Nghĩa Hành: Nhiều di tích văn hóa, lịch sử xuống cấp
Huyện Nghĩa Hành có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn đầu tư bảo tồn, tu sửa nên nhiều di tích xuống cấp và chưa phát huy được giá trị.
Đa dạng loại hình di tích
Huyện Nghĩa Hành hiện có 5 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Loại hình di tích ở Nghĩa Hành rất đa dạng như lịch sử, tín ngưỡng, cách mạng, danh nhân... Nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh rất có giá trị về mặc lịch sử. Điển hình như Khu Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, ở tổ dân phố Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa.
Nơi đây từng là nơi làm việc, đến công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh - những người đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam Trung Bộ trong những năm 1946 - 1949. Di tích đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Còn Di tích Địa đạo Hiệp Phổ Nam tại xã Hành Trung xây dựng từ tháng 5/1965. Đây là nơi nhân dân trú ẩn bom đạn và các trận càn quét của giặc vừa là căn cứ của lực lượng dân quân, du kích. Di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2020.
Bên cạnh đó, huyện Nghĩa Hành còn có Khu lưu niệm nơi làm lễ xuất quân của Liên quân Việt - Lào. Di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2012. Di tích đã trở thành di sản chung vô giá của hai dân tộc, là dấu ấn của tình đoàn kết truyền thống đặc biệt và toàn diện Việt - Lào. Hiện nay, Sở VH-TT&DL đang xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với khu lưu niệm này...
Cần sớm trùng tu, nâng cấp
Là một trong những địa phương có nhiều di tích nhưng bên cạnh một số được tôn tạo, bảo vệ, thì ở huyện Nghĩa Hành còn nhiều di tích đang xuống cấp và chưa phát huy giá trị xứng tầm.
Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ đến nay đã 4 lần sửa chữa nâng cấp nhưng hiện một số hạng mục đã xuống cấp nặng như căn hầm tại điểm di tích nhà lưu niệm Cụ Huỳnh; bia sự kiện tại nhà ông Ngô Xuân Dương và ông Nguyễn Nhượng đã bị hư hỏng. Di tích Địa đạo Hiệp Phổ Nam cũng đang bị hư hỏng một số hạng mục như nội thất nhà trưng bày.
Còn đối với di tích Mộ và Nhà thờ Võ Duy Ninh xây dựng từ năm 1997, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013, đến nay do tác động của thiên tai, bão lũ, ngôi mộ đã xuống cấp. Quy mô ngôi mộ nhỏ, chưa tương xứng với công trạng của ông Võ Duy Ninh đối với đất nước trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông Võ Duy Hùng quản lý, trông coi di tích cũng là cháu họ của cụ Võ Duy Ninh cho hay, trước thực trạng này, chúng tôi kiến nghị tỉnh sớm mở rộng khuôn viên di tích và hỗ trợ kinh phí nâng cấp ngôi mộ và xây mới nhà thờ.
Di tích cấp tỉnh Đình Lâm Sơn, ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân cũng đã sập phần mái trước đình. Hiện Ban Quản lý di tích đã dùng cây chống đỡ tạm nhằm hạn chế sập một số hạng mục khác. Bên cạnh đó, các di tích cấp tỉnh khác như Xưởng quân giới 240 tại xã Hành Thiện và Chiến thắng Hành Thịnh đến nay vẫn chưa được xây dựng bia bản...
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đã đi kiểm tra một số điểm di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Nghĩa Hành và yêu cầu huyện tham mưu nâng cấp, sửa chữa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Huyện Nghĩa Hành cần làm tốt công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo đối với từng di tích, tránh để lâu gây ảnh hưởng tới tổng thể kiến trúc các di tích; nghiên cứu tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích. Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, thu hút được người dân trong tỉnh và du khách đến tham quan...
Bài, ảnh: KIM NGÂN