Nghĩ từ Hiền Lương
Quảng Trị có nhiều ưu thế về địa lý, lịch sử, văn hóa. Tất cả những điều đó phải được biến thành năng lượng tích cực cho sự phát triển. Chúng tôi mong ước cả nước sẽ chung tay xây dựng Quảng Trị thật sự thành một vùng đất giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Tháng 7.2024, nhân kỷ niệm 70 năm vĩ tuyến 17 bị lấy làm ranh giới tạm thời chia cắt đất nước theo Hiệp định Geneve 1954 (trên thực địa lấy con sông Bến Hải làm điểm phân cách với một khu phi quân sự ở hai ven bờ), báo Nhân Dân cùng tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội Vì Hòa Bình trên đôi bờ sông Bến Hải, sân khấu chính là cầu Hiền Lương. Lễ hội có sự tham gia của hàng ngàn người dân và mấy trăm nghệ sĩ.
Bảy mươi năm trước, khi đất nước chia đôi, hầu hết tỉnh Quảng Trị nằm ở phía Nam, riêng huyện Vĩnh Linh (trừ vài xã) nằm ở phía Bắc được thành lập đặc khu Vĩnh Linh (ngang cấp tỉnh). Sau ngày hòa bình, thống nhất, đặc biệt là từ ngày đổi mới, đất nước đã có những biến đổi thần kỳ. Nhiều miền đất hoang hóa gần các thành phố lớn trở thành những đô thị sầm uất. Các đảo xa, gần như Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô, Vân Đồn, Vân Phong… đã thành những đô thị du lịch hiện đại. Nằm ở Trung bộ của đất nước, lại là nơi lưu giữ nhiều di tích chiến tranh, nơi tập kết của hơn 50.000 mộ liệt sĩ ở mọi miền quê, nhưng xem ra Quảng Trị có tốc độ phát triển rất khiêm tốn. Sau các dịp lễ hội ngắn ngủi vẫn là cảnh Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương (trích Chinh phụ ngâm).
Trong khi dân số cả nước tăng gấp đôi, đạt 100 triệu người, thì hình như dân số Quảng Trị vẫn giảm dần đều. Nhớ đến sự hy sinh lớn lao của nhân dân trong chiến tranh, nhà văn anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Thi, người mà trong những ngày đầu chia cắt từng có mặt ở Vĩnh Linh, từng viết: “Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức mà anh nghĩ mình có chết cũng không có gì đáng ngại. Một cử chỉ tốt làm con người vui, sung sướng và bỗng nhiên cảm thấy mình cao lớn hơn, can đảm hơn... Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hy sinh không tính toán để bảo vệ cách mạng những năm tháng này! Mai này đất nước thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây những tượng đài to tát mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những con người còn sống...” (Toàn tập Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, NXB Văn Học 2015).

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải (Quảng Trị) là biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước đằng đẵng suốt 21 năm (1954 - 1975).
Những năm chiến tranh, hầu như không gia đình nào ở đây không từng đón các đơn vị bộ đội liên tiếp đi qua. Có hơn 50.000 chiến sĩ đã yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ và hàng chục ngàn đồng đội còn sống trở lại thăm viếng các nghĩa trang hàng năm. Nhưng người còn đương chức rất ít thời gian thăm lại bà con xưa. Các anh bộ đội đã rời quân ngũ không mấy ai có khả năng kinh tế để giúp đỡ những gia đình từng cưu mang mình…
Năm mươi năm hòa bình, sự quan tâm chủ yếu dành cho việc chăm sóc các nấm mồ liệt sĩ.
Năm mươi năm hòa bình, Quảng Trị có lẽ vẫn chưa khắc phục được hậu quả chiến tranh để vươn lên như mong ước của bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh.
Vĩnh Linh - Cồn Cỏ trong chiến tranh từng 3 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen “Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng” thì nay vẫn là một huyện nghèo “có số má”. Có mấy xã sáp nhập thì cái chữ “Vĩnh” đầu tên cũng bị xóa. Lời hát lịch sử Bên ven bờ Hiền Lương/ Chiều nay ra đứng trông về… thì trong tầm mắt vẫn là sự hoang vắng của hơn 70 năm trước...
Trong thời kỳ mới, quân đội với mục tiêu tinh, gọn, mạnh nên rất nhiều phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh xưa sẽ không còn. Chẳng bao lâu nữa, thế hệ những người lính trực tiếp tham gia chiến tranh cũng sẽ thành người thiên cổ. Cũng có nghĩa dẫu đã xác định được danh tính hay chưa thì tất cả những nấm mộ trong hàng chục nghĩa trang ấy sẽ chỉ còn là dấu tích của một thế hệ đã không tiếc máu xương cho đất nước Độc lập - Thống nhất - Hòa bình. Chính vì thế, chúng tôi - những người bộ đội còn lại của cuộc chiến tranh chống Mỹ (mà chắc không chỉ chúng tôi) mong ước cả nước chung tay xây dựng Quảng Trị thật sự thành một vùng đất giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc. Đây sẽ là một công trình thiết thực, cụ thể khi nước ta kỷ niệm 100 năm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945).
