Nghĩa cử tri ân

Văn hóa Việt Nam ta nổi bật ở đặc điểm trọng tình. Đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', biết ơn những người đi trước đã cống hiến, hy sinh, dựng xây cho ta có được cuộc sống tốt đẹp trong hiện tại… vốn đã trở thành truyền thống, biểu hiện thành những việc làm cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Ví như, từ lâu, những nghĩa cử nhằm tri ân các thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng đã lan tỏa sâu rộng, mang lại ý nghĩa giáo dục to lớn!

Từ trong trang sách thuở thiếu thời, tôi vẫn còn nhớ những bài học, lời cô giáo dạy về những tấm gương yêu nước, sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ. Khi ấy, trong trí nghĩ non nớt trẻ thơ chúng tôi rưng rưng niềm thành kính, tự hào và biết ơn đối với bao thế hệ cha ông, nhất là với những người đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, gìn giữ hòa bình cho đất nước. Thế rồi, chúng tôi biết yêu màu áo lính, mơ ước mai này lớn lên sẽ là các chiến sĩ dũng cảm và càng thương yêu biết mấy các ông bà, cô bác nơi xóm giềng là những thương binh, bệnh binh từng góp mặt trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.

Nhớ khi đã trở thành đoàn viên, chúng tôi luôn được giáo dục, bồi dưỡng về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, cộng đồng, luôn biết ơn đối với những người có công với cách mạng. Không chỉ tồn tại trong suy nghĩ, tình cảm mà còn được biểu hiện ra bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Vào những ngày lễ 27-7, 2-9, 22-12… các cô cậu học sinh, sinh viên chúng tôi thường được tham quan những “địa chỉ đỏ” ở địa phương; thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước; dọn vệ sinh, tôn tạo các công trình tưởng niệm… Những việc làm dù nhỏ nhưng đã sớm giáo dục cho thế hệ thanh niên chúng tôi biết sống có lý tưởng, tình nghĩa vẹn tròn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn thăm, tri ân thương binh Huỳnh Văn Tiến (tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) và gia đình. Ảnh: Quang Tấn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn thăm, tri ân thương binh Huỳnh Văn Tiến (tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) và gia đình. Ảnh: Quang Tấn

Bố tôi cũng là cựu chiến binh. Anh em tôi luôn tự hào về bố, luôn xem bố như một tấm gương, vì phần lớn tuổi thanh xuân của ông đã dành cho những trận tuyến đánh quân thù. Từng là anh giải phóng quân tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trở về với cuộc sống đời thường, bố vẫn mang trong mình chất lính, vẫn không thể nào quên nghĩa tình đồng đội. Là thành viên Hội Cựu chiến binh của khu phố, bố rất tích cực tham gia sinh hoạt Hội, tìm thấy niềm vui bên đồng chí, đồng đội từng tham gia chiến hào, từng góp công cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước.

Trong mỗi chuyến đi tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hay về lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội, tôi thấy bố vừa hào hứng vừa rưng rưng niềm xúc động khôn nguôi! Được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện, bố còn bảo: “Những cựu chiến binh như bố chẳng những phải biết ơn các đồng đội đã ngã xuống mà còn sức thì còn phải tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội trong thời bình để luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mọi mặt trận”. Nghe vậy, tôi càng thêm yêu thương, tự hào về những cựu chiến binh như bố.

Những ngày cuối tháng 7 đang dần trôi, người người lại chẳng thể nào quên một ngày lễ kỷ niệm đặc biệt-Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7. Khắp nơi đang tổ chức các chương trình gặp gỡ, tặng quà cho các cựu chiến binh; thăm hỏi, động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; dâng hương tưởng niệm các anh hùng-liệt sĩ,… Những hoạt động thường niên ấy chẳng phải để phô trương mà là để ta nhắc nhớ những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng; để ta biết ơn đến quá khứ, nguồn cội; biết kết nối, gìn giữ truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc!

THU ĐÌNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202207/nghia-cu-tri-an-5784216/