giận những người đó làm gì.

- Con biết bố không phải vì mấy đồng phụ cấp hằng tháng mà cố theo công việc đó gần chục năm qua. Bố tham gia công tác vì những điều cao cả, lớn lao hơn rất nhiều. Nhưng sức lực, trí lực của bố không còn được như trước nên bố nghỉ đi.

Nói xong Lợi đi về phía giường ngủ để lại mình bố bên chén nước chè nguội lạnh. Trước đây cả thằng Lợi, con Hợp khuyên bố nghỉ công tác, ông tưởng chúng nó nghĩ cha nó làm việc vì tham mấy đồng tiền phụ cấp. Nhưng hôm nay nghe những lời nói tự đáy lòng ông biết mình đã trách nhầm các con. Còn gần hai năm nữa sẽ bầu người phụ trách mới. Lúc đó ông cương quyết xin rút lui dù cán bộ xã có động viên thế nào ông cũng từ chối. Dù không tham gia công việc của bản, nhưng ông cùng với hội người cao tuổi tiếp tục làm công tác hòa giải mâu thuẫn, xích mích giữa các hộ gia đình. Hằng ngày ông vui với hai đứa cháu. Mỗi ngày ông sẽ chăm sóc vườn chuối, mận, đào, lê để chúng phát triển tươi tốt, năm nào cũng ra thật nhiều hoa, đậu nhiều trái ngọt. Ông nghĩ đến vườn cây, trước mắt ông hiện ra khu vườn tràn ngập sắc trắng hoa lê, hoa mận, thắm đỏ hoa đào. Vườn cây dần thay đổi theo ngày tháng, nó giống như thước phim quay chậm hiện ra trước mắt ông. Ông thay ấm chè nguội lạnh bằng một ấm chè khác. Ấm chè nhạt hơn, nước nóng hơn, đợi một lát chè ngấm ông rót ra cái chén nhấm thử một ngụm. Nước chè xanh sóng sánh, cầm chén chè lên miệng chiêu từng ngụm nhỏ làm người khoan khoái, chưa bao giờ ông có cảm giác uống chè lại ngon và sảng khoái như thế. Đêm nay ông sẽ có một giấc ngủ ngon lành và những giấc mơ đẹp. Ông tin như thế.

Nông Minh Quang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nghi-thoi-3178370.html