Quảng Trị có nhiều ưu thế về địa lý, lịch sử, văn hóa. Tất cả những điều đó phải được biến thành năng lượng tích cực cho sự phát triển. Tất nhiên, xây dựng một thành phố thời hiện đại sẽ khác những mô hình đã có rất nhiều, nhất là xây dựng một đô thị mang tính lịch sử, vừa giữ được dấu tích xưa, vừa tiếp nhận những nhân tố tiền tiến đương đại, sử dụng những tiến bộ kỹ thuật hiện đại để lưu dấu những ký ức xưa. Trong xu thế đô thị hóa, định hướng phát triển Quảng Trị nên là một thành phố văn hóa, lịch sử, du lịch.
Trong mong ước đó, chúng tôi nghĩ phải đánh thức dòng sông Bến Hải, nơi 50 năm qua vẫn nén lòng đợi chờ sự chuyển mình. Đôi bờ Bến Hải, hơn 50km từ Cửa Tùng lên biên giới, sẽ là một “bảo tàng sống” cho các tỉnh thành cả nước hội tụ bằng những công trình, kiến trúc, cỏ cây hoa lá mang bản sắc riêng; là nơi các địa phương có thể giới thiệu về mình, nhất là những đóng góp lớn lao trong chiến đấu và xây dựng.

Học sinh trường THCS Nguyễn Chí Diểu (Huế) viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh chụp ngày 15.3.2025.
Như đã nói, cuộc chiến đấu chống Mỹ, thực chất có hình hài của một cuộc chiến tranh ý thức hệ mang tầm quốc tế. Chưa bao giờ nước ta có một cuộc chiến tranh mà mỗi bên đều có nhiều nước tham gia với những mức độ khác nhau. Và còn mặt trận các nước ủng hộ chúng ta dưới nhiều hình thức. Trong hình thái ngoại giao cởi mở như hiện nay, hướng tới một nền hòa bình bền vững, nếu chúng ta có chủ trương, các quốc gia đó chắc chắn sẵn sàng đầu tư xây dựng ở vùng đất máu và hoa này những công trình vừa lưu dấu lịch sử, vừa quảng bá cho sự hợp tác hòa bình. Tôi hình dung sẽ có nhiều cây cầu có kiến trúc đặc biệt nối đôi bờ Bến Hải, nhiều công trình văn hóa cho du khách tham quan. Rất có thể bố trí những homestay cho du khách lưu trú, vừa tạo nguồn thu để duy tu các công trình về lâu dài.
Kho tàng tác phẩm văn học nghệ thuật về Quảng Trị, đặc biệt trong chiến tranh là vô cùng giàu có. Đó là những kho vàng vô tận cho các kênh thông tin hiện đại khai thác. Trong tưởng tượng của tôi, bao quanh công viên hòa bình quốc tế ấy, các tập đoàn kinh tế sẽ khai thác và sử dụng những lợi thế địa lý làm khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Cửa Tùng đến Cửa Việt, Mỹ Thủy - Hải Lăng, lên tận biên giới Cam Lộ, Lao Bảo... Chỉ có như vậy mới thiết thực “đền ơn đáp nghĩa” cho vùng đất ấy và người dân nơi ấy.
Báo Công An Nhân Dân ngày 29.6.2024 có đăng bài phỏng vấn TS. Nguyễn Ái Học, Giám đốc Viện Phát triển Công nghệ - Văn hóa - Giáo dục về ý tưởng vận động xây dựng thành phố hòa bình trên đất Quảng Trị, với những hoạt động tiến tới một hội thảo khoa học để tranh thủ sự góp ý sáng tạo của nhiều người tâm huyết với Quảng Trị. Tất nhiên để có một quy hoạch tổng thể cho công trình này còn cần rất nhiều công sức, trí tuệ.
Hiện thực hóa mong ước đẹp đẽ này, đến dịp kỷ niệm 100 năm chế độ mới, Việt Nam sẽ có một công trình hiện đại ghi dấu với muôn đời, biến chiến trường khốc liệt nhất thành một thành phố hiện đại, giữ trong lòng nó những tư liệu sinh động về những năm tháng lịch sử hào hùng không thể nào quên. Có lẽ đó mới là cách thiết thực nhất để tôn vinh những người đã ngã xuống.
Bài: Ngô Thảo - Ảnh: Trung Dũng
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nghi-tu-hien-luong-47997.html