Nghĩ từ đỉnh chiến thắng 30/4

Hãy khoan nhắc tới dấu mốc lịch sử chói lọi ấy, dẫu ngày tháng năm đó đã khắc sâu trong lòng người yêu nước Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Xin được nói tới một cuộc chiến khác, không tiếng súng nhưng cũng cam go, nguy hiểm trong mùa xuân năm 2020. Đấy là cuộc chiến đấu với kẻ thù mang tên COVID-19 của Nhân dân ta bằng tinh thần chống dịch như chống giặc.

 Công viên Lê Duẩn, TP. Đông Hà. Ảnh: H.T.T

Công viên Lê Duẩn, TP. Đông Hà. Ảnh: H.T.T

Hai cuộc chiến, đối thủ hoàn toàn khác biệt, nhưng ngẫm kỹ thì tinh thần, quyết tâm và phương thức triển khai có nhiều điểm tương đồng. Đó là tinh thần quyết thắng và thế trận toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, mọi tầng lớp nhân dân được huy động, tạo ra sức mạnh dân tộc to lớn để chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm cũng như quyết tâm phòng, chống dập COVID - 19 thành công. Tôi thực sự rưng rưng khi thấy những thầy thuốc phải gồng mình làm việc xuyên ngày thâu đêm trong bệnh viện; những người lính nhường doanh trại, chăm chút lo từng bữa ăn giấc ngủ cho người cách ly; những chuyến bay tình nguyện vào vùng tâm dịch đầy bất trắc để chở đồng bào về Tổ quốc, những đồng tiền ủng hộ chống dịch... và bao nhiêu việc làm tốt đẹp khác nữa làm ấm lòng người. Gương mặt đau đáu âu lo của vị tư lệnh mặt trận chống giặc vi rút làm thổn thức bao trái tim người dân. Trong những ngày bão dịch đó, tôi đã đưa những dòng thơ này lên facebook và nhận được không ít đồng cảm của bạn bè: “Ôi, những tháng ngày ta hiểu thêm Tổ quốc/ Từ mỗi ánh nhìn, tiếng hát Việt Nam/Và đừng quên mỗi đồng tiền gom góp được/Cuộc chiến này vẫn thế trận nhân dân...” (Lắng lòng lại cùng Tổ quốc yêu dấu).

Vâng, thế trận nhân dân đã làm nên đỉnh chiến thắng 30/4/1975. Vẫn là thế trận nhân dân được sắp xếp bài bản trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Trong những ngày chiến đấu với COVID - 19, Đảng, Nhà nước ta vẫn không quên bài học vì dân, do dân. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Có dân, được dân là có, là được tất cả. Bài học ấy được minh chứng rõ ràng qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, trong đó có giai đoạn chống Mỹ cứu nước với đỉnh cao chiến thắng 30/4/1975. Một chiến thắng xứng đáng được tôn vinh muôn thuở của dân tộc Việt Nam anh hùng. Một sự kiện lịch sử mang tầm vóc nhân loại bởi sự ảnh hưởng to lớn, lâu dài của nó. Chúng ta không vỗ ngực tự khen mình. Khi những chiếc xe tăng ám khét mùi thuốc súng và những người lính lấm láp bụi đường tiến về Sài Gòn trong ánh nắng phương Nam chói chang, để đúng thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử: 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập thì những nhà báo chiến trường kỳ cựu nhất của các hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới đã có mặt ở đây để theo dõi và viết bài. Còn đây những ghi nhận và ngợi ca đội quân chiến thắng của họ. Hãng UPI đã viết như thế này vào ngày 30/4/1975: Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng Thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “đồng chí” với những người đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo. Không phải ngẫu nhiên mà tờ NewYork Times ra ngày 1/5/1975 đã gọi ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử của thế giới.

Đừng quên, để dựng nên đỉnh chiến thắng 30/4 có biết bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống. Có lẽ, chẳng ở đâu mà hai tiếng hy sinh lại trĩu nặng, xót buốt như ở Việt Nam và chắc cũng chẳng nơi nào hai tiếng ấy cũng nhẹ nhàng, thanh thoát như thế. Đọc lại những câu thơ khai sinh từ trong bom đạn, chính xác hơn là cất lên từ máu và nước mắt sẽ hiểu điều tôi vừa nói. Tố Hữu viết: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”; Phạm Tiến Duật viết: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm...”; Chính Hữu viết: “Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt...”...Càng bi tráng, càng lạc quan. Niềm tin và hy vọng vào ngày mai tốt đẹp là cốt lõi tinh thần tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân. Giá trị tinh thần hết sức sâu thẳm và bền vững của dân tộc Việt Nam không phải chỉ chúng ta nhìn thấy mà một thi sĩ đến từ nước Mỹ cũng nhận ra. Nói thêm điều này, ông là cựu chiến binh Mỹ từng đặt gót giày viễn chinh lên mảnh đất Quảng Trị tan hoang trong những năm 1967, 1968. Đấy là giáo sư, nhà thơ nổi tiếng Bruce Weigl, ông nhìn thấy chiều sâu tâm hồn và bản lĩnh dân tộc ta qua hình ảnh người mẹ Việt Nam: “Dậy thì khi lúa trổ đòng/bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp/Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh/tự do chảy qua những cánh đồng/rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt/Khi lúa chín, Mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất/ của đời mình bằng tiếng hát/ bằng yêu thương sâu thẳm trong tim/bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ...”. Và thời gian so với cuộc chiến càng lùi xa tôi càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình đất nước, của thống nhất non sông từ đỉnh chiến thắng 30/4. Giá trị lịch sử to lớn ấy vẫn góp phần tạo ra năng lượng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Và, tôi tin rằng dân tộc ta bằng bản lĩnh, bằng trí tuệ, bằng tâm hồn sẽ còn làm nên những đỉnh chiến thắng như 30/4 nữa. Kể cả cuộc chiến chống COVID -19 bây giờ, nhất định dân tộc ta sẽ thắng lợi. Khi Nhân dân tin tưởng và đoàn kết thì không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua.

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148042