Nghi thức và bài khấn cúng tiết Thanh minh chuẩn theo chuyên gia

Theo TS Vũ Thế Khanh, cùng với việc đi tảo mộ, việc chuẩn bị đồ cúng cẩn thận, trang trọng và bài khấn thành tâm trong tiết thanh minh thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ.

“Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục, đã ngoài sáu mươi...”, “Thanh minh trong tiết tháng 3/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...”, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng- UIA cho biết, những câu thơ trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) đã cho thấy phong tục trong ngày Tết Thanh minh. “Thiều quang chín chục” - tức là mùa xuân có 90 ngày thì đến ngày 60 trở đi là tiết Thanh minh. Tết Thanh minh 2025 rơi vào ngày 4/4 Dương lịch, tức thứ Sáu ngày 7/3 Âm lịch, là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí.

 Tảo mộ trong dịp tiết Thanh minh là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Hoàng Mai.

Tảo mộ trong dịp tiết Thanh minh là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Hoàng Mai.

Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu xa, đến ngày này cũng cố gắng về với gia đình để cùng họ tộc đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp.

Tết Thanh minh thể hiện văn hóa cao đẹp, hiếu đễ của người Việt

TS Vũ Thế Khanh cho hay, trong tiết Thanh minh không chỉ là đi “tảo mộ” mà còn là ngày Hội, thể hiện văn hóa cao đẹp, hiếu đễ của người Việt. Người Việt Nam ngay từ trong nôi đã được mẹ cha hát ru bằng những câu ca dao ngọt ngào: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Từ xa xưa người Việt đã có câu” Sống về mồ về mả, chứ không sống chỉ về cả bát cơm”. Chữ “Mồ mả”, là lối nói tượng trưng, vừa là nơi mai táng hài cốt, vừa là tông miếu, đền thờ, bảo tàng truyền thống, là nơi giữ gìn danh giá tổ tông và nếp sống nhân văn của gia tiên, dòng tộc.

Với người Việt, người con chí hiếu là người phải làm tròn nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”, biết tri ân hùng thiêng sông núi, tri ân các bậc nhiên thần, nhân thần, đã có công khai sơn lập địa, tri ân các bậc tiền nhân, các liệt sỹ có công với nước với dân, tri ân thất tổ cửu huyền gia tiên tiền tổ nội ngoại, báo hiếu mẹ cha nhiều đời nhiều kiếp, và từ bi thương yêu muôn loài, biết giữ gìn truyền thống văn hóa các dòng tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Con cái báo hiếu cha mẹ có nhiều cách, nhưng tựu trung không ngoài hai phương diện: vật chất và tinh thần.

Trong đó, báo hiếu về vật chất: Người con phải phụng dưỡng, vâng thờ cha mẹ, thay làm các việc nặng nhọc, săn sóc miếng ăn thức uống, thuốc men, áo quần, chiếu giường, chỗ nghỉ ngơi,.. không để cho cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ lúc sinh thời.

Báo hiếu về tinh thần: là làm sao cho tinh thần của cha mẹ được an vui, cao thượng. Phật tử phải khuyên cha mẹ tin sâu Nhân Quả và quy y Tam Bảo, bố thí phóng sinh, làm các việc lành, giữ 5 giới hạnh và tu con đường giải thoát theo gương hiếu thuận của Bồ Tát Đại Hiếu Tôn Giả Mục Kiền Liên.

Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ. Người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ...

Sau đó, người tảo mộ thắp hương, hoặc đặt thêm bó hoa cúng cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để dạy cho chúng sự hiếu kính với tổ tiên qua tục viếng mộ và cũng là để “bàn giao” vị trí những ngôi mộ trong gia tộc cho thế hệ con cháu mai sau biết để giữ gìn, sửa sang hàng năm.

Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng, thì người đi tảo mộ cũng thường cắm cho các ngôi mộ lân cận này một nén hương.

Nghi thức tâm linh trong tiết thanh minh

TS Vũ Thế Khanh cho biết, nghi thức tâm linh trong Tiết Thanh minh gồm Tảo mộ và sắm sửa lễ nghi cúng tế.

