Nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn
Tháng 10 vừa qua là những tháng ngày dài đầy đau thương, mất mát của đồng bào miền Trung khi phải oằn lưng gánh chịu hết đợt lũ này đến đợt lũ khác, hết cơn bão này đến cơn bão khác. Thế nhưng có 'qua cơn hoạn nạn', trong mất mát, tai ương mới thấy được nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau của người dân Việt Nam.
Khi biết tin miền Trung đang bị nước lũ dâng cao ngập đến tận nóc nhà, người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, đói rét, thiếu ăn, đồng bào dân tộc S’Tiêng tại thôn Bù Ka, xã biên giới Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã bảo nhau phải làm gì đó cho người dân miền Trung. “Đàn ông thì vào rừng chặt ống lồ ô, đàn bà ở nhà kiếm củi, rồi góp mỗi người một ít gạo để nấu cơm lam gửi ra cho bà con miền Trung đang bị lũ lụt. 200 ống cơm lam không phải là nhiều, nhưng đây là tấm lòng của đồng bào S’Tiêng nơi xã biên giới gửi đến đồng bào miền Trung”, bà Điểu K’Lot, thôn Bù Ka chia sẻ.
Bình Phước là địa phương còn khó khăn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Nhưng hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt các tỉnh miền Trung, người dân Bình Phước cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh đã chung tay quyên góp được hơn 9,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị, cá nhân trên địa bàn cũng đã tự tổ chức hàng chục đoàn trực tiếp đến san sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung trong những ngày qua.
Ông Vũ Long Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết, trong hai ngày 6 và 7/11 tới, Bình Phước sẽ tổ chức đoàn đi miền Trung để thăm hỏi, chia sẻ khó khăn và ủng hộ số tiền quyên góp được gửi tới đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, cùng chung tay giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Không chỉ quyên góp tiền, trong những ngày qua, các đơn vị, cá nhân, tổ chức trên địa bàn Bình Phước đã huy động được hàng chục tấn hàng gồm các nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thiết bị cứu hộ, thuốc men, quần áo gửi tới đồng bào miền Trung.
“Hết đợt lũ này lại đến đợt lũ khác, người dân miền Trung đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Những hình ảnh người dân phải chịu đói nhiều ngày, sống "màn trời chiếu đất" trên nóc nhà, chúng tôi không thể nào cầm lòng. Mỗi người góp một chút, không có tiền thì góp sức, góp công. Đến nay đoàn chúng tôi đã chở được hai chuyến hàng gồm các nhu yếu phẩm, áo phao, thiết bị cứu hộ ra giúp đồng bào miền Trung”, chủ một doanh nghiệp tại thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) chia sẻ.
Trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện mạnh mẽ, để rồi “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Gần đây nhất, vào đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng lên, nhân dân thế giới lại thêm một lần thán phục trước tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam khi chống chọi với đại dịch. Khắp các địa phương trên mọi miền Tổ quốc đã xuất hiện những chiếc máy "ATM" phát gạo, những “siêu thị 0 đồng”, khẩu trang được phát miễn phí, những hộp cơm hay gói xôi tiếp sức cho những người nơi tuyến đầu chống dịch. Chính tinh thần đoàn kết đó đã tạo nên sức mạnh để chúng ta có thể kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Những ngày qua, hình ảnh từng đoàn xe chất đầy lương thực, thuốc men, đồ cứu hộ nối đuôi nhau với những dòng chữ “Hướng về miền Trung ruột thịt”, “Đoàn cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung”, “Khi miền Trung gọi, cả nước trả lời”, đã làm ấm lòng đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Những hình ảnh cụ bà ngoài 80 tuổi lưng còng, chống gậy ra đường vẫy đoàn xe cứu trợ để gửi một thùng mì tôm cho đồng bào bị lũ lụt; những em nhỏ đập ống heo tiết kiệm để gửi các bạn miền Trung mua sách vở đi học; các chị, các mẹ thức trắng đêm gói bánh chưng để sáng sớm kịp gửi đến đồng bào đang đói do nước lũ chia cắt. Tất cả đã nói lên một tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, như lời một bài hát của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, “rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”.