Nghị viện châu Âu rung chuyển vì bê bối hối lộ của Huawei

Trung tâm quyền lực của Liên minh Châu Âu (EU) đang chao đảo vì bê bối tham nhũng, nhận hối lộ mới, liên quan đến 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc Huawei và Nghị viện Châu Âu (EP). Các nhà điều tra đang xác minh các cáo buộc về 'tham nhũng tích cực' và rửa tiền tại EP với nghi ngờ Huawei đã hối lộ để đạt được các quyết định mang lại lợi ích cho công ty.

Các cuộc đột kích và bắt giữ

Tin từ hãng Reuters cho hay, trung tuần tháng 3, Văn phòng công tố Bỉ đã buộc tội 5 năm người có liên quan đến một cuộc điều tra nhận hối lộ tại EP mà “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei được cho là thực hiện. 5 người này đều đã bị bắt giữ và 4 người trong đó bị cáo buộc tội “tham nhũng tích cực” và “tham gia vào một tổ chức tội phạm”; trong khi người thứ năm phải đối mặt với các cáo buộc rửa tiền nhưng được thả có điều kiện. Công tố viên không tiết lộ tên của những người liên quan hoặc cung cấp thông tin giúp xác định danh tính của họ.

Văn phòng công tố Bỉ đang điều tra hoạt động vận động hành lang của Huawei.

Văn phòng công tố Bỉ đang điều tra hoạt động vận động hành lang của Huawei.

Một nguồn tin khác từ tờ The Guardian thông tin thêm rằng, vụ việc chưa dừng lại và đến tuần cuối của tháng 3, một cuộc khám xét mới đã diễn ra tại các văn phòng của EP. Trước đó, từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, hàng loạt cuộc khám xét đã được thực hiện đối với 21 địa điểm tại Brussels, Flanders, Wallonia (Bỉ) và Bồ Đào Nha.

Tờ Politico miêu tả: “Một cánh cửa dẫn đến các văn phòng thuộc phái đoàn Italy trong đảng Nhân dân châu Âu (EPP) bị niêm phong bằng băng dính cảnh sát màu xanh và trắng. Văn phòng này không có biển tên nhưng hồ sơ ở EP chỉ ra rằng văn phòng này thuộc về các trợ lý của nghị sĩ châu Âu bảo thủ lâu năm người Italy Fulvio Martusciello và người đồng cấp trong đảng của ông là Marco Falcone.Văn phòng thứ 2 bị niêm phong thuộc phái đoàn Bulgaria trong nhóm Renew Europe, thuộc về Adam Mouchtar, một quan chức lâu năm và là trợ lý của nghị sĩ châu Âu mới đắc cử Nikola Minchev. Adam Mouchtar cũng là người đồng sáng lập một nhóm có tên EU40 mà chủ tịch là chính trị gia người Hy Lạp Eva Kaili - một nhân vật chủ chốt trong cuộc điều tra tham nhũng Qatargate”.

Trả lời phỏng vấn tờ Politico, ông Adam Mouchtar xác nhận việc văn phòng của ông bị niêm phong nhưng phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, trong khi nghị sĩ Nikola Minchev tuyên bố đã sa thải trợ lý của mình. Còn nghị sĩ Fulvio Martusciello khi được liên lạc thì cho biết, văn phòng bị niêm phong "không phải của tôi" nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin, bao gồm cả việc liệu nó có thuộc về bất kỳ trợ lý nào của ông hay không.

Nghị sĩ Marco Falcone tuyên bố với tờ báo Corriere della Sera của Italy rằng: “Cả hai trợ lý của tôi cũng như thực tập sinh đến đây cách đây 15 ngày đều không liên quan. Chúng tôi chưa bao giờ liên lạc với Huawei và hoạt động của chúng tôi tại EP trong 9 tháng qua (kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ) chưa bao giờ liên quan đến lĩnh vực này”.

Toàn cảnh tòa nhà EP tại Strasbourg, Pháp.

Toàn cảnh tòa nhà EP tại Strasbourg, Pháp.

Các công tố viên Bỉ cho biết, hành vi tham nhũng bị cáo buộc đã diễn ra "rất kín đáo" kể từ năm 2021 dưới chiêu bài vận động hành lang thương mại và liên quan đến các khoản thanh toán để nhận được sự ủng hộ hoặc các khoản quà tặng quá mức như: chi phí ăn uống, đi lại, ở những nơi sang trọng hoặc lời mời thường xuyên đến các trận đấu bóng đá…

Theo nguồn tin từ Follow the Money, Le Soir và Knack là hai hãng tin của Bỉ đưa tin đầu tiên về vụ việc dựa trên thông tin do các công tố viên Bỉ cung cấp. Le Soir và Knack cũng khẳng định, các công tố viên đã có nhiều cuộc thẩm vấn với hơn 20 quan chức EU và 15 cựu nghị sĩ, nghị sĩ đương nhiệm châu Âu đang nằm trong diện điều tra. Một số trong đó có liên hệ chặt chẽ với Huawei hoặc tham gia vào các hoạt động vận động hành lang có lợi cho công ty này.