Mâm cúng tiết Thanh minh. Ảnh: Internet.

Mâm cúng tiết Thanh minh. Ảnh: Internet.

Đồ cúng tiết Thanh minh gồm những thứ cơ bản như sau: Hương đăng; Chén nước trong; Thanh bông hoa quả: hoa tươi, quả đẹp ( có từ 5 đến 7 loại quả); Trầu cau; Rượu, giò chay thanh tịnh; Bánh trái: Bánh trôi, bánh chay, bánh chưng, bánh dày...;

Tịnh tài (cúng tiền thật, không cúng tiền giả) Tịnh vật (cúng đồ thật, không cúng đồ giải)

- Các đồ cúng tượng trưng cho Thân Tứ Đại, đó là : Đất: các tịnh tài tịnh vật); Nước, Gió: Là không khí, mặc nhiên có sẵn, không cần phải mua, Lửa : đèn, nến, tượng trưng cho năng lượng.

Theo TS Vũ Thế Khanh, mọi người có thể tham khảo bài khấn trong tiết Thanh minh dưới đây:

Bài khấn theo nghi thức Tâm linh trong tiết Thanh minh

Trình tự khấn như sau:

- Nam mô Chư Phật, Chư Thiên, Chư Bồ Tát

- Kính cáo bạch các chư vị Hùng thiêng sông núi

- Kính cáo bạch ngũ vị thần quan, Thành Hoàng, Thổ thần Long mạch,

- Kính cáo bạch thất tổ cửu huyền gia tiên tiền tổ, bà cô ,ông mãnh, ông bà cha mẹ, chú bác cô dì, anh chị em thân bằng quyến thuộc nhiều đời, các hương linh hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, gần xa hết thảy.

- Hôm nay là ngày …………nhân Tiết Thanh minh

- Tín chủ chúng con tên là:...........

- Thường trú tại :………………………

cùng toàn thể họ tộc nội ngoai, thân bằng quyến thuộc đồng thiết lập đàn tràng, hương đăng lễ nghi trang nghiêm thanh tịnh cúi đầu đảnh lễ cúng dường

-Chúng con lễ bạc tâm thành kính xin Chư Phật, Chư Thiên, Chư Bồ Tát chứng minh

- Chúng con kính dâng lễ vật lên các chư vị thần quan, thần linh hộ pháp, - Chúng con kính cúng dường thất tổ cửu huyền, gia tiên tiền tổ nội ngoại phẩm vật uy nghi.

- Xin cho phép thiêng biến thiểu thành đa, hóa vô vi hữu, biến ra hỷ thực uy nghi, vô lượng vô biên thấm nhuần khắp pháp giới.

- Xin nguyện cho tất cả các chư vị cùng muôn chúng sinh được hạnh hưởng tài thực, hỷ thực và Pháp thực, được nương nhờ từ lực Tam Bảo, sớm rõ đường lành, thoát khỏi bờ mê trở về bến Giác, siêu sanh cõi Phật an vui.

- Nguyện cho toàn thể hiếu quyến được sống trong hạnh phúc bình an, trí tuệ sáng suốt, học vấn hanh thông, sự nghiệp thành đạt, thiện tài tăng trưởng tươi xanh trong phước điền viên mãn, mọi tai ách tiêu trừ, oan khiên dứt sạch , bệnh căn thuyên giảm , gia quyến an khang, lòng tin Tam Bảo càng sau, Tâm từ đối với chúng sinh tăng trưởng.

Khắp nguyện phước ban tất cả, đức độ quần sanh, Phật Pháp thịnh hưng, tâm Đồ dứt sạch.

Kính xin Tam Bảo thường ở khắp mười phương chứng minh cho lòng thành của chúng con, cúi mong các Chư Phật Chư Bồ tát xót thương nhiếp tho, kính xin Long Thần Hộ Pháp đồng thời ủng hộ

Nam mô Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni.

Hoàng Mai

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nghi-thuc-va-bai-khan-cung-tiet-thanh-minh-chuan-theo-chuyen-gia-2093051.html