Nghĩ về đàn ông, nghĩ về việc nhà
Không biết tự bao giờ, trong quy ước bất thành văn của hầu hết người Việt, việc nhà là của phụ nữ. Đây là một tư tưởng nặng tính phong kiến nhưng rất chậm thay đổi, thậm chí còn hằn sâu trong quan niệm của nhiều ông bố, người chồng trong gia đình hiện đại hôm nay…
Có thể đưa ra vài lý giải cho quan niệm này khi thời xưa phụ nữ ít được học hành nên từ thời con gái cho đến khi lấy chồng cứ quẩn quanh với vai trò bếp núc. Lâu dần, họ học được cách an phận với vị trí của mình. Thời hiện đại bây giờ cũng không thiếu những trường hợp như thế, khi những người chồng, người cha giao phó mọi việc nhà cho vợ để họ tập trung lao động lo kinh tế cho gia đình.
Nói một cách công bằng nhất, dù đến từ lý do gì đi nữa, kể cả đã ngầm thỏa thuận với nhau thì thực tế này cũng khiến người ta ái ngại khi nhìn vào. Không ái ngại sao được khi ta chứng kiến người vợ mỗi sáng, mỗi chiều tay xách nách mang, vừa rửa chén vừa bế con, vừa nấu ăn vừa dạy con học… trong khi người chồng đi làm về chỉ việc ngả lưng xem ti vi, chơi game? Thậm chí, khi nhà có khách, ông chồng chỉ ngồi trà nước, mọi việc bếp núc đều phó thác cho vợ. Đó là chưa kể khi gia đình phải nuôi con nhỏ, cái “nghề làm mẹ” vô cùng bận rộn và khó nhọc ấy nếu không có sự sẻ chia, giúp đỡ của người chồng, họ sẽ vất vả biết nhường nào.
Việc nhà tuy đơn giản, ai cũng có thể làm được nhưng tiêu tốn rất nhiều thời gian. Nhiều người đàn ông gia trưởng thường tặc lưỡi cho rằng đó là việc của phụ nữ, còn mình phải lo việc lớn mới xứng với vị trí, vai trò trụ cột.
Tôi cũng là đàn ông nhưng không tán thành suy nghĩ này. Gần đây, tôi rất bất ngờ với phát ngôn của một nhân vật khá nổi tiếng trong giới tài chính, có tầm ảnh hưởng khi ông chia sẻ trên báo, đại ý “đàn ông rửa bát cho vợ thì rất hay bỏ vợ…”.
Thiết nghĩ, chúng ta cần nhận thức lại một cách đầy đủ và khách quan hơn về thực tế này. Tư tưởng “việc nhà là của đàn bà” cần được xóa bỏ. Đời sống gia đình hiện đại đã thay đổi, vai trò của phụ nữ đã được định hình lại, họ cũng có công việc, cũng đóng góp thu nhập, họ cũng bộn bề không khác đàn ông. Vì thế, họ cũng cần được sẻ chia, được phân công việc nhà một cách bình đẳng. San sẻ việc nhà, giải phóng thời gian và áp lực cho người phụ nữ trong gia đình - đó cũng là biểu hiện của sự biết ơn và tôn trọng.
Nói đi cũng phải nói lại, cũng có không ít người chồng, người cha trong gia đình làm tốt việc này. Họ không nề hà việc thức khuya dậy sớm chăm con nhỏ, không ái ngại chợ búa cơm nước, rửa chén, giặt đồ… thậm chí, nhiều người còn giành làm với vợ để vợ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.
Trở lại với những nhận định nặng áp đặt với tư tưởng lạc hậu trong nhiều phát ngôn, tôi cho rằng đàn ông biết đỡ đần, san sẻ người phụ nữ của mình mỗi ngày, biết nâng niu những điều nhỏ bé mới là người đàn ông lớn, ứng xử văn minh. Ngược lại, sự biếng lười, phó thác, mặc định việc nhà riêng thuộc về phụ nữ mới đáng chê trách.
Có thể một người đàn ông chưa quen với việc chợ búa, cơm nước, vụng về trong việc chăm con hoặc quá bận rộn trong công việc, chỉ cần anh cố gắng bằng tình yêu thương và sự thấu cảm của mình, sẽ không khó để làm được.
Sự thay đổi nhận thức và quan niệm chưa bao giờ là quá muộn nếu đàn ông thực sự tôn trọng người phụ nữ của mình, từ đó biết cách đỡ đần, sẻ chia việc nhà đầy trách nhiệm.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nghi-ve-dan-ong-nghi-ve-viec-nha-post516393.html