Nghĩ về bộ đội thời bình

Nhiều người vẫn nghĩ rằng 'bộ đội thời bình có gì là vất vả'. Thế nhưng thực tế không phải như vậy. Thời bình, bộ đội vẫn phải âm thầm chịu đựng nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh mà có lẽ ít người biết được.

1. Tháng 4-2024, tôi được tham gia cùng đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ra kiểm tra và thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. So với 5 chuyến đi trước, chuyến đi lần này cho tôi cảm nhận Trường Sa hiện đại hơn, gần gũi hơn với đất liền. Thế nhưng sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ tại đây thì dường như vẫn không thay đổi.

Lưu luyến Trường Sa. Ảnh: ĐỖ PHÚ

Lưu luyến Trường Sa. Ảnh: ĐỖ PHÚ

Đón chúng tôi tại đảo Nam Yết là Đại úy Đinh Tiến Dũng, Chính trị viên cụm đảo Nam Yết. Dũng sinh năm 1988, quê ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Dũng kể với chúng tôi rằng, đơn vị rất quan tâm đến hậu phương gia đình cán bộ, nhưng anh cũng không dám xin đi tranh thủ, mỗi năm chỉ dám về phép một lần vì mỗi lần như vậy là phải từ Trường Sa về đơn vị ở Nha Trang, sau đó mới về Phú Yên với vợ con, rồi lại về quê ở Quảng Bình. Hiện vợ con Dũng vẫn phải thuê nhà ở Phú Yên. “Vì nhiệm vụ mà khi vợ em vượt cạn, em không thể có mặt”, Dũng thổ lộ.

Trong số cán bộ, chiến sĩ chúng tôi gặp ở Trường Sa thì Đại úy Nguyễn Xuân Hà, Trợ lý pháo binh đảo Nam Yết là người có thời gian công tác dài nhất ở quần đảo. Nguyễn Xuân Hà đã có 3 “nhiệm kỳ” ở Trường Sa. “Nhiệm kỳ” thứ nhất vào năm 2014-2015, Hà ở đảo Sơn Ca 18 tháng. “Nhiệm kỳ” thứ hai vào năm 2016, ở đảo Phan Vinh. “Nhiệm kỳ" thứ 3 từ tháng 8-2023 đến nay. “Do công tác ở Trường Sa nên cả hai lần vợ sinh con, em đều không có ở bên”, Hà tâm sự.

Thời chiến tranh, chuyện bộ đội “nuôi con bằng kẹo, nuôi vợ bằng thư” khá phổ biến. Đến nay, tại Trường Sa và nhiều đơn vị khác ở biên giới, hải đảo, không ít cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp động viên vợ và dạy con qua... điện thoại vì mỗi năm chỉ được về phép 1-2 lần thăm gia đình. Nhiều khi đơn vị cho đi tranh thủ cũng chẳng dám đi vì cách trở, xa xôi và tốn kém chi phí đi lại...

Cũng do quần đảo Trường Sa và một số nơi bộ đội ta đóng quân ở xa, phương tiện đi lại rất khó khăn nên nhiều cán bộ, chiến sĩ khi bố mẹ ốm đau, thậm chí từ trần cũng không thể về được...

2. Vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi theo đoàn công tác của Binh đoàn 12 đi kiểm tra tiến độ thi công khu tái định cư thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai). Tại đây, tôi được chứng kiến những tình cảm đặc biệt của bà con Làng Nủ với Bộ đội Cụ Hồ. Sự kiện tang thương vào tháng 9-2024 đã làm hơn một nửa dân số của thôn chết và mất tích. Với phương châm thần tốc cứu người dân bị nạn, quyết tâm tìm bằng được đồng bào bị lũ dữ vùi lấp, dù bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm cận kề, dù chỉ có một tia hy vọng mong manh, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội và dân quân vẫn không quản vất vả, hiểm nguy do mưa lũ, sạt lở, làm việc xuyên ngày đêm...

 Bộ đội Sư đoàn 3, Quân khu 1 hành quân dã ngoại. Ảnh: PHÚ SƠN

Bộ đội Sư đoàn 3, Quân khu 1 hành quân dã ngoại. Ảnh: PHÚ SƠN

Không chỉ lực lượng tìm kiếm cứu nạn, bà con thôn Làng Nủ còn được bộ đội của Binh đoàn 12 về xây dựng làng mới cách vị trí sạt lở khoảng 2km. Cũng với phương châm thần tốc, chỉ sau gần 3 tháng triển khai, khu tái định cư Làng Nủ đã cơ bản hoàn thành với 40 căn nhà sàn, mỗi căn có diện tích 96m2 cùng đầy đủ các công trình phụ trợ như nhà bếp, nhà vệ sinh; 1 điểm trường gồm 2 lớp tiểu học, 2 lớp mẫu giáo; 1 nhà sinh hoạt cộng đồng với kiến trúc nhà sàn, diện tích 300m2 cùng toàn bộ hệ thống điện nước, hạ tầng giao thông...

Nếu Đại tá Nguyễn Thế Lực, Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh Binh đoàn 12 không nói ra, có lẽ nhiều người không biết rằng, suốt gần 3 tháng thi công tại Làng Nủ, bộ đội của Binh đoàn tại đây hầu như làm việc liên tục; Thượng tá Vũ Đình Dũng, Chỉ huy trưởng công trường và nhiều cán bộ chưa một lần về thăm vợ con.

Xác định công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã luôn nỗ lực vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm, với mọi khả năng của mình...

Dịp Tết Nguyên đán, đại đa số cán bộ, chiến sĩ Quân đội trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị và đón Tết cùng nhân dân, nhất là ở vùng biên giới. Trong ảnh: Bộ đội Binh đoàn 15 tổ chức hội thi gói bánh chưng dịp Tết. Ảnh: ANH SƠN

Dịp Tết Nguyên đán, đại đa số cán bộ, chiến sĩ Quân đội trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị và đón Tết cùng nhân dân, nhất là ở vùng biên giới. Trong ảnh: Bộ đội Binh đoàn 15 tổ chức hội thi gói bánh chưng dịp Tết. Ảnh: ANH SƠN

3. Nhà văn Nguyễn Bình Phương từng khắc họa bộ đội thời bình như thế này: “Bộ đội thời bình là con dao pha. Nơi nào thật khó, bộ đội có mặt, chốn nào thật hiểm nguy, bộ đội chắn che. Dấu chân bộ đội trải khắp mọi miền Tổ quốc, từ nơi cực Bắc cuồn cuộn sương mù tới cực Nam lắng đọng phù sa Đất Mũi... Vẫn còn những đứa trẻ ngày giáp Tết thơ thẩn ngó sang hàng xóm thấy cảnh gia đình nhà người ta sum họp đủ đầy, ấm cúng mà quay vào phụng phịu, hờn trách hỏi mẹ rằng bao giờ bố về phép ăn Tết với nhà mình”.

Bộ đội thời bình là như vậy đó! Ai có người thân công tác xa nhà biền biệt thì sẽ hiểu phần nào.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/nghi-ve-bo-doi-thoi-binh-813009