Nghĩa Hưng phát huy hiệu quả tín dụng chính sách

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), với sự nỗ lực triển khai của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tăng cường, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Ngô Văn Lạc ở thị trấn Liễu Đề phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Ngô Văn Lạc ở thị trấn Liễu Đề phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đồng chí Trần Thị Hảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Ngân hàng CSXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 6/3/2015 triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 8/10/2021 triển khai thực hiện Kế hoạch 102/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Từ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH nói chung, hoạt động của Ngân hàng CSXH nói riêng trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên. Các cấp, các ngành coi Ngân hàng CSXH là một trong những công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương nên đã chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện để Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn”. Hàng năm ngay từ tháng 1, HĐND, UBND huyện đã cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện đạt 3,9 tỷ đồng với 70 khách hàng còn dư nợ. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã bố trí 24/24 điểm giao dịch tại UBND để Ngân hàng CSXH tổ chức hoạt động giao dịch tại chỗ, đưa vốn đến người dân thuận lợi, an toàn.

Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH đến với nhân dân; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện. Hiện tại, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã mở các tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng CSXH với số dư lớn, nhằm tập trung nguồn lực cho hoạt động tín dụng CSXH để hỗ trợ chăm lo cho người nghèo vươn lên, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách an sinh xã hội. Công tác phối hợp giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện đã được kiện toàn, bổ sung 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia, qua đó nâng cao sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách ngay từ cơ sở. Nhờ đó, chính quyền cơ sở đã thực sự vào cuộc cùng Ngân hàng CSXH trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả, chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, xử lý nợ xấu giúp nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Hết tháng 6/2024, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện kiểm tra, giám sát 7 xã, 14 tổ, 70 khách hàng. Ngân hàng CSXH huyện thực hiện kiểm tra nội bộ 11 xã, 33 tổ, 165 khách hàng.

Đến hết tháng 6/2024, Ngân hàng CSXH huyện đang triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn với tổng dư nợ hơn 644 tỷ đồng, 16.731 khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã tập trung gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ 179,4 tỷ đồng với 9.976 khách hàng; hộ mới thoát nghèo với dư nợ 187,4 tỷ đồng với 2.488 khách hàng; hộ cận nghèo với 142,1 tỷ đồng với 2.206 khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ; là một trong những đơn vị cấp huyện có chất lượng tín dụng chính sách tốt nhất toàn tỉnh. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, trong 10 năm qua đã có 38.517 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 1.434 tỷ đồng, giúp cho 2.771 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 1.922 lao động, 1.315 học sinh, sinh viên có vốn để tiếp tục học tập, thực hiện tốt mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ là không để học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí; xây dựng 35.683 công trình nước sạch, vệ sinh đã góp phần cải thiện môi trường xanh - sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn; 50 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát, chưa có nhà, 41 căn nhà cho người có thu nhập thấp, 8 lao động chấp hành xong án phạt tù. Các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH giải ngân đã đóng góp đáng kể trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Tại thị trấn Liễu Đề, nguồn vốn tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả thiết thực trong giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ông Ngô Văn Toàn ở tổ dân phố Nam cho biết: “Tôi làm nghề xây dựng tự do nên thu nhập không ổn định. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, tôi đã cải tạo vườn trồng hơn 200 gốc đào cảnh. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư mua giống, phân bón chăm sóc cây. Đến nay cây sinh trưởng tốt, phát triển rễ, thân khỏe mạnh. Dự kiến vụ tết sắp tới, tôi sẽ thu thêm từ 70-80 triệu đồng từ vườn đào này”. Anh Ngô Văn Lạc ở tổ dân phố Nam cũng mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để kinh doanh chậu sành, sứ phục vụ thú chơi cây cảnh. Anh Lạc cho biết: “Số vốn được giải ngân kịp thời, lãi suất cho vay ưu đãi, thời gian cho vay dài nên rất thích hợp với nhu cầu đầu tư của gia đình. Hiện tại, mỗi tháng gia đình tôi cũng có thêm hơn 3 triệu đồng từ kinh doanh chậu cây cảnh, giúp gia đình có thêm thu nhập để nuôi 2 cháu học đại học, ổn định kinh tế”.

Thời gian tới, để thực hiện thành công hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đến các đảng bộ, chi bộ trong huyện, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH. Lồng ghép các mô hình sản xuất, chăn nuôi, các dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH. Đề xuất HĐND, UBND huyện cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhiều hơn để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp triển khai thực hiện tốt các chương trình vay vốn tín dụng chính sách; thường xuyên kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Tăng cường thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202408/nghia-hung-phat-huy-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-9230e0c/