Huawei và mạng lưới vận động hành lang

Le Soir và Knack cho hay, từ năm 2010 đến nay, Huawei đã dành hàng triệu euro để thuê các nhà vận động hành lang và thực hiện chiến dịch quan hệ công chúng ở châu Âu. Công ty cũng tổ chức các bữa tiệc xa hoa tại những địa điểm sang trọng và các buổi khiêu vũ như tiệc chiêu đãi Concert Noble ở Brussels cùng các món quà cảm ơn đối tác hào phóng gồm cả điện thoại Huawei. Từ năm 2019, mức chi này còn tăng hơn nhiều. Thậm chí, khi các nước châu Âu không chuộng thiết bị 5G của Huawei, công ty này đã đưa ra mức lương sáu con số cho các cựu nhà báo và chính trị gia châu Âu có đường dây trực tiếp liên hệ đến những nơi có quyền lực như Điện Elyseé (Pháp) và Westminster (Anh).

Nhưng trong hai năm qua, Huawei đã mất đi phần lớn ảnh hưởng của mình khi các chính phủ châu Âu liên kết với nhau để có cách tiếp cận thận trọng với việc sử dụng thiết bị 5G trong mạng lưới của họ. Ở cấp độ EU, Ủy ban châu Âu vào năm 2023 đã công bố các động thái nhằm chặn Huawei và ZTE khỏi nguồn tài trợ nghiên cứu của EU. Từ đó, văn phòng của Huawei tại Brussels (Bỉ) cũng sa thải hàng loạt các nhà vận động hành lang và cán bộ làm truyền thông.

Theo dữ liệu từ sổ đăng ký minh bạch của EU, Huawei đã chi từ 2 triệu euro đến 2,25 triệu euro cho hoạt động vận động hành lang tại EU vào năm 2021, 2022 và 2023. Con số này là khá nhiều nhưng vẫn thấp hơn chi phí vận động hành lang của công ty trong những năm trước, ước tính vào khoảng 3 triệu euro vào năm 2018, 2019 và 2020.

Trung tâm quyền lực của EU đang chao đảo vì vụ bê bối liên quan đến “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei và EP.

Trung tâm quyền lực của EU đang chao đảo vì vụ bê bối liên quan đến “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei và EP.

Tháng 10/2024, Huawei chính thức tuyên bố rằng họ có 11 nhà vận động hành lang toàn thời gian ở EU, trong đó 9 người được công nhận để tiếp cận EP (vào thời kỳ đỉnh cao, Huawei có 21 người). Đồng thời, Huawei cũng liệt kê các bên trung gian là Acento Public Affairs, Alber & Geiger, Hill & Knowlton International Belgium và MUST & Partners. Acento và Alber & Geiger cũng từng là trung gian của Huawei nhiều năm trước, với việc Huawei tuyên bố chi phí đại diện từ 200.000 euro đến 600.000 euro.

Hệ quả dài hạn tới chính sách của EU

Trước những thông tin từ Văn phòng công tố viên Bỉ và báo chí châu Âu, Huawei lên tiếng rằng, họ "coi trọng những cáo buộc này" và cam kết hợp tác chặt chẽ, đầy đủ với các nhân viên điều tra. Huawei cũng phủ nhận mọi hành vi sai trái, nhấn mạnh rằng họ luôn tuân thủ các quy định pháp luật của EU. Trong khi đó, Phó chủ tịch EP Victor Negrescu nhận định, các cáo buộc rất "đáng lo ngại" và nhấn mạnh EU sẽ "tăng cường các biện pháp minh bạch và kiểm soát vận động hành lang". Một số nghị sĩ châu Âu khác thì kêu gọi điều tra sâu rộng hơn và thậm chí đề xuất lệnh cấm Huawei tham gia các hợp đồng công của EU.

Nghị sĩ Fulvio Martusciello.

Nghị sĩ Fulvio Martusciello.

Theo nhiều nhà phân tích, bê bối này có nhiều điểm tương đồng với vụ Qatargate năm 2022, khi một số nghị sĩ EP bị cáo buộc nhận hối lộ từ Qatar để tác động đến các quyết sách của EU. Vụ Qatargate đã làm rúng động chính trường châu Âu thời điểm đó và Eva Kaili, một trong những nhân vật chủ chốt trong vụ việc đã bị bắt giữ cùng một số chính trị gia cấp cao khác. Cuộc điều tra cũng đã phơi bày lỗ hổng lớn trong hệ thống chống tham nhũng của EU và thúc đẩy những cuộc cải cách mới nhằm tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Vì vậy, nếu các cáo buộc này được chứng minh, Huawei có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn từ EU, bao gồm lệnh cấm tham gia vào các dự án công nghệ lớn và thậm chí là bị loại khỏi các hợp đồng viễn thông quan trọng tại châu Âu. Đồng thời, bê bối cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào hệ thống chính trị của EU và buộc Brussels phải thực hiện các cải cách sâu rộng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài.

Hàng chục cuộc khám xét đã được tiến hành ở các văn phòng của EP.

Hàng chục cuộc khám xét đã được tiến hành ở các văn phòng của EP.

Hệ quả dài hạn đối với chính sách của EU, theo nhận định của tờ Politico là EU phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn đối với hoạt động vận động hành lang của các công ty nước ngoài. Các biện pháp có thể bao gồm: tăng cường giám sát tài chính của các tổ chức vận động hành lang; yêu cầu minh bạch hơn về nguồn tài trợ và các hoạt động tiếp cận nghị sĩ; áp đặt các hạn chế đối với việc các cựu quan chức EU làm việc cho các công ty nước ngoài.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên như Pháp, Đức và Italy cũng có thể sẽ gây áp lực buộc EU áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn đối với Huawei và các công ty công nghệ khác. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây có thể sử dụng vụ bê bối này để thúc đẩy các chính sách hạn chế Huawei trên phạm vi toàn cầu.

Chu Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nghi-vien-chau-au-rung-chuyen-vi-be-boi-hoi-lo-cua-huawei-i763553/